Biến đổi di truyền được xác định là yếu tố chính gây bệnh lupus ở trẻ em
Các nhà khoa học Australia và Trung Quốc đã phối hợp nghiên cứu và phát hiện ra yếu tố di truyền cốt lõi dẫn đến sự phát triển của bệnh lupus ở trẻ em. Đây là bước đột phá lớn trong việc tìm hiểu diễn biến của bệnh và từ đó tìm ra cách điều trị.
Ở những người bị bệnh lupus, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào và mô của chính nó. Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được biết đến, nhưng người ta cho rằng đó là sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường. Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Hudson và Trung tâm Y tế Phụ nữ và Trẻ em Quảng Châu, Trung Quốc đã xác định được một biến thể di truyền cụ thể góp phần vào sự phát triển của bệnh lupus khởi phát ở trẻ em.
GS. Seth Masters, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Hiện giờ, chúng tôi biết rằng một số trẻ em mắc bệnh lupus do những thay đổi trong gen và việc xác định những thay đổi này là rất quan trọng để hiểu lý do tại sao trẻ bị bệnh và đưa ra cách điều trị hiệu quả nhất trong tương lai”.
Phương pháp điều trị bệnh lupus ở trẻ em đang được phát triển
Lupus ở trẻ em, về mặt y học được gọi là bệnh lupus ban đỏ hệ thống ở trẻ em (SLE), là bệnh tự miễn mãn tính. Căn bệnh này khá phức tạp có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể như da, khớp, thận, tim, phổi, tế bào máu và não với các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Theo ước tính, 15 - 20% các trường hợp mắc bệnh lupus được chẩn đoán ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Sự khác biệt giữa bệnh lupus ở trẻ em và người lớn
Bệnh lupus ở trẻ em thường có các triệu chứng nghiêm trọng và tiến triển nhanh hơn bệnh lupus ở người trưởng thành. Ngoài ra, trẻ bị lupus nhiều khả năng bị tổn thương nội tạng hơn như tổn thương thận, tim và hệ thần kinh.
Triệu chứng bệnh lupus ở trẻ em
Hai triệu chứng phổ biến là mệt mỏi và sốt. Giảm cân cũng là một dấu hiệu thường xuyên, xuất hiện ngay cả khi chế độ ăn của trẻ không thay đổi. Biểu hiện trên da thường gặp ở trẻ mắc bệnh lupus, điển hình là phát ban hình con bướm trên má và mũi. Đau khớp và cứng khớp cũng thường xuyên xảy ra và thường giống với các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Các triệu chứng không liên tục, có thể xuất hiện, rồi lại biến mất.
Các triệu chứng khác bao gồm: rụng tóc; loét miệng; nhạy cảm với ánh nắng mặt trời; sưng hạch bạch huyết; đau ngực; đau bụng; các vấn đề về thần kinh như co giật và rối loạn tâm thần; các vấn đề về thận như protein hoặc máu trong nước tiểu; các vấn đề về tim như viêm màng tim (viêm màng ngoài tim) hoặc cơ tim (viêm cơ tim); rối loạn về máu như thiếu máu, số lượng bạch hoặc tiểu cầu thấp; cũng như các bệnh về mắt như khô mắt hoặc viêm mắt (viêm màng bồ đào).
Chẩn đoán bệnh lupus ở trẻ em
Chẩn đoán bệnh lupus ở trẻ em có thể gặp khó khăn do các triệu chứng bị nhầm lẫn với các căn bệnh khác. Xét nghiệm máu thông thường là bước đầu tiên để phát hiện các kháng thể thường thấy ở bệnh nhân lupus. Phát hiện sớm là rất quan trọng để điều trị kịp thời và quản lý bệnh hiệu quả hơn.
Các lựa chọn điều trị bệnh lupus ở trẻ em
Điều trị bệnh lupus được tiến hành tùy theo các triệu chứng cụ thể được biểu hiện ở trẻ nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương.
• Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể được sử dụng để kiểm soát chứng đau và viêm khớp
• Corticosteroid giúp giảm viêm và ức chế hệ miễn dịch
• Thuốc ức chế miễn dịch dùng trong trường hợp nặng, giúp kiểm soát hệ miễn dịch hoạt động quá mức.
• Thuốc chống sốt rét được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng ở da và khớp.
Cách tiếp cận đa ngành rất quan trọng trong điều trị bệnh lupus ở trẻ em. Việc điều trị cần sự phối hợp của các bác sĩ thấp khớp, bác sĩ thận và các chuyên gia y tế khác để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ.