Nâng cao hiệu quả của hoạt động chứng nhận tại Việt Nam
Để quản lý hoạt động chứng nhận tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và Nghị định 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 sửa đổi bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của các tổ chức chứng nhận đã đăng ký theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP trong thời qua và có đầy đủ thông tin để đề xuất định hướng quản lý các tổ chức chứng nhận trong thời gian tới, ngày 11/11, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả của hoạt động chứng nhận.
Tham dự Hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục; ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy, ông Đoàn Thanh Thọ – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế – Thanh tra, ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp, cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục và các tổ chức chứng nhận.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết: “Chứng nhận là hoạt động kinh doanh có điều kiện, trong quá trình hoạt động có những việc triển khai tốt, cũng có những việc làm chưa tốt, có cả những việc muốn làm tốt nhưng cơ chế chính sách điều kiện thực tiễn chưa hỗ trợ. Bên cạnh đó, hoạt động chứng nhận phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và chủ thể, trong đó có hai chủ thể tương tác rất chặt chẽ với nhau đó là tổ chức chứng nhận và các cơ quan quản lý nhà nước.
Chính vì vậy, hội thảo ngày hôm nay là dịp để các bên có thể trao đổi, thảo luận với mục đích thúc đẩy hoạt động chứng nhận ở Việt Nam có thể tốt lên, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã và đang gặp phải của cơ quan quản lý cũng như các tổ chức chứng nhận”.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy đã có những chia sẻ trong quản lý nhà nước về hoạt động chứng nhận. Theo bà Hương, quản lý nhà nước về hoạt động chứng nhận hiện nay được quy định tại hai Luật là Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH. Hai luật này đều quy định các tổ chứng nhận phải thực hiện đăng ký lĩnh vực hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chứng nhận là hoạt động kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP và Nghị định 154/2018/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các tổ chức chứng nhận phải thực hiện các quy định về phương thức chứng nhận, về dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy quy định tại Thông tư 28/2012/TT- BKHCN, Thông tư 02/2017/TT-BKHCN, Thông tư 06/2020/TT- BKHKCN.
Cũng theo bà Hương, những thuận lợi hiện nay của hoạt động đánh giá sự phù hợp đó là tạo cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động của các tổ chức ĐGSPH tại Việt Nam và phục vụ quản lý nhà nước đối với SPHH nhóm 2;
Thứ hai là bước đầu chuẩn hóa năng lực và tạo cơ chế bình đẳng cho hoạt động của các tổ chức ĐGSPH; Thứ ba là định hướng phát triển cho hoạt động ĐGSPH phục vụ QLCL SPHH làm nền tảng cho phát triển kinh tế và hội nhập với thông lệ chung của hoạt động ĐGSPH trong khu vực và trên thế giới;
Thứ tư là tổ chức ĐGSPH đạt chuẩn mực quốc tế sẽ là nền tảng cho hoạt động kiểm tra, quản lý chất lượng SPHH trong nước, thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả ĐGSPH giữa các nước trong khu vực, quốc tế; Thứ năm là đã xã hội hóa hoạt động ĐGSPH theo chủ trương của Đảng, Chính phủ. Hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu;
Thứ sáu là đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức quản lý chất lượng theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước, xác định trách nhiệm và phân công hợp lý giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng gặp không ít tồn tại và bất cập. Có thể thấy việc xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp như cạnh tranh về chi phí, thời gian đánh giá, thử nghiệm và cạnh tranh về năng lực của các chuyên gia.
Đồng thời, hiện nay đối với Chương trình chứng nhận mới (Scheme mới) sẽ gặp khó khăn liên quan đến cơ sở đào tạo chuyên gia đánh giá, kinh nghiệm đánh giá (20 ngày công) của chuyên gia. Bên cạnh đó, có tình trạng không đánh giá đầy đủ theo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn nhưng vẫn cấp chứng chỉ, đặc biệt là liên quan đến chứng nhận sản phẩm; không thực hiện giám sát định kỳ theo quy định; cử chuyên gia đánh giá (CGĐG) không có năng lực (chưa được đào tạo CGĐG, không có code phù hợp), CGĐG chưa được phê duyệt, không phải là CGĐG trong hồ sơ nộp đăng ký hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy có những chia sẻ trong quản lý nhà nước về hoạt động chứng nhận.
Cũng theo bà Hương, tồn tại hiện nay là lấy mẫu không đủ để thử nghiệm; thử nghiệm không hết chỉ tiêu theo quy định của tiêu chuẩn; Thử nghiệm tại tổ chức thử nghiệm chưa đăng ký theo quy định của pháp luật; Một số tổ chức chứng nhận “lách luật” cấp Giấy xác nhận/Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cơ sở; Không thông báo về cơ quan quản lý khi có sự thay đổi ảnh hưởng đến năng lực của tổ chức; Không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ theo quy định; Sử dụng Auditlog sai sự thật để chứng minh kinh nghiệm đánh giá khi đăng ký hoạt động chứng nhận; Không thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc cấp, cấp lại, mở rộng, thu hẹp phạm vi hoặc tạm đình chỉ, thu hồi GCN và quyền sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy; Không thực hiện đầy đủ theo quy trình, hướng dẫn do chính tổ chức chứng nhận ban hành; Thực hiện chứng nhận ngoài phạm vi đã đăng ký.
