Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 26-07-2022

Biến rác thải thành phân bón hữu cơ

Chị Hồ Thị An (bên phải), Khu phố 3, phường Đông Thanh xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón

Khu phố 3, phường Đông Thanh là vùng ven đô có truyền thống canh tác nông nghiệp từ lâu đời ở TP. Đông Hà. Ở địa phương, ngoài canh tác lúa thì cây hoa màu là loại cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập chính của đa phần các hộ gia đình. Chị Nguyễn Thị Sen, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố 3 cho biết, là địa bàn sản xuất nông nghiệp trọng điểm của phường nên số lượng rác thải hữu cơ sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp thải ra môi trường tương đối lớn.

 

Để giải quyết tình trạng rác thải hữu cơ, đồng thời tạo thêm nguồn phân bón hữu cơ sử dụng cho cây trồng, đầu tháng 6/2022, Hội LHPN phường Đông Thanh tổ chức ra mắt mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ” quy mô hộ gia đình tại Khu phố 3 với sự tham gia ban đầu của 15 hội viên phụ nữ. Tham gia mô hình, các hội viên được hướng dẫn cách thức phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh tại hộ gia đình.

 

Nhất là tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải ở các hộ gia đình nhằm giảm thiểu lượng rác thải thu gom, vận chuyển, tại các bãi rác, tiến tới cải thiện môi trường theo hướng bền vững. Để tạo cơ hội cho hội viên phụ nữ thực hiện mô hình được tốt, Hội LHPN phường Đông Thanh đã trao tặng 15 thùng ủ rác hữu cơ và 15 túi chế phẩm vi sinh cho hội viên tham gia mô hình. Đồng thời, kỹ sư nông nghiệp đã hướng dẫn phân loại rác thải, cách sử dụng thùng ủ rác hữu cơ, pha chế phẩm sinh học cho các hội viên phụ nữ tham gia mô hình.

 

Chị Hồ Thị An, hội viên phụ nữ Khu phố 3 canh tác gần 1,5 sào hoa màu và 7 sào ruộng nên số lượng rơm rạ, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường là khá nhiều. Cùng với đó, gia đình chị còn làm nghề ươm giá đỗ và bình quân mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 5 kg rơm khô sau khi ủ giá đỗ. “Thật sự là trước đây, rơm rạ, lá cây, phụ phẩm từ hoa màu sau thu hoạch gia đình tôi cũng như nhiều gia đình ở đây đều thải ra môi trường hoặc chôn lấp sơ sài.

 

Dù biết việc làm đó ảnh hưởng đến môi trường sống nhưng thực sự chưa có cách nào khác. Nay được tham gia mô hình, được hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ đó trở thành phân bón, tôi rất vui và hy vọng sẽ xử lý tốt hết lượng rác thải hữu cơ của gia đình mình. Hiện nay, tôi đang ủ chế phẩm vi sinh một thùng lớn rơm bỏ ngoài vườn, khoảng một tháng nữa là có phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng. Trong bối cảnh phân bón hóa học tăng giá rất cao thì việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ rất hữu ích và có lợi cho môi trường, hoa màu sản xuất ra cũng sạch và chất lượng hơn. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục ủ thêm phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng”, chị An vui vẻ nói.

 

Ở Khu phố 3, chị Hồ Thị Sự cũng là hộ có diện tích canh tác hoa màu khá lớn. Tham gia mô hình, chị đã tận dụng nguồn rơm rạ, rác thải hữu cơ quanh vườn và thu mua thêm nguồn phân bò, phân lợn, phân gà rồi pha với chế phẩm vi sinh cho vào thùng nhựa lớn để xử lý thành phân bón hữu cơ. Không chỉ vậy, chị còn ủ thêm một số lượng lớn rác thải hữu cơ ở tại ruộng để thuận tiện bón cho hoa màu một cách thường xuyên và đỡ công vận chuyển.

 

“Gia đình tôi làm gần 8 sào hoa màu, canh tác luân canh quanh năm nên thải ra lượng phụ phẩm nông nghiệp rất nhiều. Ngược lại, diện tích sản xuất lớn nên cần lượng phân bón cũng lớn. Vì vậy, tôi nhận thấy rằng mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón này rất hữu ích. Không chỉ xử lý rác thải, làm sạch môi trường đồng ruộng, trong vườn nhà và khu dân cư mà mô hình còn cung cấp nguồn phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập”, chị Sự chia sẻ.

 

Trước khi tham gia vào mô hình, chị Sự cũng đã nhiều lần xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón bằng chế phẩm vi sinh để phục vụ sản xuất (từ khi ủ cho đến khi sử dụng được phân hữu cơ là từ 30 - 40 ngày). Quá trình bón thực tế cho cây trồng, chị Sự đánh giá cao hiệu quả nhiều mặt của phân bón hữu cơ như không có mùi hôi, cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cây trồng… Chị Sự nói rằng sẽ tiếp tục chú trọng sản xuất hoa màu theo hướng “sạch, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả” từ nguồn phân bón hữu cơ này.

 

“Thông qua mô hình này nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn khu phố nói riêng và phụ nữ phường Đông Thanh nói chung tự giác thu gom, phân loại, xử lý và bỏ rác thải đúng nơi quy định. Nhất là sử dụng rác hữu cơ tại các gia đình thành phân hữu cơ để sử dụng phân bón cho cây trồng, từ đó giúp người dân thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường. Đồng thời, làm giảm lượng rác thải phát sinh trong quá trình thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn phường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đánh giá mô hình để có thể nhân rộng trong toàn thể hội viên khu phố”, chị Nguyễn Thị Sen cho biết thêm.

 

Rác thải hữu cơ là một trong những vấn đề khó xử lý triệt để ở môi trường vùng nông thôn, ven đô. Nhiều cách làm hay, tận dụng rác thải, tái chế rác thải đã được người dân thử nghiệm để hạn chế rác thải phát sinh. Và mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ” quy mô hộ gia đình triển khai tại Khu phố 3, phường Đông Thanh là một trong những mô hình mang lại “lợi ích kép”, được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tình trạng rác thải hữu cơ, đồng thời cung cấp nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 2409
Tổng lượt truy cập: 2.863.600
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.