Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 16-04-2024

Vĩnh Linh đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu nông sản chủ lực

Hướng đến nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản đặc trưng, đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua, nhiều địa phương, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã chủ động đầu tư cũng như nhận được sự hỗ trợ để triển khai sơ chế, chế biến sâu nông sản. Từ đó góp phần bảo quản tốt, tạo ra sản phẩm chất lượng, mở rộng tiêu thụ, tăng hiệu quả kinh tế cho nhiều loại nông sản.

Hợp tác xã Nông sản xanh Vĩnh Hòa đầu tư máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm “Mật ong Rú Lịnh” -Ảnh: NGUYỄN TRANG

Đậu xanh tằm là nông sản chủ lực của xã Vĩnh Giang với vùng nguyên liệu khoảng 80 ha. Nhận thấy đậu xanh được sản xuất, cung cấp dưới dạng hạt thô thì khâu bảo quản còn hạn chế và giá trị mang lại chưa cao, từ năm 2020, HTX Nông nghiệp Cổ Mỹ đầu tư hệ thống thiết bị, sản xuất thêm 2 sản phẩm: bột đậu xanh và đậu xanh rang sấy rất được thị trường đón nhận. Giá bán sản phẩm chế biến cao gấp 2 lần so với sản phẩm thô, tăng thu nhập cho các hộ trồng đậu xanh.

Ông Lê Chẩn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cổ Mỹ cho biết: “Tháng 11/2023, HTX tiếp tục được tỉnh đầu tư Dự án công nghệ sản xuất và chế biến sâu sản phẩm đậu xanh tằm với tổng kinh phí trên 8,4 tỉ đồng. Đến tháng 1/2024, các hạng mục như đồng ruộng trồng đậu xanh đã được quy hoạch, nhà xưởng chế biến đã thi công, lắp đặt hoàn thiện. Với điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng này, thì ngoài phát triển 2 loại sản phẩm hiện có, HTX sẽ mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm mới, trước mắt là sữa đậu xanh Vĩnh Giang và bánh đậu xanh Vĩnh Giang”.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Nguyễn Hữu Quyết thông tin, cùng với HTX Nông nghiệp Cổ Mỹ, trong năm qua, tại huyện Vĩnh Linh có thêm 6 HTX được hỗ trợ về công nghệ sơ chế, chế biến sâu nông sản, tổng kinh phí đầu tư trên 12,1 tỉ đồng.

Đến nay, toàn huyện có khoảng 20 HTX, doanh nghiệp và nhiều cơ sở đã trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhiều nông sản chủ lực của các địa phương được đầu tư sơ chế, chế biến sâu, như: gạo bát đỏ của HTX Nông nghiệp Tân Mỹ; hồ tiêu của HTX Sản xuất - Kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh; nghệ củ của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung; gạo của HTX Nông nghiệp sạch Tây Sơn và Cơ sở chế biến miến Loan Hảo; mật ong của HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa; nước mắm nhĩ cá cơm của cơ sở sản xuất nước mắm Khiêm Trọng; dầu lạc nguyên chất của Công ty TNHH Hùng Thịnh Thành...

Mỗi năm huyện Vĩnh Linh đạt sản lượng lúa khoảng 40.000 tấn, lương thực có hạt đạt trên 42.000 tấn, lạc đạt hơn 2.000 tấn, hồ tiêu khoảng 1.350 tấn, khai thác khoảng 4.000 tấn thủy sản... Từ việc đầu tư cho lĩnh vực sơ chế, chế biến sâu thời gian qua đã góp phần giải quyết đầu ra trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng; được hỗ trợ hoàn thiện đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chứng nhận sản phẩm OCOP. Để có thể tiếp cận, đưa vào hoạt động chế biến sâu, phải có nguồn lực.

Vì vậy huyện xác định thời gian tới cần cả sự chủ động của mỗi địa phương, HTX, doanh nghiệp và sự lồng ghép, hỗ trợ từ các chương trình, dự án. Theo đó đối với lĩnh vực chế biến nông sản, huyện đã đề ra cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc tổ chức sản xuất, xây dựng kế hoạch phát triển, tăng cường liên kết phương thức vận chuyển hàng hóa.

Đồng thời khuyến khích cơ sở sản xuất đầu tư khoa học kỹ thuật, hoàn thiện sản phẩm cả về chất lượng và hình thức nhãn mác, bao bì. Qua đó nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương. Đồng thời, huyện sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm hình thành điểm mua bán, thu gom, bảo quản sản phẩm nông sản tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Mặt khác, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, sơ chế, bảo quản nông sản có sử dụng nguyên liệu thế mạnh của địa phương như: lúa, lạc, tiêu, ném, khoai môn... Chú trọng gia tăng tỉ lệ chế biến sâu để hình thành sản phẩm công nghiệp nông thôn chủ lực có tính chất hàng hóa, gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Riêng về phát triển nguyên liệu lúa gạo tập trung liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ, huyện Vĩnh Linh có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế và chế biến lúa gạo với tổng kinh phí 3,390 tỉ đồng.

Trong đó, nguồn hỗ trợ ngân sách tỉnh, huyện 2,2 tỉ đồng; nguồn hợp tác xã và nguồn khác 1,190 tỉ đồng. Huyện Vĩnh Linh đang kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí. Dự kiến các hạng mục sẽ đầu tư xây dựng gồm: hệ thống sấy; nhà xưởng; hệ thống chế biến gạo; mặt bằng, đường giao thông... phục vụ phát triển, nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất lúa gạo tại huyện Vĩnh Linh.

Huyện Vĩnh Linh phấn đấu đến năm 2025, giá trị chế biến nông sản đạt trên 150 tỉ đồng, tăng bình quân trên 18%/năm (theo giá cố định năm 2010). Từ đó sẽ có thêm nhiều mặt hàng nông sản sản xuất theo hướng bền vững, tăng giá trị kinh tế ngành nông nghiệp và thu nhập của người dân.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 681
Tổng lượt truy cập: 2.844.255
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.