Trước những tồn tại và bất cập, bà Hương cũng đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên, trong đó, về hoàn thiện VBQPPL: Sửa đổi Luật TC&QCKT, sửa đổi Luật Chất lượng SPHH, sửa đổi Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP. Thứ hai là xây dựng Đề án phát triển Hạ tầng Chất lượng quốc gia (NQI): Xây dựng mô hình tổ chức chứng nhận quốc gia; quản lý chuyên gia đánh giá; Quản lý hoạt động đào tạo CGĐG; Thanh tra, kiểm tra; Thứ ba là triển khai thực hiện chuyển đổi số: Hình thành Hạ tầng số, hình thành Dữ liệu số về tổ chức chứng nhận, CGĐG, Cơ sở đào tạo, giảng viên; Xây dựng nền tảng số (iSTAMEQ). Thứ tư là đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp SXKD, người tiêu dùng.
Chia sẻ về thực trạng hoạt động chứng nhận tại Việt Nam, ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp cho biết, hiện nay tổ chức chứng nhận với số lượng nhiều, loại hình lĩnh vực đa dạng, cùng với đó năng lực không đồng đều dẫn đến những tồn tại như có sự khác nhau trong áp dụng pháp luật và tiêu chuẩn, đặc biệt là chứng nhận sản phẩm; Có sự cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh đó, gặp những khó khăn, bất cập về văn bản pháp luật: Có một số nội dung trong các văn bản pháp luật về quản lý tổ chức chứng nhận, thử nghiệm chưa nhất quán với Nghị định số 107/2016/NĐ-CP (ví dụ Nghị định số 62/2016/NĐ-CP về năng lực tổ chức thử nghiệm…); Không phải QCVN nào cũng có hướng dẫn về phân nhóm, lấy mẫu, trong khi các văn bản hướng dẫn (nếu có) không phải là VBPL; Thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động yêu cầu chi tiết đến từng tiêu chuẩn sản phẩm, đối tượng thử nghiệm gây tốn thời gian đăng ký bổ sung; VBQPPL chưa theo kịp thực tiễn nhu cầu phát triển của kinh tế, xã hội.
Về áp dụng văn bản của các cơ quan quản lý: Trong chứng nhận hợp quy có QCVN yêu cầu phải sử dụng phòng thử nghiệm được chỉ định, trong khi QCVN khác thì lại không yêu cầu như vậy (khoản 1 Điều 25 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định PTN phải được chỉ định khi phục vụ quản lý nhà nước); Cách thể hiện mẫu dấu hợp quy chưa thống nhất: có/không có số hiệu QCVN, năm hoặc số lần cấp, tên tổ chức chứng nhận. Về thực tiễn hoạt động chứng nhận: Năng lực thử nghiệm tại Việt Nam đôi khi chưa đáp ứng việc thử nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo yêu cầu của tiêu chuẩn trong khi doanh nghiệp có nhu cầu chứng nhận (hợp chuẩn).
Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL chủ trì phiên thảo luận.
Một số QCVN có yêu cầu thử nghiệm ở một số điều kiện không thích hợp với Việt Nam, ví dụ thử độ bền băng giá đối với ống nhựa, thử độ bền đâm xuyên, hấp thụ xung động MBH ở -10oC…; Phần mềm 1 cửa điện tử còn thiếu ổn định, không đảm bảo sự thông suốt trong quá trình hoạt động; Chưa có hướng dẫn trong trường hợp doanh nghiệp nhập SP đơn chiếc, không đủ mẫu để thử nghiệm.
Ông Dũng cũng đưa ra một số những kiến nghị để khắc phục những khó khăn, bấp cập trên, theo đó, về đăng ký hoạt động theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP: Điều chỉnh yêu cầu về cách chứng minh năng lực đối với các chương trình chứng nhận theo các tiêu chuẩn mới (chứng nhận HTQL) theo năng lực tương đương; Về phạm vi đăng ký: nên cấp đăng ký theo nhóm sản phẩm (tham khảo hệ thống phân loại theo HS, hệ thống phân loại sản phẩm Bắc Mỹ NAPCS…), không cấp theo phiên bản tiêu chuẩn; Đối với trường hợp đăng ký lại, đăng ký bổ sung: sử dụng cơ sở dữ liệu sẵn có của TCCN trong quá trình xem xét hồ sơ để giảm bớt số hồ sơ phải nộp.
Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu tham gia.
Nên có quy định thống nhất về phân loại, lấy mẫu, mẫu dấu hợp quy đối với CNHQ; Cho phép chứng nhận hợp chuẩn một phần tiêu chuẩn (không đủ chỉ tiêu) với điều kiện không cấp dấu hợp chuẩn và ghi rõ chỉ tiêu được chứng nhận (hoặc kèm phụ lục). Căn cứ: dựa trên TCVN 7775:2008; Cho phép sử dụng PTN nước ngoài đã được công nhận theo ISO/IEC 17025; Tổng cục có các buổi làm việc với các Bộ ngành để thống nhất về quản lý tổ chức chứng nhận; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước (thanh tra, kiểm tra); Số hóa các hoạt động đăng ký lĩnh vực chứng nhận; Tăng cường tổ chức hội thảo để phổ biến các quy định mới với các TCCN, tổ chức hội nghị/đối thoại với các TCCN thường xuyên hơn.
Tại Hội thảo, cũng đã có phần thảo luận trao đổi giữa cơ quan quản lý với các tổ chức nhận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Một số kiến nghị của tổ chức chứng nhận tại Hội thảo cũng đã được cơ quan quản lý giải đáp và một số kiến nghị được cơ quan quản lý ghi nhận, nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT và Luật Chất lượng SPHH.
https://tcvn.gov.vn/