Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 14-06-2024

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, đánh giá tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế xã hội và du lịch tỉnh Đắk Nông

Hiện nay, các nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý (GIS) đã khá phổ biến, phục vụ đắc lực các bộ ngành nhất là lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, quan trắc và giám sát môi trường. Vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng và vận hành ổn định từ năm 2013 đến nay là công cụ hỗ trợ đắc lực và chủ động trong giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, việc kết hợp với các nguồn dữ liệu ảnh vệ tinh miễn phí đa dạng như LANDSAT, Sentinel... sẽ làm tăng tính ứng dụng của công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường.

Gần đây, việc phát triển và ứng dụng thiết bị bay không người lái - UAV (Unmaned Aerial Vehicles) trong giám sát và đánh giá tài nguyên thiên nhiên và môi trường đã thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Với nhiều ưu điểm như tính chủ động, sự phát triển các công cụ xử lý ảnh chụp cho phép thu nhận thông tin chính xác, tức thời các thông tin mặt đất, đặc biệt là các sự cố môi trường, thiên tai và biến động tài nguyên ở khu vực nhỏ. Việc nghiên cứu phát triển thành công các hệ thống đồng bộ ứng dụng công nghệ chụp ảnh bằng UAV trong lập bản đồ, cập nhật cơ sở dữ liệu, xây dựng mô hình 3D, giám sát tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao và ngày càng được các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau.

Bên cạnh đó, với những bước tiến nhanh của công nghệ tính toán, các công cụ bổ trợ cho ứng dụng công nghệ viễn thám ngày càng hiện đại đã làm tăng tính ứng dụng công nghệ viễn thám. Một số công nghệ hiện đại phải kể đến như: điện toán đám mây (cloud computing) để khai thác đồng bộ dữ liệu lớn (big data), và các thuật toán học máy (machine learning) ưu việt vẫn còn khá mới mẻ và cần được đầu tư nghiên cứu nhiều hơn. Nguồn dữ liệu ảnh vệ tinh ngày càng phong phú, đa dạng và công nghệ bổ trợ phát triển, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu không gian kết hợp nền tảng công nghệ viễn thám - GIS có ý nghĩa thiết thực trong đánh giá, quản lý được tài nguyên thiên nhiên và môi trường thông qua việc khai phá dữ liệu (data mining), sử dụng các công cụ phân tích định lượng để phân tích, đánh giá nguồn dữ liệu.

Để làm được điều này, cần có các nghiên cứu, điều tra, đánh giá, hướng tới xác lập phương pháp tiếp cận mang tính khoa học, logic, hệ thống, kết hợp liên ngành giữa công nghệ viễn thám, GIS và khoa học địa lý, môi trường trong quản lý, đánh giá tổng hợp tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế xã hội và tiềm năng du lịch tỉnh Đắk Nông. Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Lê Quang Toan và nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ vũ trụ thực hiện đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, đánh giá tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế xã hội và du lịch tỉnh Đắk Nông” với mục tiêu: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý và đánh giá tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và môi trường bao gồm lớp phủ rừng, nước mặt, sử dụng đất và khai thác khoáng sản; Đề xuất phân vùng chức năng sinh thái môi trường phục vụ phát triển kinh tế xã hội và du lịch tỉnh Đắk Nông.  

Vị trí địa lý của một tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển KTXH của cả tỉnh. Nằm ở cửa ngõ phía Nam của Tây Nguyên, Đắk Nông có Quốc lộ 14 nối thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Miền đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên, cách Thành phố Hồ Chí Minh 230 km về phía Bắc và cách Thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Đắk Lăk 120 km về phía Tây Nam; có Quốc lộ 28 nối Đắk Nông với Lâm Đồng, Bình Thuận và các tỉnh Duyên hải miền Trung, cách Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng 170 km và Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận 160km về phía Đông. Bên cạnh đó, Đăk Nông còn có 130 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, có 02 cửa khẩu Bu Prăng và Dak Peur nối thông với Campuchia.

Vị trí địa lý như trên sẽ tạo điều kiện cho Đắk Nông có thể mở rộng giao lưu với các tỉnh trong khu vực Tây nguyên; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia, là nguồn động lực để Đăk Nông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong tương lai sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực Tây Nguyên.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Các nghiên cứu ứng dụng viễn thám và GIS trong đánh giá tổng hợp tài nguyên đã phát triển nhanh chóng dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ GIS, viễn thám trong việc điều tra, đánh giá, cập nhật dữ liệu về tài nguyên, chồng xếp dữ liệu, phân tích không gian và đánh giá thích nghi đất đai cho mục tiêu phát triển bền vững. Những công trình nghiên cứu về lãnh thổ tỉnh Đắk Nông là những kết quả hết sức quan trọng về mặt lí luận và thực tiễn và là nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho đề tài để định ra phương pháp và nội dung nghiên cứu một cách phù hợp, vận dụng một cách hiệu quả các kết quả đã có khi triển khai đề 265 tài. Các nghiên cứu tổng hợp tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chủ yếu được thực hiện trước khi tách tỉnh.

CSDL của đề tài được thiết kế để tổng hợp và đồng bộ các nguồn dữ liệu khác nhau, đồng thời cũng là cơ sở để khảo sát thu thập thêm các lớp thông tin tương ứng với cấu trúc mô hình cơ sở dữ liệu đã thiết kế. CSDL của đề tài bao gồm những dữ liệu đầu vào và các kết quả nghiên cứu chính của đề tài sẽ là một sản phẩm rất quan trọng của đề tài. Bộ dữ liệu này sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo được thực hiện ở tỉnh Đắk Nông.

Lãnh thổ tỉnh Đắk Nông được phân hóa thành 83 loại CQ nằm trong 6 phụ kiểu, 2 kiểu, 6 phụ lớp CQ, 3 lớp, 1 phụ hệ, 1 hệ CQ. Loại CQ là cấp đơn vị cơ sở đánh giá cho các mục đích thực tiễn. Cảnh quan tỉnh Đắk Nông mang đặc điểm của CQ cao nguyên nhiệt đới gió mùa và thể hiện tính trội trong phân hóa theo quy luật đai cao và theo điều kiện kiến tạo - địa mạo. Đặc điểm cấu trúc CQ đã quy định CQ Đắk Nông có 2 nhóm chức năng chính: chức năng tự nhiên và chức năng kinh tế - xã hội. Động lực phát triển và biến đổi của CQ lãnh thổ theo quy luật nhịp điệu mùa, ngày đêm và tác động nhân sinh.

Tỉnh Đắk Nông được phân chia thành 06 vùng chức năng sinh thái môi trường bao gồm: (1) Vùng phát triển lâm nghiệp sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học VQG Bù Gia Mập; (2)Vùng phát triển kinh tế sinh thái tổng hợp đa ngành gắn với bảo vệ môi trường đô thị; (3) Vùng bảo vệ nghiêm ngặt đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái núi thấp Nậm Nung - Tà Đùng; (4) Vùng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, phòng ngừa thiên tai sông Serepok; (5) Vùng phát triển nông nghiệp sinh thái công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường quần cư nông thôn Đắk Mil và (6) Vùng bảo tồn sinh cảnh bình sơn nguyên Cư Jut. Vì vậy, kết quả nghiên cứu phân chức năng sinh 267 thái môi trường sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định các định hướng, chiến lược phát triển các ngành kinh tế bền vững trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19767/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 85
Tổng lượt truy cập: 3.972.701
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!