Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 03-07-2024

Khôi phục một số giống hoa bản địa có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển du lịch tại Sa Pa, Lào Cai

Sa Pa là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai là cửa ngõ giữa hai vùng đông bắc và tây bắc Việt Nam. Khí hậu ôn đới lạnh với hai mùa điển hình. Mùa hè mát mẻ (nhiệt độ trung bình từ 18 - 200C), mùa đông lạnh giá (10 - 12oC), khí hậu trong lành rất thích hợp để phát triển nghỉ dưỡng và du lịch. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) tỉnh Lào Cai, bảy tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt gần 3,33 triệu lượt, tăng 12,7% cùng kỳ. Với khí hậu Sa Pa mát mẻ, nơi đây trở thành vương quốc của các loài hoa. Ở Sa Pa, hoa nở bốn mùa, mỗi mùa đều có các loài hoa mang vẻ đẹp, hương sắc khác nhau như hoa Tam giác mạch, hoa lan, Đỗ quyên, hoa Đào, hoa mận… đặc biệt phải kể đến hai loại hoa đặc trưng của vùng là hoa hồng cổ Sa Pa và hoa địa lan Trần Mộng Xuân. Tại Sapa một số giống hoa bản địa (hoa hồng cổ, hoa địa lan) đã được thương mại cho các tỉnh trong cả nước và một phần phục vụ dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, việc đưa vào sản xuất các loài hoa quý này còn gặp rất nhiều hạn chế. Một trong những hạn chế trong sản xuất là kỹ thuật canh tác truyền thống dẫn đến cây giống bị thoái hóa, cây sinh trưởng chậm, tình hình sâu bệnh hại nhiều dẫn đến chất lượng cây giống, cây thương phẩm thấp, hiệu quả sản xuất không cao.

Để khôi phục và phát triển những loài hoa quý này cần có những nghiên cứu một cách hệ thống về kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái và bảo quản nhằm khắc phục những nhược điểm đã tồn tại từ lâu. Xuất phát từ những thực tiễn trên, KS. Phạm Hữu Ánh cùng các cộng sự tại Công ty TNHH Phát triển Đô thị Phú Minh đã triển khai, thực hiện dự án: “Khôi phục một số giống hoa bản địa có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển du lịch tại Sa Pa, Lào Cai” nhằm chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng thành công được các quy trình công nghệ để triển khai xây dựng các mô hình trồng hoa giống bản địa tại Sa Pa - Lào Cai. Xây dựng được mô hình nhân giống, sản xuất hoa thương phẩm một số giống hoa bản địa (hoa hồng cổ, hoa lan bản địa) tại Sa Pa - Lào Cai. Đào tạo, tập huấn được cán bộ kỹ thuật và người dân nắm vững quy trình trồng, chăm sóc một số giống hoa bản địa của Sapa - Lào Cai. Góp phần cải thiện sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch tại Sa Pa - Lào Cai.

Sau một thời gian triển khai thực hiện (từ 11/2019 đến 06/2021), đề tài thu được các kết quả như sau:

1. Đã hoàn thiện được 02 quy trình nhân giống vô tính. Các quy trình đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp thuận và cho phép phát triển ngoài sản xuất.

- Quy trình nhân giống hoa hồng cổ Sa Pa bằng chiết cành: đã xác định được thời vụ chiết cành vào vụ thu (tháng 9) và vụ xuân (tháng 3); thuốc kích thích ra rễ là Fitomix. Đạt tỷ lệ xuất vườn ≥ 85%; Cây sinh trưởng phát triển tốt; Rút ngắn được thời gian từ lúc chiết đến lúc cắt mang trồng còn 22 ngày.

- Quy trình nhân giống hoa lan bản địa Trần Mộng Xuân bằng tách nhánh: đã xác định được giá thể là ½ Vỏ thông + ½ giá thể Klasmann TS2; chế phẩm kích thích ra rễ là Super root. Với tỷ lệ bệnh hại < 10%, tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn ≥ 90%; Cây sinh trưởng phát triển tốt, khả năng ra rễ mạnh; Rút ngắn được thời gian từ tách nhánh đến ra vườn sản xuất còn 2,5 tháng.

2. Đã hoàn thiện được 02 quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hái và bảo quản hoa. Các quy trình đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp thuận và cho phép phát triển ngoài sản xuất.

