Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 14-09-2022

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BQLKBTTN) Đakrông được giao quản lý diện tích hơn 37.600 ha, bao gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích gần 23.500 ha, phân khu phục hồi sinh thái trên 13.500 ha và phân khu dịch vụ - hành chính khoảng 640 ha, phân bố trên địa bàn 7 xã gồm Đakrông, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Húc Nghì, Ba Nang, Tà Long và A Bung, huyện Đakrông. Trước đây, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều khu vực trọng yếu, trong khi lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, công cụ, phương tiện hiện đại hỗ trợ cho đơn vị còn thiếu nên một số thông tin diễn biến về rừng như cháy rừng, sạt lở, lấn chiếm đất rừng… chưa được cập nhật kịp thời.

Để khắc phục tình trạng này, BQLKBTTN Đakrông đã đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN vào QLBVR như sử dụng ảnh viễn thám, thiết bị bay không người lái (flycam) để quan sát, theo dõi nắm bắt những diện tích rừng có biến động, thay đổi để từ đó có biện pháp ngăn chặn sớm và hiệu quả hơn, giúp cho lực lượng bảo vệ rừng tiết kiệm được thời gian, công sức khi thực hiện công tác tuần tra rừng. Ứng dụng ảnh viễn thám trong giám sát tài nguyên rừng, cập nhật diễn biến rừng, phần mềm Vtool, GPS... trong công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ rừng.

Giám đốc BQLKBTTN Đakrông Trương Quang Trung cho hay, mỗi chuyến tuần tra, cập nhật diễn biến rừng, lực lượng bảo vệ rừng phải đi bộ nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày trong rừng. Chưa kể những vụ việc biến động rừng như cháy rừng, sạt lở… rất khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường do địa hình quá phức tạp, đồi núi cao, hiểm trở. Từ khi có ảnh viễn thám, flycam, việc theo dõi biến động rừng đỡ vất vả hơn, xây dựng được phương án kiểm tra, đo đạc vị trí cụ thể ngoài thực địa nhanh gọn, thuận lợi, chính xác hơn.

“Cùng với QLBVR, trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, việc ứng dụng KHCN như sử dụng máy bẫy ảnh để phục vụ cho công tác điều tra, giám sát về các loài thú, các loài thuộc bộ gà…; sử dụng máy ghi âm trong việc điều tra vượn; sử dụng máy ảnh có độ phân giải cao để kiểm tra, theo dõi và ghi nhận các loài động vật, thực vật trong khu bảo tồn. Qua đó giúp cho việc ghi nhận sự có mặt, giám sát các loài thú rõ ràng, chính xác và độ tin cậy cao hơn”, ông Trung cho biết thêm.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Văn Ngọc Thắng, thời gian qua, việc ứng dụng KHCN trong QLBVR đã và đang mang lại những hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, trong công tác quản lý rừng, các đơn vị đã chú trọng ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS, các phần mềm Mapinfo, Microstation, QGIS; các thiết bị để khảo sát, kiểm tra, đo vẽ thực địa như GPS, máy tính bảng, điện thoại di động được cài đặt phần mềm FMRS mobile, Vtool; các ứng dụng bản đồ, ảnh vệ tinh để cập nhật diễn biến rừng, khảo sát thực địa, kiểm tra, đo vẽ, cập nhật các thông tin hiện trường.

Việc quản lý, giám sát các biến động rừng, quản lý dữ liệu, biên tập, in ấn bản đồ lâm nghiệp... với phần mềm cập nhật diễn biến rừng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì dữ liệu rừng, đất lâm nghiệp theo dõi diễn biến đã được lưu trữ trong một bộ cơ sở dữ liệu trung tâm, được cập nhật và kết xuất, cung cấp thông tin báo cáo bất kỳ thời điểm nào phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ viễn thám mà việc theo dõi tài nguyên rừng được triển khai thuận lợi và có độ chính xác cao, không tốn nhiều thời gian, công sức.

Với công nghệ này, người thực hiện không phải đo đạc thủ công tại hiện trường mà chỉ cần thông qua ảnh giải đoán cập nhật sự thay đổi, sau đó kiểm chứng một số điểm trên thực địa. Theo ông Thắng, hằng năm Chi cục Kiểm lâm cập nhật sự thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp với diện tích trung bình khoảng 30.000 ha. Việc cập nhật thường xuyên, kịp thời biến động về rừng và đất lâm nghiệp góp phần làm tốt công tác quản lý tài nguyên rừng cũng như lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương được chính xác, đúng thực tế.

Đối với công tác bảo vệ rừng, đã ứng dụng hệ thống quản lý, giám sát sự thay đổi rừng và đất lâm nghiệp ở tỉnh Quảng Trị; hệ thống cảnh báo cháy rừng, hệ thống dự báo cấp dự báo cháy rừng để quản lý, giám sát sự thay đổi rừng và đất lâm nghiệp; cảnh báo sớm các thông tin có khả năng về các vụ cháy rừng và dự báo cháy rừng. Những thiết bị được sử dụng trong các ứng dụng này được kết nối qua internet, được điều khiển bằng phần mềm thông minh cài đặt trên máy chủ. Qua đó, giúp quản lý hiệu quả diện tích rừng trên địa bàn rộng lớn với nhân lực ít và chi phí thấp.

“Chính nhờ sự hiệu quả trong việc triển khai các ứng dụng KHCN trong QLBVR mà số vụ cháy rừng đã giảm dần qua các năm, từ 11 vụ với diện tích thiệt hại do cháy rừng là 94 ha (năm 2011) xuống còn 8 vụ với diện tích thiệt hại 27,76 ha (năm 2021), tương ứng giảm 27,3% số vụ và giảm 70,5% về diện tích thiệt hại. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh đã tăng từ 229.844 ha (năm 2011) lên 245.996 ha (năm 2021); nâng tỉ lệ che phủ rừng qua các năm từ 47,1% (năm 2011) lên xấp xỉ 50% (năm 2021)”, ông Thắng khẳng định.

http://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 2234
Tổng lượt truy cập: 2.867.446
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.