Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 27-02-2024

Giải pháp thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, một số mô hình tích tụ và tập trung ruộng đất đã được triển khai như ở Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan... Các mô hình này bước đầu đã đưa đến những luận cứ khẳng định về tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và đáp ứng được tiêu chí thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tích tụ và tập trung ruộng đất đã góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp và tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao theo nhu cầu của thị trường.

Để quản lý và phát triển các mô hình tích tụ và tập trung ruộng đất, mỗi quốc gia đều dựa trên những đặc thù của mình mà có những chính sách quản lý và thực hiện khác nhau.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, một số mô hình tích tụ và tập trung ruộng đất đã được triển khai như mô hình cánh đồng lớn, phát triển kinh tế trang trại, liên kết hợp tác xã... Các mô hình này cũng đã cho thấy sản xuất nông nghiệp trong các mô hình đã bước đầu đi theo hướng thị trường, sản xuất nông nghiệp không chỉ có người nông dân mà đã thu hút được cả sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà khoa học và quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm (ở các mức độ khác nhau, tùy theo mô hình).

Mặc dù các mô hình tích tụ và tập trung ruộng đất đã cho thấy những lợi ích của hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhưng để thúc đẩy các mô hình này vẫn còn rất nhiều các rào cản cần giải quyết. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một số rào cản có thể kể đến bao gồm:

- Đất canh tác nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng còn nhiều manh mún. Nhiều vùng nông thôn, ruộng đất nằm xen kẽ khu dân cư, diện tích các ô thửa canh tác nhỏ, diện tích bờ vùng, bờ thửa lớn “bờ nhiều hơn ruộng”. Điều này đã hạn chế rất lớn việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp gặp nhiều 6 khó khăn. Đây được coi là yếu tố hạn chế rất lớn cho mô hình tích tụ và tập trung ruộng đất được phát triển.

- Mặc dù đã có nhiều đổi mới về chính sách quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, tuy nhiên một thực tế cho thấy một số chính sách quản lý đang là rào cản rất lớn đối với quá trình thúc đẩy sự tích tụ và tập trung ruộng đất, đặc biệt là các chính sách liên quan tới thời hạn sử dụng đất và hạn điền đối với đất nông nghiệp. Luật đất đai năm 2013 của Việt Nam đã quy định, thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân là 50 năm; cho phép hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn với diện tích lớn hơn không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp (hạn mức giao đất nông nghiệp là 3 ha). Với những hạn mức trên cho thấy, nếu tích tụ và tập trung ruộng đất trên quy mô lớn chưa thể đáp ứng được, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập thị trường, sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đang ngày càng gia tăng.

Từ các vấn đề trên cho thấy, tích tụ và tập trung ruộng đất trong canh tác nông nghiệp là một hướng sản xuất mang lại nhiều giá trị về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự mang lại hiệu quả đòi hỏi nhà nước phải nghiên cứu, xây dựng và có chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng được thực tiễn sản xuất trong bối cảnh hội nhập thị trường và đặc biệt phải thích ứng được bối cảnh biến đổi khí hậu. Vì vậy, đề tài Giải pháp thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới do GS.TS. Đỗ Hoài Nam cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng thực hiện với mục tiêu đề xuất có luận cứ khoa học các giải pháp thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất theo yêu cầu phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng hiện đại trong bối cảnh mới. Do đó, để thúc đẩy hoạt động tích tụ và tập trung ruộng đất, căn cứ theo mục tiêu và nội dung của nhiệm vụ, đề tài đưa vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất gắn với yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững làm vấn đề trung tâm trong tiếp cận nghiên cứu.

Để nghiên cứu thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất, áp dụng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới, đề tài nghiên cứu tiếp cận trên cơ sở hệ thống các yếu tố liên quan bao gồm: Cơ cấu nông nghiệp; Người nông dân; và Doanh nghiệp.

Ở nước ta, ngành nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tạo việc làm cho hơn 30 triệu lao động trong nông nghiệp, chiếm 40% tổng việc làm cho lao động cả nước. Sau hơn 30 năm đổi mới ngành nông nghiệp để lại những thành tựu rất to lớn, hoàn thành xuất sắc xứ mệnh lịch sử của đất nước, đưa nước ta từ một nước đói nghèo đã đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu dân và xuất khẩu đạt mức kỷ lục trên 36 tỷ USD trong năm 2017.

Đến nay, chúng ta đã xuất khẩu nông sản đi 180 thị trường và nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có vị thế nhất, nhì thế giới về sản lượng xuất khẩu. Trước những cơ hội của nền kinh tế hội nhập, ngành nông nghiệp cũng cần có những thay đổi để tận dụng lợi thế của nước có nền nông nghiệp lâu đời. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ định hướng nước ta cần “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”. Để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại cần phải phân tích và đánh giá những điều kiện cần và đủ để đạt được mục tiêu về kinh tế trong mối quan hệ với chính sách, xã hội và môi trường.

Tích tụ và tập trung đất nông nghiệp để tổ chức lại sản xuất của hàng triệu hộ nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát triển bền vững vùng thích ứng với biến đổi khi hậu trong bối cảnh mới. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp thì tích tụ và tập trung đất trên nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước là điều kiện tiên quyết để biến đất đai thành nguồn lực, nguồn vốn to lớn cho phát triển.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Luận giải một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tích tụ và tập trung đất nông nghiệp.

- Đánh giá thực trạng tích tụ và tập trung đất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào giai đoạn từ năm 2016 đến nay, khẳng định những thành công, những yếu kém và phân tích một số lực cản; trên cơ sở đó đã rút ra một số kết luận cần thiết

- Đề xuất 9 quan điểm và 6 giải pháp nhằm đẩy mạnh tích tụ và tập trung đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh phát triển mới.

- Xây dựng mô hình thử nghiệm thực tế ở cấp cộng đồng về tập trung đất đai.

Vốn hóa, thị trường hóa đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ, đồng thời nhiều giải pháp. Chỉ trên cơ sở phát triển mạnh thị trường thứ cấp về đất nông nghiệp; đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý và chính sách có liên quan; nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn đảm nhận tốt vai trò đầu tầu trong liên kết với hợp tác xã và hộ nông dân theo chuỗi giá trị với sự hỗ trợ phát triển và quản lý của nhà nước thì mới có điều kiện thúc đẩy tích tụ và tập trung đất nông nghiệp đúng hướng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19464/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 611
Tổng lượt truy cập: 3.261.135
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.