Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 23-12-2022

Đông Giang chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, phường Đông Giang (TP. Đông Hà) chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất. Qua đó, các mô hình sản xuất đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

 

Bước vào vụ hoa năm nay, Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc, phường Đông Giang có 20 hộ tham gia trồng trên tổng diện tích khoảng 5 ha. Trong đó, 2 ha trồng hoa chậu tập trung trong nhà màng, nhà lưới; 3 ha trồng hoa trên đất vườn nhà.

Theo Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc Hoàng Hữu Khiêm, từ năm 2017, 10 hộ gia đình trong tổ hợp tác được chính quyền các cấp hỗ trợ xây dựng 10 nhà màng theo hình thức xã hội hóa 50%. Trung bình mỗi nhà màng có giá trị khoảng hơn 70 triệu đồng, trên diện tích gần 200 m2.

Ông Khiêm cho biết: “Khác với trồng hoa theo phương thức canh tác truyền thống, việc đưa hoa vào trồng trong nhà màng giúp gia đình hoàn toàn chủ động quy trình trồng, chăm sóc mà không phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, ngoài ra kiểm soát tốt tình trạng sâu bệnh. Vì vậy, người trồng hoa dễ dàng xây dựng lịch thời vụ trồng và thu hoạch đúng dịp lễ, tết.

Bên cạnh đó, có nhà màng sẽ giúp người trồng hoa chủ động việc ươm hoa giống cho những vụ tiếp theo. Riêng gia đình tôi, năm nay trồng khoảng 1.000 chậu hoa cúc tương đương 60.000 bầu hoa giống. Một phần hai số hoa giống này gia đình chủ động từ vụ trước nhờ việc lắp đặt thâm canh bằng nhà màng”.

Cũng theo ông Khiêm, song song với việc đầu tư lắp đặt nhà màng cho các hộ trồng hoa, hằng năm, chính quyền địa phương thường xuyên hỗ trợ các loại giống hoa mới, tập huấn chuyển giao KHKT trồng, chăm sóc, thu hoạch hoa theo hướng công nghệ cao, bền vững.

Dự kiến với 2 ha trồng hoa chậu tập trung, dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc cung ứng khoảng 80.000 chậu hoa các loại. Trong đó, khoảng 30.000 chậu hoa giống và 50.000 chậu phục vụ Tết. Năm nay, tổ hợp tác chủ yếu trồng các loại hoa như: cúc chậu các loại, đồng tiền, dạ yến thảo, hoa hồng và một số loại hoa treo, cây cảnh để trang trí.

Trên địa bàn phường Đông Giang hiện nay có nhiều mô hình kinh tế trên lĩnh vực nông nghiệp đã ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm. Các mô hình phát triển theo định hướng quy mô, bền vững gắn với đô thị sinh thái, sản xuất hàng hóa thành vùng tập trung, cho năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng cạnh tranh, thân thiện với môi trường.

Trong đó phải kể đến mô hình lúa - cá kết hợp với việc thả nuôi trên 25.000 con cá giống các loại trên diện tích hơn 2,5 ha tại khu vực Bàu Nậy, mỗi vụ thu về hơn 150 triệu đồng; mô hình nuôi tôm sú của HTX Đông Giang 2…

Là mô hình kinh tế mũi nhọn, những năm qua, hơn 60 hộ gia đình của Tổ cộng đồng nuôi tôm HTX Đông Giang 2 đã áp dụng nhiều tiến bộ KHKT vào việc nuôi tôm sú, tôm thẻ trên tổng diện tích 26,74 ha mặt nước. Trong đó, các hộ gia đình đã thực hiện nuôi tôm thâm canh theo 2 giai đoạn, đầu tư xây dựng hệ thống ao, bể nuôi có mái che.

Nhờ đó, quá trình nuôi đã giảm đáng kể lượng nước thải ra môi trường so với nuôi thả trực tiếp nên hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh. Quan trọng là người dân kiểm soát hoàn toàn điều kiện nuôi, tránh chịu ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết, khí hậu nên giảm được rủi ro, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, lợi nhuận mang lại cao hơn.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, vụ nuôi đầu, Tổ cộng đồng nuôi tôm HTX Đông Giang 2 đã thả nuôi 11,1 triệu con tôm giống với doanh thu hơn 8,4 tỉ đồng, trừ chi phí lãi hơn 2,1 tỉ đồng. Ngoài mô hình trồng hoa, nuôi tôm sú, chính quyền phường Đông Giang khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ KHKT vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thu nhập ổn định.

Phó Chủ tịch UBND phường Đông Giang Hoàng Đức Anh cho biết, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ trong sản xuất trên địa bàn phường hiện vẫn chưa nhiều. Trong đó, phần lớn do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên gặp khó trong việc vận động nông dân thay đổi phương thức tổ chức sản xuất; các hợp tác xã chưa phát huy hết vai trò là cầu nối giữa các hộ sản xuất với đơn vị thu mua…

Để tháo gỡ những khó khăn, ông Anh cho rằng, các ngành chức năng cần có cơ chế, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn ưu đãi để đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, mở thêm các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, xây dựng chuỗi liên kết, tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

“Ngoài các mô hình đang triển khai hiệu quả, hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo HTX Đông Giang 2 phối hợp với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình xây dựng với sự tham gia của hơn 80 hộ đăng ký trên diện tích 13,6 ha. Đến nay, cơ bản các khâu chuẩn bị đã hoàn thành, bước vào vụ đông xuân 2022 - 2023 sẽ triển khai thực hiện”, ông Anh thông tin thêm.

Với những nỗ lực, bức tranh kinh tế của phường Đông Giang đã và đang thay đổi tích cực. Thu ngân sách địa phương đến hết tháng 10/2022 ước đạt trên 9,6 tỉ đồng; giá trị canh tác đạt 100 triệu đồng/ha. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27 %.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 2873
Tổng lượt truy cập: 2.868.085
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.