Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 16-11-2022

Phát triển lâm nghiệp bền vững từ trồng rừng gỗ lớn

Những năm qua, việc phát triển rừng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả kinh tế rõ rệt. Gỗ rừng trồng qua chế biến tinh, sâu, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Không những thế, trồng rừng gỗ lớn còn tăng khả năng phòng hộ như giảm xói mòn, chống sạt lở, rửa trôi đất…, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.

 
Cánh rừng gỗ lớn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ

 

Hơn 20 năm gắn bó với rừng, ông Trần Quốc Thiển, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ hiểu rất rõ giá trị của rừng. Nghề trồng rừng mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở địa phương nên việc phát triển rừng một cách bền vững là mục tiêu mà ông cũng như nhiều thành viên trong hợp tác xã đang hướng tới. Ông Thiển cho biết, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông hiện có 55 ha rừng trồng; trong đó có 26 ha trồng rừng gỗ lớn.

Qua quá trình triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn, các thành viên trong hợp tác xã nhận thấy trồng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tiết kiệm cây giống, chi phí trồng, chăm sóc mà còn hạn chế suy thoái đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. “Để duy trì và mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, hợp tác xã mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giống cây trồng có chất lượng cũng như được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức về trồng và chăm sóc rừng gỗ lớn”, ông Thiển nói.

 Toàn tỉnh hiện có trên 120.000 ha rừng sản xuất. Hằng năm, diện tích rừng sản xuất được trồng mới, trồng lại từ 7.500 ha - 8.000 ha. Tuy nhiên, mặc dù diện tích rừng trồng toàn tỉnh tăng nhanh nhưng vẫn chủ yếu tập trung cho phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ phục vụ chế biến, băm dăm, gỗ bóc… với giá trị kinh tế thấp. Trong khi với xu thế chung là dừng hoàn toàn khai thác rừng tự nhiên, giảm nhập khẩu gỗ thì bắt buộc phải đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ gia dụng và đồ mộc xuất khẩu.

 Để cây gỗ lớn “bén rễ” trên đất rừng Quảng Trị, tỉnh đã triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ và phát triển ngành lâm nghiệp như: giao đất, giao rừng, đầu tư xây dựng hạ tầng lâm nghiệp, kêu gọi, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, công ty thực hiện các chương trình, dự án, kinh doanh, chế biến gỗ. Đồng thời thực hiện đề án cơ cấu lại ngành lâm nghiệp của tỉnh, chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ, kế hoạch trọng tâm như giữ ổn định độ che phủ rừng 50%, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất, chuyển đổi diện tích rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ rừng; nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường; tăng cường vận động, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung để tạo điều kiện thuận lợi khi đánh giá, cấp chứng chỉ FSC...

Theo các chuyên gia ngành lâm nghiệp, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, khai thác ở năm thứ 5 - 6 chỉ có thể bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 70 - 90 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/ha/năm. Nhưng khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác, hầu hết các cây đều đạt đường kính từ 18 cm trở lên, sản lượng đạt từ 200 - 240 m3 /ha. Rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá từ 1,8 triệu đồng - 2 triệu đồng/m3 , tương đương 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng. Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, ngành nông nghiệp sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch lâm nghiệp, quản lý quy hoạch theo hướng phát huy lợi thế sản phẩm địa phương; bố trí vùng trồng rừng, loại cây trồng hợp lý theo vùng sinh thái, theo mục đích kinh doanh rừng gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng rừng gỗ lớn; đánh giá, tuyển chọn giống có năng suất cao, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các hộ gia đình để đầu tư trồng rừng gỗ lớn theo phương thức doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật; hộ gia đình góp vốn bằng quyền sử dụng đất; khi có sản phẩm khai thác thì hưởng lợi theo tỉ lệ góp vốn, qua đó hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng triển khai mô hình trồng xen cây dược liệu, cây ăn quả dưới tán rừng để người trồng rừng có thu nhập thường xuyên, đảm bảo trang trải cuộc sống hằng ngày do thời gian trồng rừng gỗ lớn khá dài.

Có thể thấy khi đời sống vật chất của người dân đang từng bước được nâng cao, tư duy sản xuất đã có nhiều thay đổi và đòi hỏi về bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu ngày càng cấp thiết thì việc phát triển trồng rừng gỗ lớn là một hướng đi đúng đắn và bền vững. Cơ chế hỗ trợ đã có, lợi ích rõ ràng nhưng hiện nay diện tích rừng gỗ lớn của Quảng Trị vẫn còn ít. Do vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, rất cần những giải pháp quyết liệt và thiết thực hơn nữa để khuyến khích người dân tham gia thực hiện trồng rừng gỗ lớn.

http://www.baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 1062
Tổng lượt truy cập: 2.847.116
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.