Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 13-08-2024

Nghiên cứu xây dựng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến giảm chi phí trong sản xuất lúa cho các tỉnh Duyên hải miền Trung

Những năm gần đây, năng suất và hiệu quả sản xuất lúa ở nước ta nhìn chung tăng chậm, nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và sự suy giảm độ phì của đất trồng. Nhiều năm qua, lượng phân hữu cơ bón cho lúa ngày càng giảm. Tình trạng lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ dịch hại còn khá phổ biến ở nhiều địa phương. Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước vào khoảng 11 triệu tấn/năm, trong đó phân vô cơ chiếm khoảng 90% . Nhu cầu tiêu thụ phân hữu cơ và một số chủng loại khác vào khoảng 10%. Nhu cầu tiêu thụ cũng có sự dao động đáng kể ở mức 1,4 triệu tấn lân, 2,3 triệu tấn urea, gần 4,0 triệu tấn NPK. Các loại còn lại như SA, kali, DAP dao động khoảng 850-950 tấn. Về thuốc BVTV, hàng năm nước ta nhập khẩu một lượng rất lớn. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu thuốc BVTV là 129.094,38 tấn, trong đó 13% là thuốc sâu, 24% là thuốc bệnh, 58% là thuốc cỏ, 5% là thuốc khác. Trong sản xuất lúa, chi phí về phân bón chiếm tỷ lệ khá cao nhưng hiệu quả sử dụng lại thấp, chưa tới 50%, số còn lại bị thất thoát qua con đường rửa trôi, bốc hơi, thấm sâu vào đất và nước ngầm... cùng với lượng thuốc trừ dịch hại nêu trên không được sử dụng hợp lý đã gây nên các hệ lũy như: mất cân bằng sinh thái trong đất, ô nhiễm nước và không khí, làm giảm chất lượng nông sản giảm. Ngoài ra, việc gieo sạ dày quá mức cần thiết và không áp dụng tưới nước tiết kiệm cũng làm tăng chi phí sản xuất và tạo thêm áp lực về giống và nhu cầu nước tưới... là những nguyên nhân chính làm tăng chi phí sản xuất lúa.

 

Thời gian qua, một số tiến bộ kỹ thuật đã được khuyến cáo cho sản xuất như Quảng lý cây trồng tổng hợp (ICM); Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI); 3 giảm-3 tăng; 1 phải-5 giảm; Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do còn gặp một số yếu tố rào cản nên chỉ mới thực hiện được từng khâu riêng lẻ, chưa đồng bộ nên hiệu quả đem lại còn hạn chế. Ngoài những nguyên nhân nêu trên, vùng Duyên hải miền Trung, hàng năm còn chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi thiên tai, như hạn hán, gió Tây Nam khô nóng, bão lụt, ngập úng... gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng, làm tăng giá thành sản xuất.

Để góp phần làm giảm chi phí sản xuất lúa ở miền Trung, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến nhằm làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa tại các tỉnh Duyên hải miền TrungTS. Lại Đình Hòe cùng các cộng sự tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam trung bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến giảm chi phí trong sản xuất lúa cho các tỉnh Duyên hải miền Trung”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được một số kết quả như sau:

1. Sản xuất lúa ở miền Trung chủ yếu sử dụng giống ngắn ngày; từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh phổ biến cấy bằng tay; từ Quảng Bình đến Bình Thuận áp dụng gieo sạ thẳng; tỷ lệ hộ sử dụng giống cấp xác nhận từ 50- 95%; lượng giống gieo sạ phổ biến 80-140 kg/ha, gieo cấy phổ biến từ 35-40 kg/ha; lượng phân bón đầu tư/ha phổ biến 110-133N+ 32-54P2O5+ 52- 60K2O; tưới nước theo lứa; phun thuốc khi có sâu, bệnh xuất hiện. Trên 90% số hộ đã cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch; phơi và làm sạch hạt bằng thủ công; Chi phí về vật tư và công lao động chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm (vật tư chiếm tỷ lệ 36,2-37,9%; công lao động chiếm tỷ lệ 38,3-41,5%).

2. Đất trồng lúa ở vùng Bắc Trung bộ phổ biến là chua (pHKCl 4,69); giàu chất hữu cơ tổng số (2,96%); giàu đạm tổng số (>0,22% N); hàm lượng lân tổng số mức trung bình (0,09%); giàu lân dễ tiêu (39,45mg/100 gam đất); nghèo kali tổng số (<10%); nghèo kali dễ tiêu (8,96 mg/100 gam đất). Canxi ở mức nghèo (2,42 mđl/100g); hàm lượng Mg trung bình (1,61 mđl/100g); hàm lượng kẽm trao đổi mức cao; dung tích hấp thu CEC ở mức thấp (<10,0 me/100g đất); thành phần cơ giới đất phổ biến là đất thịt nặng đến sét...

Còn đất trồng lúa ở vùng Nam Trung bộ phổ biến là chua (pHKCl 4,38-4,61); giàu chất hữu cơ tổng số (2,41-3,09%); giàu đạm tổng số (0,16- 0,21% N); hàm lượng lân tổng số mức trung bình (0,06-0,07%); lân dễ tiêu từ trung bình đến giàu (14,43-22,51 mg/100 gam đất); nghèo kali tổng số (0,44-0,58%); nghèo kali dễ tiêu (4,55-4,92 mg/100 gam đất). Canxi trao đổi ở mức nghèo (2,42-3,53 mđl/100g); hàm lượng Mg trao đổi ở mức trung bình (2,05-2,39 mđl/100g); hàm lượng kẽm trao đổi cao (4,16-4,25 mg/kg đất); dung tích hấp thu CEC ở mức rất thấp đến thấp (4,94- 6,22 me/100g đất). Dung trọng đất hơi bị nén chặt (1,18- 1,19g/cm3); thành phần cơ giới đất phổ biến là đất thịt nặng đến sét.

