Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 12-12-2022

Ngành chế biến, chế tạo cần được ưu tiên đầu tư để phát triển bền vững

Để tạo nên bức tranh kinh tế phát triển thì vai trò mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều không thể thiếu, các lĩnh vực đều là những mắt xích quan trọng để tạo nên chuỗi cung ứng hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng tăng trưởng. Trong đó, ngành công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, đây là ngành kinh tế luôn thể hiện những điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm qua. Giai đoạn 2017 - 2021, tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng từ 8,57% năm 2017 lên 10,15 % năm 2021. Tỉ trọng công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt bình quân 13,77%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỉ trọng bình quân là 9,53%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến giai đoạn này đạt bình quân 14,16%/năm.

Chế biến dầu ăn tại Công ty TNHH Từ Phong, Cam Lộ - Ảnh: T.C.L

Năm 2021 với điểm sáng trong phát triển công nghiệp của tỉnh là ngành năng lượng sạch, đặc biệt là các dự án điện gió với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng so với năm trước. Tỉnh đã từng bước khẳng định về chiến lược phát triển để phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.

Tuy nhiên, xét về mức độ đóng góp trong tăng trưởng của ngành thì ngành chế biến, chế tạo vẫn có vai trò quan trọng. Do đó, để có nền kinh tế phát triển bền vững, tạo ra giá trị gia tăng hằng năm ổn định, tăng trưởng theo thời gian, đáp ứng được chuỗi cung ứng trong nước và thế giới thì tỉnh cần có những chính sách sát thực hơn nữa trong thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 2 khu kinh tế (KKT) và 3 khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch phát triển các KKT, KCN ở Việt Nam. Bên cạnh các doanh nghiệp (DN) nằm trong các KKT, KCN của tỉnh thì còn khá nhiều DN, hộ kinh doanh cá thể đang phát triển, khẳng định vị thế của mình trong bức tranh kinh tế của tỉnh.

Theo số liệu từ Cục Thống kê, đến năm 2022, toàn tỉnh có 320 DN và 7.173 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 74,94% số DN ngành công nghiệp và chiếm 94,67% số hộ sản xuất, kinh doanh cá thể ngành công nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 23.000 lao động.

Trong đó có thể kể đến các DN lớn như: Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch JINQUAN khoảng 1.350 lao động, Công ty Dệt may quốc tế VTJ Tom 830 lao động, các công ty như: Công ty CP may và thương mại Gio Linh, Công ty CP Minh Hưng Quảng Trị, Công ty Gỗ MDF-VRG Quảng Trị… với hơn 500 lao động/doanh nghiệp.

Hiện nay, một số lĩnh vực chế biến, chế tạo có nhiều lợi thế của tỉnh như chế biến thủy sản, sản xuất gỗ dăm, may mặc, chế biến nông sản, dược liệu… đang phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường; từng bước xây dựng được thương hiệu sản phẩm và khẳng định uy tín trên thị trường.

Trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát huy tốt thế mạnh, nhất là nguồn nguyên liệu của địa phương để sản xuất các hàng hóa có thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp. Chú trọng ngành công nghiệp sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ, thủy sản…

Phát triển vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến dược liệu, nhất là các sản phẩm xuất khẩu như cây an xoa, cà gai leo, quế... Phát triển công nghiệp may mặc với lợi thế đất đai, nhân công, chuyển dịch lực lượng lao động, gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tổ chức cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng.

Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp tự động hóa trong sản xuất, tạo ra các quy trình sản xuất thông minh; lựa chọn một số ngành công nghiệp có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị để ưu tiên phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, nhằm khai thác tối đa về lợi thế tài nguyên, lao động; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Huy động mọi nguồn vốn đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KKT, KCN, cụm CN, đặc biệt là thu hút các dự án động lực vào KKT Đông Nam Quảng Trị.

Phân tích, đánh giá để xác định vị trí đóng góp của các ngành kinh tế đối với sự phát triển nền kinh tế của tỉnh, Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Trị Trần Ánh Dương cho rằng, điều quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như tổ chức thực hiện về kế hoạch tăng trưởng GRDP hằng năm và giai đoạn tiếp theo là cần ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là cần đầu tư xây dựng kế hoạch phát triển cho ngành công nghiệp này.

Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng của tỉnh, ngay cả khi công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển thì vẫn phải quan tâm đầu tư cho công nghiệp chế biến, chế tạo, bởi vì đây là ngành kinh tế vẫn còn tiềm năng rất lớn và có nhiều đóng góp cho tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Năm 2022, ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 12,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,09%, chiếm 9,76% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Về số lượng cơ sở công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2022 tăng 14%. Vì thế, cần nhận thức đúng vai trò của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong kế hoạch phát triển của tỉnh để xây dựng kế hoạch và đầu tư đúng hướng.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 2897
Tổng lượt truy cập: 2.868.109
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.