Nghiên cứu, chế tạo thiết bị đo từ hàng không sử dụng máy bay không người lái (UAV) - Áp dụng thử nghiệm cho các đề án đánh giá khoáng sản vùng Tây Bắc
Hiện nay với sự phát triển rất nhanh của công nghệ chế tạo máy bay không người lái (UAV), nhiều nước đã ứng dụng thành tựu này cho công tác bay đo từ phục vụ mục đích tìm kiếm khoáng sản ở những khu vực xa xôi hẻo lánh, địa hình hiểm trở. UAV phải có độ nhạy tốt, tính chống nhiễu cao, có trọng lượng nhỏ và tiêu thụ ít năng lượng và đặc biệt phải truyền liên tục số liệu thu thập được về trạm điều khiển mặt đất trong quá trình bay đo. Vì vậy, nghiên cứu và chế tạo thiết bị đo từ sử dụng UAV phục vụ cho công tác khảo sát từ hàng không là nhu cầu cấp thiết.
Từ thực tế trên, KS. Kiều Trung Thủy và nhóm nghiên cứu tại Liên đoàn Vật lý Địa chất đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị đo từ hàng không sử dụng máy bay không người lái (UAV) - Áp dụng thử nghiệm cho các đề án đánh giá khoáng sản vùng Tây Bắc” từ năm 2017 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là nhằm chế tạo thiết bị đo từ sử dụng được cho UAV; và xây dựng quy trình kỹ thuật đo đạc, xử lý tài liệu phục vụ công tác điều tra cơ bản về địa chất và đánh giá khoáng sản vùng có địa hình phân cắt và các hải đảo Việt Nam.
Sau hơn ba năm nghiên cứu, để tài đã đạt được mục tiêu chế tạo được hệ thống các thiết bị đo từ sử dụng UAV. Các thiết bị đã được chế tạo đúng theo yêu cầu kỹ thuật của thuyết minh đề tài gồm:
- Đầu thu từ proton độ nhạy 0.1 nT với tốc độ đo 1s/1 số liệu.
- Khối thu thập số liệu trên UAV tích hợp được hai loại đầu thu từ proton và đầu thu từ lượng tử độ nhạy cao.
- Số liệu được gắn với tọa độ, thời gian thực GPS; Kết nối, truyền số liệu từ xa thông qua kênh điều khiển RF của UAV;
- Chế tạo máy đo biến thiên từ mặt đất độ nhạy 0.1 nT với tốc độ đo 1s/1 số liệu, gắn tọa độ và thời gian thực GPS;
- Các phần mềm thu thập, giám sát và xử lý số liệu.
Tuy nhiên, vì lý do UAV sử dụng để bay thử nghiệm HRU-137 có sải cánh tương đố nhỏ (3m) nên đầu thu từ proton khi lắp lên loại UAV này bị nhiễu khá lớn. Để hoàn thành mục tiêu của đề tài, nhóm nghiên cứu đã sử dụng đầu thu lượng tử CS-3. Quá trình bay thử nghiệm đã khẳng định được hệ thống thiết bị đề tài chế tạo hoàn toàn đáp ứng cho các nhiệm vụ điều tra đánh giá khoáng sản. Đồng thời còn cho phép xây dựng được những quy trình kỹ thuật phù hợp cho công tác bay đo từ sử dụng UAV.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu chế tạo thiết bị đo từ sử dụng UAV. Kết quả của đề tài sẽ mở ra hướng sử dụng UAV cho các phương pháp khác như đo xạ phổ gamma hàng không.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19615/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/