Tăng cường chuyển đổi số ở Hướng Hóa
Là huyện miền núi nên quá trình thực hiện chuyển đổi số ở Hướng Hóa gặp không ít khó khăn về hạ tầng số, con người… Với quyết tâm vì sự phát triển bền vững, huyện Hướng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt việc chuyển đổi số trên địa bàn trong thời gian tới.
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân Hướng Hóa về thủ tục hành chính và chuyển đổi số -Ảnh: H.T.S
Huyện Hướng Hóa đặt ra mục tiêu trong năm 2023 là phấn đấu 90% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại huyện và 60% hồ sơ công việc tại xã, thị trấn được xử lý trên môi trường mạng; 90% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, chủ tịch UBND huyện được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh…
Tối thiểu 60% phòng, ban, ngành cấp huyện có hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu kết nối, chia sẻ hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung của cấp huyện, cấp tỉnh; 100% lãnh đạo UBND huyện, các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong chỉ đạo điều hành công việc…
100% xã, thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối trực tuyến với huyện trong triển khai các hoạt động; tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh; tổ chức hướng dẫn người dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội khai thác cổng dịch vụ công trực tuyến…
Về phát triển kinh tế số, huyện Hướng Hóa phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 7% tổng sản phẩm (GRDP); đẩy mạnh việc thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; ứng dụng đồng bộ các nền tảng công nghệ số phục vụ công tác quản lý, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm…
Về phát triển xã hội số, huyện Hướng Hóa sẽ tiếp tục phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G, điện thoại thông minh và phấn đấu tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 20%…
Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, huyện Hướng Hóa đã đưa ra các giải pháp thích ứng và hiệu quả. Trước hết là tăng cường nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò cũng như tầm quan trọng của chuyển đổi số trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Gắn trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị với việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong cơ quan, đơn vị; gương mẫu trong học tập và ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, giải quyết công việc; tạo bước chuyển biến trong lề lối làm việc cũng như gắn kết chặt chẽ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính.
Xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các nội dung về chuyển đổi số trên cổng thông tin điện tử của huyện, trang thông tin các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn… Tìm kiếm, lựa chọn những sáng kiến, cách làm, mô hình hay về chuyển đổi số phù hợp với nhu cầu, thực trạng phát triển của các cơ quan, đơn vị và địa phương để tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng trên địa bàn huyện.
Tổ chức triển khai các nội dung Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 hằng năm nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số với việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, chính sách, đề án…về chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Phối hợp tổ chức đánh giá mức độ an toàn các hệ thống thông tin của huyện; hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, chính quyền số; đẩy mạnh triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin theo quy định…
Huyện cũng chú trọng đẩy mạnh xây dựng, cập nhật liên thông kết nối chia sẻ các nền tảng số với việc triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn phần trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong chỉ đạo, điều hành công việc, giải quyết thủ tục hành chính và gửi - nhận văn bản điện tử…
Thường xuyên truy cập để giải quyết công việc được giao trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc và cập nhật thông tin cán bộ, công chức, viên chức tại địa chỉ https://thongtinccvc. quangtri.gov.vn; cập nhật kịp thời kết quả thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao trên hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ tỉnh; nhiệm vụ UBND huyện giao trên hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ huyện; tiếp tục xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ huyện đến xã, thị trấn; triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Trị theo Quyết định số 2793/ QĐ - UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh…
Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ về nhân lực chuyển đổi số với việc cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện tham gia các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng số; phát huy vai trò cán bộ phụ trách và kiêm nhiệm về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn nhằm đảm bảo thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, nhất là bộ phận một cửa tại huyện và tại các xã, thị trấn.
Thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ chuyển đổi số với cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; tiếp tục hướng dẫn, tập huấn cho các hộ gia đình có sản phẩm, hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng lớn sử dụng thành thạo việc mua bán sản phẩm, hàng hóa trên cửa hàng số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực sử dụng các phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt bằng các ứng dụng được nhà mạng cung cấp như ViettelPay, MobiFone Money… và một số dịch vụ khác.
https://baoquangtri.vn/