3. Tại vùng Bắc Trung bộ, thực nghiệm qui trình đề xuất đã làm giảm 20,72 - 22,25% lượng đạm bón/vụ; giảm 30-36% lượng nước tưới/vụ; giảm 30 - 50% chi phí BVTV; giảm thất thoát trong thu hoạch <5%. Giảm chi phí 6,0 - 8,22%. Năng suất tăng 9,6 -11,2%. Hiệu quả kinh tế tăng 37,24 - 41,23% so với kỹ thuật canh tác đang áp dụng ở địa phương. Tại vùng Nam Trung bộ, kết quả thực nghiệm qui trình kỹ thuật canh tác lúa đề xuất đã giảm 50% lượng giống gieo sạ; Giảm 22,25-34,5% lượng đạm bón; giảm 30-50% chi phí BVTV; giảm 27 - 30% lượng nước tưới/vụ; năng suất tăng trung bình 7%. Giảm chi phí sản xuất 10,1 - 12,0%; Hiệu quả kinh tế tăng 38% so với qui trình canh tác đang áp dụng tại địa phương.

4. Tại vùng Bắc Trung bộ, Áp dụng qui trình đề xuất làm giảm lượng khí phát thải 1.777,34 - 3.833,17 kg CO2e /ha/vụ. Tại vùng Nam Trung bộ, áp dụng qui trình đề xuất làm giảm lượng khí phát thải 814,32 - 937,41 kg CO2e /ha/vụ so với qui trình canh tác đang áp dụng tại địa phương.

5. Tại vùng Bắc Trung bộ, mức bón 100 kg N/ha đạm urea-46A+ kết hợp cấy 36 khóm/m2 năng suất tăng 10,04-10,45%; lợi nhuận tăng 24,07- 26,25%. Với mức bón 100 kgN/ha đạm urea-NEP26 kết hợp cấy 36 khóm/m2 , năng suất tăng 7,16 - 8,36%; hiệu quả kinh tế tăng 16,88 - 19,33% so với đối chứng. Tại vùng Nam Trung bộ, sử dụng đạm urea-46A+ mức bón 100 kg N/ha kết hợp gieo sạ 60 kg/ha tăng năng suất 9,3-13,0%; giảm 20% lượng đạm so với bón urea thông thường. Lợi nhuận tăng 18,15-27,92%. Với mức bón 100 kgN/ha urea-NEP26 kết hợp gieo sạ 60 kg/ha, năng suất tăng 6,8-10,57%; Hiệu quả kinh tế tăng 12,55 - 16,29% so với đối chứng.

6. Ứng dụng qui trình kỹ thuật đề xuất vào mô hình diện hẹp Tại vùng Bắc Trung bộ làm tăng năng suất 10,25 - 11,55%; giảm chi phí 5,65 - 8,13%; Hiệu quả kinh tế tăng trung bình 44,46%. Tại vùng Nam Trung bộ năng suất tăng 9,20 - 12,45%; giảm chi phí 6,01 - 10,0%; lợi nhuận tăng 31,50 - 33,85% so với qui trình canh tác đang áp dụng tại địa phương.

7. Kết quả ứng dụng qui trình đề xuất vào 04 mô hình liên kết với qui mô 80ha cho thấy, tại vùng Bắc Trung bộ đã làm giảm 30- 36% lượng nước tưới/vụ; giảm 30-50% chi phí BVTV; giảm 23,73 - 29,96% lượng đạm bón/vụ; giảm chi phí 6,74 - 7,10%. Năng suất tăng 10,20 - 12,30%; Hiệu quả kinh tế tăng 30,28 - 40,20%; Giá thành sản phẩm 3.446-3.659 đồng/kg thóc (ĐC;4.071 - 4.424 đồng/kg thóc). Tại vùng Nam Trung bộ đã làm giảm 40-50% lượng giống gieo/ha; giảm trên 27-30% lượng nước tưới/vụ; giảm 30-50% chi phí BVTV; giảm 21,75 - 29,67% lượng đạm bón/ha; tăng năng suất 11,32 - 11,8%; giảm chi phí 6,93 - 7,64%; Hiệu quả kinh tế tăng 28,63- 29,73% so với qui trình canh tác đang áp dụng tại địa phương; %); Giá thành sản phẩm 2.955-3.045 đồng/kg thóc (ĐC; 3.549 - 3.670 đồng/kg thóc).

8. Đã xây dựng 03 qui trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho vùng Miền Trung, các quy trình đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

9. Đã mở rộng liên kết chuyển giao qui trình kỹ thuật cho các doanh nghiệp và địa phương vùng Duyên hải miền Trung (tỉnh Thanh Hóa; Nghệ An; Quảng Ngãi; Quảng Nam; Bình Định; Phú Yên; Khánh Hòa...). Qui mô diện tích ứng dụng trên cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, vùng nguyên liệu, từ năm 2019 đến nay trên 10 nghìn ha. Kết quả đã làm giảm lượng giống gieo sạ trên 30%/ha/vụ; giảm trên 20% lượng đạm bón mỗi vụ; giảm nước tưới trên 30% và giảm 30-50% chi phí BVTV... giảm chi phí sản xuất trên 10%; tăng lợi nhuận trên 20% so với kỹ thuật canh tác địa phương đang áp dụng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20051/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 13
Hôm nay: 864
Tổng lượt truy cập: 3.492.861
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!