 - Đối với hoa hồng cổ Sa Pa: xác định được giá thể trồng 50% đất + 25% phân chuồng hoai +25% trấu hun; biện pháp cắt tỉa là cắt ngay sau khi hoa tàn, để lại 2 tầng lá; Dinh dưỡng qua lá Sweed Rong biển 95%. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, đạt độ dài cành 82,1 cm, đường kính cành 0,62 cm, đường kính hoa 9,2 cm, chiều cao bông hoa 4,3 cm. Tỷ lệ nhiễm một số sâu bệnh hại <10%

- Đối với hoa lan bản địa Trần Mộng Xuân: xác định được giá thể trồng Mùn núi + phân bò hoai + giá thể Klasmann TS 2 tỷ lệ 2:1:1; phân bón Hyponex (20-20-20) + TE; thuốc Starner 20WP phòng trừ bệnh thối mầm. Cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ 87% cây ra hoa vào tết Nguyên Đán, chiều dài ngồng đạt 71,4 cm, số hoa 18,8 hoa/ngồng, đường kính hoa 7,9 cm, độ bền hoa là 88 ngày và đặc biệt một số bệnh hại phổ biến ở mức nhẹ và rất nhẹ <5%.

3. Xây dựng được 02 mô hình sản xuất cây giống bằng phương pháp nhân giống vô tính. Các quy trình đã được nghiệm thu.

- Mô hình nhân giống hoa hồng cổ Sa Pa: nhân được 50.000 cây giống hoa hồng cổ Sa Pa bằng chiết cành, cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn xuất vườn cao 91,41%, chiều cao mầm mới đạt 26,9 cm và đường kính cành 0,35 cm có 3-4 cặp lá chét. Tỷ lệ một số bệnh hại phổ biến < 5%. Hiệu quả kinh tế so với đồng vốn đầu tư thì gấp 1,26 lần, so với đối chứng chỉ đạt từ 1,11 lần.

 - Mô hình nhân giống hoa địa lan Trần Mộng Xuân: nhân được 6.040 chậu địa lan Trần Mộng Xuân bằng tách nhánh. Cây trong mô hình có khả năng sinh trưởng tốt, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn xuất vườn cao 88,00%, 3,5 nhánh/chậu; kích thước lá mới đạt 34,9 x 3,8 cm (sau 3 tháng tách nhánh). Tỷ lệ một số bệnh hại phổ biến dao động từ 4,5-5,2%. Ngoài ra, hiệu quả kinh tế so với đồng vốn đầu tư thì gấp 1,90 lần, so với đối chứng chỉ đạt từ 1,64 lần.

4. Xây dựng 02 mô hình sản xuất thương phẩm gắn với du lịch và 01 mô hình sơ chế, đóng gói và bảo quản hoa. Các mô hình đã được nghiệm thu.

- Mô hình sản xuất hoa hồng cổ thương phẩm gắn với du lịch: Quy mô 03 ha. Sản xuất 120.000 cây hoa hồng cổ, cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt tiêu chuẩn xuất vườn 91,41%, chiều dài cành hoa đạt 58,8 cm, có 9,5 nhánh/cây. Sâu rải rác (không đáng kể), tỷ lệ một số bệnh hại rất thấp <3%. Ngoài ra, hiệu quả kinh tế so với đồng vốn đầu tư thì gấp 1,66 lần.

- Mô hình sản xuất hoa lan bản địa thương phẩm gắn với du lịch: Quy mô 1 ha, số lượng 10.120 chậu. Cây có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt số nhánh mới đạt 7,5 nhánh/chậu. Tỷ lệ ra hoa vào dịp tết đạt 82,5%, có 6,8 ngồng hoa/chậu, chiều dài cành hoa 75,2 cm, có 19 hoa/cành. Độ bền hoa lên đến 85 ngày. Cây bị sâu không đáng kể, tỷ lệ bệnh hại < 10% Hiệu quả kinh tế tăng gấp 1,46 lần.

- Mô hình sơ chế, đóng gói và bảo quản hoa: quy mô 500 m2 tại Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai với đầy đủ trang thiết bị như hệ thống chiếu sáng, giàn, giá và hệ thống điều hòa 2 chiều... Nhà sơ chế, bảo quản có công suất 10.000 chậu/năm. Giúp giảm tỷ lệ tổn thương xuống trong quá trình vận chuyển còn 4% và mức độ cây bị tổn thương cơ giới ở mức rất nhẹ. Từ đó làm tăng chất lượng, giá trị thẩm mỹ của chậu hoa.

Đề tài cũng đã đào tạo chuyên sâu cho 15 kỹ thuật viên và tập huấn cho 200 lượt người về kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái bảo quản hoa hồng cổ Sa Pa và hoa địa lan Trần Mộng Xuân. Đã xây dựng được 01 bộ catalogue, tem nhãn giới thiệu sản phẩm của dự án. Tổ chức 02 hội nghị đầu bờ đánh giá kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm. Ngoài ra, tổ chức 01 hội thảo giới thiệu kết quả và mô hình của dự án.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19863/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 1
Hôm nay: 199
Tổng lượt truy cập: 3.963.369
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!