Nghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà
Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà (KDTSQ Cát Bà) được UNESCO công nhận ngày 2/12/2004 với diện tích 26.241 ha (16.941 ha phần đảo và 9.300 ha phần biển), được chia thành 3 vùng: Vùng Lõi (8.500 ha), vùng Đệm (7.741 ha) và Vùng Chuyển tiếp (10.000 ha). Khu DTSQ Cát Bà cũng chứa đựng hầu hết (06) những hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam như: (1) Hệ sinh thái (HST) rừng mưa nhiệt đới, (2) HST rừng ngập mặn, (3) HST vùng triều, (4) HST hồ nước mặn (tùng, áng), (5) HST san hô, (6) HST đáy mềm (động thực vật phù du, thảm rong, cỏ biển..), (7) hệ thống các hang động đá vôi, 8) HST cây ngập trong hồ nước ngọt trên núi đá vôi (Ao Ếch).
Mặc dù sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên môi trường (TNTN), bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) đã dần được pháp lý, được cụ thể trong nhiều văn bản chính sách, pháp luật khác nhau, nhưng đến nay vẫn chưa có một mô hình đồng quản lý theo đúng nghĩa được áp dụng bài bản cho Khu DTSQ Cát Bà để chia sẻ trách nhiệm và lợi ích cho cộng đồng được tham gia vào quản lý khai thác bền vững TNMT và bảo vệ biên giới biển, hải đảo và ven biển của đất nước. Vì vậy, trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2021, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lâm sinh do TS. Triệu Thái Hưng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà” để vận động cộng đồng địa phương tham gia với tư cách “chủ thể” không phải “khách thể” là một đòi hỏi khách quan, một nhu cầu thực tế ở nước ta hiện nay và trong tương lai.
Mục tiêu của đề tài là nhằm xác định được các cơ sở khoa học (lý luận và thực tiễn) và nguyên tắc trong việc xây dựng mô hình cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học; xây dựng và thử nghiệm mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học; và đề xuất được các giải pháp bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học trong Khu DTSQ Cát Bà.
Dưới đây là một số kết quả mà đề tài đã đạt được:
- Nội dung nhất là cơ sở khoa học và nguyên tắc xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và sử dụng hợp lý TNĐDSH
Nguyên tắc xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ ĐDSH dựa trên các cơ sở khoa học về lý luận và thực tiễn, đảm bảo hài hòa về mặt tự nhiên và con người, theo 3 chức năng của các Khu DTSQ: bảo tồn, phát triển, hỗ trợ. Theo đó, các nguyên tắc xây dựng mô hình cộng đồng đảm bảo hài hoà về mặt tự nhiên được hiểu là nguyên tắc giúp đánh giá hiện trạng, tiềm năng của các hệ sinh thái để đề xuất giải pháp tác động và bảo tồn phù hợp. Các nguyên tắc xây dựng mô hình cộng đồng đảm bảo hài hoà về mặt con người được hiểu là nguyên tắc giúp đánh giá các khía cạnh mà nguồn TNTN, ĐDSH có thể giúp ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đã xác định được 6 nguyên tắc, 26 tiêu chí và 116 chỉ số áp dụng cho việc xây dựng mô hình cộng đồng tại KDTSQ Cát Bà.
- Nội dung thứ hai là mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và sử dụng hợp lý TNĐDSH
Đã xây dựng thành công 03 mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên tại KDTSQ Cát Bà. Mô hình được xây dựng và vận hành theo cơ chế của Tổ hợp tác, gồm 03 thành phần chính, phối kết hợp tham gia là (i) cơ quan quản lý Nhà nước (UBND các cấp, các Sở Ban Ngành); (ii) cộng đồng địa phương (người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp...); (iii) các bên liên quan (các cơ quan nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ...). Trong đó, người dân và cộng đồng dân cư địa phương đóng vai trò nòng cốt, tổ chức và vận hành mô hình; cơ quan quản lý Nhà nước và các bên liên quan giữ vai trò hỗ trợ, tạo mối liên kết và thúc đẩy phát triển mô hình. Các mô hình đã vận động và lượng hóa được sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các hoạt động thực tiễn như hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động thực nghiệm khoa học và hoạt động sản xuất vật chất. Các giải pháp về quản lý, kỹ thuật, tài chính cùng với bộ cơ sở dữ liệu cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo tồn bền vững TNĐDSH KDTSQ Cát Bà. Các mô hình được cộng đồng chấp thuận và có khả năng nhân rộng ra các địa điểm khác trong khu vực.
- Nội dung thứ ba là cơ chế, chính sách và giải pháp bảo tồn và sử dụng dụng hợp lý TNĐDSH
Hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài nguyên, ĐDSH đa mục đích cần phải đạt được 5 mục tiêu cơ bản sau đây: (i) Bảo đảm cho quản lý tài nguyên, ĐDSH bền vững; (ii) Cải thiện quản lý các sản phẩm từ tự nhiên; (iii) Liên kết dân địa phương và các bên liên quan trong bảo tồn, khai thác và phát triển tài nguyên, ĐDSH bền vững; (iv) Thúc đẩy hoạt động tư nhân; (v) Khẳng định lại vai trò của nhà nước. Các giải pháp chính sách cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho quản lý tài nguyên, ĐDSH theo hướng bền vững và đa chức năng. Các chính sách cần phải tác động đồng bộ từ các hoạt động bảo tồn đền đến các yếu tố sản xuất. Hệ thống chính sách được đề xuất bao gồm: Chính sách về đất đai; Chính sách về tài chính và tín dung bao gồm chính sách chi trả dịch vụ môi trường; Chính sách khoa học công nghệ; Chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng; Nâng cao nhận thực môi trường; Tăng cường thể chế; Tăng cường dịch vụ xã hội.
- Nội dung thứ tư là cơ sở dữ liệu về ĐDSH, kinh tế - xã hội
Đã xây dựng thành công Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về tài nguyên thiên thiên, ĐDSH, kinh tế - xã hội cho KDTSQ Cát Bà (WebGis Cát Bà). Hệ thống được thiết kế cho hai ứng dụng trên máy tính (Desktop) và thiết bị di động (Mobile), bao gồm các module chức năng, giao diện thực hiện xử lý. Hệ thống WebGis cung cấp hệ thống thông tin trực tuyến qua đó hỗ trợ các cơ quan quản lý, khoa học có thể truy cập nhanh chóng và thuận tiện các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, kinh tế xã hội, làm cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án bảo tồn và phát triển bền vững tại KDTSQ Cát Bà.
Chương trình quản lý và khai thác thông tin về cơ sở dữ liệu ĐDSH, kinh tế - xã hội (WebGis Cát Bà) giúp tăng hiệu quả quản lý dữ liệu điều tra, giảm thời gian tính toán, trợ giúp trong việc xây dựng các báo cáo, chương trình bảo tồn và phát triển bền vững KDTSQ Cát Bà.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20129/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.