Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Ngày đăng: 23-03-2023

Tháo gỡ “rào cản” để mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là phấn đấu đến năm 2025 có 1.000 ha lúa hữu cơ. Tuy nhiên, đến nay đã nửa nhiệm kỳ trôi qua nhưng việc thực hiện nghị quyết gặp nhiều khó khăn, diện tích sản xuất lúa hữu cơ toàn tỉnh vẫn còn thấp, tiến độ nhân rộng diện tích chậm.

Vướng mắc từ quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở hạ tầng

Thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ năm 2017, ngành nông nghiệp đã chú trọng công tác phát triển sản xuất nông sản hữu cơ nói chung và cây lúa nói riêng. Đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có trên 127 ha lúa sản xuất được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Vụ đông xuân 2022-2023, các địa phương đã tổ chức sản xuất hơn 122 ha lúa hữu cơ. Dự kiến đến cuối năm 2023 có trên 350 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị triển khai hiệu quả -Ảnh: T.T

Là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai trồng lúa hữu cơ, đến nay trên địa bàn huyện Hải Lăng có 29,58 ha lúa được chứng nhận hữu cơ và 25,2 ha lúa được chứng nhận VietGAP. Dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ có 44,9 ha được chứng nhận lúa hữu cơ và 40 ha được chứng nhận VietGAP. Để triển khai hiệu quả việc canh tác lúa hữu cơ, Hải Lăng đã quan tâm thu hút, mời gọi các doanh nghiệp có điều kiện tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ, theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện.

Nhiều đơn vị tham gia liên kết sản xuất lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ có hiệu quả cao như Công ty Obi (Ong Biển), Quế Lâm, Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị. Năm 2022, Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã liên kết sản xuất, tiêu thụ 75 ha, vụ đông xuân 2022-2023 liên kết sản xuất, tiêu thụ 36 ha.

Mặc dù việc phát triển sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, tuy nhiên các địa phương cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức cho biết: “Trên địa bàn huyện, hệ thống giao thông nội đồng chưa đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa trong vùng sản xuất lúa hữu cơ như các khâu vận chuyển phân hữu cơ, vận chuyển mạ để cấy... làm phát sinh, tăng chi phí sản xuất.

Cùng với đó, việc chưa có cơ sở bảo quản, chế biến tại chỗ khiến sản phẩm dễ bị thất thoát sau thu hoạch khi gặp điều kiện bất lợi của thời tiết. Ngoài ra, dù công tác dồn điền đổi thửa trong những năm qua đã được thực hiện khá hiệu quả nhưng vùng sản xuất nhiều nơi vẫn còn manh mún do thuộc nhiều hộ đang canh tác, ảnh hưởng lớn đến áp dụng cơ giới hóa và quản lý điều hành sản xuất”.

Hiện nay, tỉnh chưa hoàn thiện công tác quy hoạch các vùng sản xuất lúa hữu cơ tập trung, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Công tác dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu lớn để ứng dụng cơ giới hóa tại các địa phương còn chưa nhiều.

Các chính sách hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp hữu cơ bắt buộc tuân thủ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, tổ chức sản xuất có hợp đồng liên kết, sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, chi phí sản xuất và duy trình chứng nhận hữu cơ khá cao trong khi nhiều thời điểm giá bán lúa còn khá thấp…

Nhiều nông dân chưa quen với phương thức tổ chức sản xuất này, dẫn đến e ngại trong đầu tư phát triển sản xuất. Các công trình phụ trợ (giao thông nội đồng, nguồn nước…) phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất.

Ngoài ra, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh chưa được các HTX, doanh nghiệp quan tâm. Trên địa bàn chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với chế biến sâu dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Bên cạnh đó, chi phí chứng nhận sản phẩm và duy trình chứng nhận khá cao trong khi mức chênh lệch giá thu mua của doanh nghiệp với chi phí sản xuất chưa cao cũng là rào cản để thúc đẩy phát triển sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn.

Cần triển khai đồng bộ các chính sách

HTX Dịch vụ nông nghiệp Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng liên kết với Công ty CP Giống cây trồng - Vật nuôi Thừa Thiên Huế sản xuất lúa hữu cơ giống R 02. Công ty cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm để HTX sản xuất 12 ha.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đơn Quế Hồ Sỹ Anh cho biết, dù giá trị kinh tế của việc sản xuất lúa hữu cơ cao hơn nhiều so với sản xuất lúa truyền thống, tuy nhiên để mở rộng diện tích canh tác thì HTX cần phải có nhiều vốn để đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến, vật tư phân bón, tu sửa giao thông nội đồng... Đây là cái khó chung của các HTX hiện nay.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, hoàn thành mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, toàn tỉnh có 1.000 ha lúa hữu cơ cần có những giải pháp đồng bộ giải quyết các “điểm nghẽn” trong sản xuất. Trong đó việc cần làm ngay là rà soát quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ đảm bảo điều kiện tại các địa phương, ưu tiên kinh phí cho các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông... phục vụ các vùng sản xuất lúa hữu cơ tập trung.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết: “Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, huy động, lồng ghép các nguồn lực để có những giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất lúa hữu cơ.

Tăng cường công tác nghiên cứu, đề xuất, chỉnh sửa, bổ sung các chính sách của trung ương và địa phương về mở rộng vùng nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tín dụng… nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ gia đình tổ chức, phát triển sản xuất nông sản hữu cơ nói chung và lúa hữu cơ nói riêng”.

Ngành nông nghiệp và các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao năng lực, trình độ canh tác cho người dân... giúp người dân hiểu và thực hành sản xuất hữu cơ, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên địa bàn. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách của trung ương, địa phương hỗ trợ chi phí giống lúa, vật tư... phục vụ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, chứng nhận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, đẩy mạnh công tác liên kết gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của đội ngũ ban giám đốc HTX, nhất là trong việc chuyển đổi số, liên kết hợp tác với doanh nghiệp, quảng bá xây dựng thương hiệu. Có chính sách đủ mạnh về ưu đãi thuê đất, cơ sở hạ tầng... để khuyến khích lồng ghép, tích tụ ruộng đất, thu hút, mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 12
Hôm nay: 3293
Tổng lượt truy cập: 3.947.216
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!