Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 21-11-2022

Thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ để phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2022, kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; COVID-19 gây ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng. Ngành ngân hàng Quảng Trị với vai trò và nhiệm vụ của mình trong thời gian qua đã tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ của Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến của thị trường; điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đồng thời triển khai mạnh mẽ các giải pháp về tín dụng, lãi suất một cách đồng bộ, tập trung mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từng bước khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

 
Trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau COVID-19, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã đầu tư dây chuyền chế biến gạo đạt chuẩn châu Âu tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà - Ảnh: PV

 

Trong đó, đã kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra; hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện, điều hành tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, lạm phát, diễn biến của dịch bệnh; kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Triển khai các chương trình, chính sách tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: các chương trình, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn về nhà ở; các nhiệm vụ tín dụng chính sách phục hồi nền kinh tế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động triển khai chính sách, giải pháp về tín dụng, lãi suất một cách đồng bộ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Thực hiện tốt cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế trên địa bàn.

Về thực hiện một số chỉ tiêu tính đến ngày 31/10/2022: huy động vốn trên địa bàn đạt 29.994 tỉ đồng, giảm 149 tỉ đồng với tỉ lệ giảm 0,49% so với cuối năm 2021; doanh số cho vay lũy kế toàn địa bàn đạt 53.677 tỉ đồng, tăng 24,03% so với cùng kỳ năm trước; tín dụng 10 tháng tăng 6.427 tỉ đồng, với tỉ lệ tăng 14,69% so với cuối năm 2021 và đạt dư nợ 50.167 tỉ đồng; chất lượng tín dụng đảm bảo, nợ xấu chiếm tỉ trọng 0,67%, hoạt động các tổ chức tín dụng an toàn.

Mặt bằng lãi suất trên địa bàn tăng lên từ 1% - 3% so cuối năm 2021; lãi suất huy động cao nhất 9,5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn 7% - 17,5%/năm, trung dài hạn 9% -17,7%/năm. Quản lý ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng thực hiện nghiêm túc tại địa bàn. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định về niêm yết tỉ giá, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài, về mua, bán ngoại tệ.

Về thực hiện giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do COVID-19: dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế là 1.260 tỉ đồng, với 1.470 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; dư nợ được miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế là 364 tỉ đồng, với 1.614 khách hàng được miễn giảm lãi, số tiền lãi đã được miễn, giảm là 1,28 tỉ đồng.

Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu với dư nợ 8.855 tỉ đồng cho 28.889 khách hàng, số tiền lãi được hạ 46 tỉ đồng (mức giảm từ 0,01% đến 3%/năm). Cho vay mới hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh với doanh số cho vay là 28.932 tỉ đồng. Cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động do COVID-19: tổng dư nợ của chương trình này tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 2,6 tỉ đồng, với 771 lượt lao động. Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất 23.431 triệu đồng.

Về tổng dư nợ cho vay chính sách xã hội là 3.797 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ hộ nghèo 397 tỉ đồng; dư nợ hộ cận nghèo 874 tỉ đồng; dư nợ cho vay giải quyết việc làm 509 tỉ đồng; dư nợ cho vay các đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài 8 tỉ đồng; dư nợ cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 176 tỉ đồng; dư nợ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 507 tỉ đồng; dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh thuộc vùng khó khăn 498 tỉ đồng; dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo 372 tỉ đồng; dư nợ cho vay nhà ở xã hội (Nghị định 100/2015/NĐ-CP) 303 tỉ đồng; dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Quyết định 2085/QĐ-TTg) 116 tỉ đồng... Dư nợ cho vay Chương trình phục hồi kinh tế (Nghị quyết số 11/NQ-CP) 216 tỉ đồng, hoàn thành 82,89% kế hoạch. Dư nợ cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn 10.954 tỉ đồng.

Qua phân tích số liệu huy động và cho vay trên địa bàn tỉnh cho thấy trước diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và tăng lãi suất huy động vốn từ 1% - 3% so với đầu năm thì tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng theo, chiếm tỉ trọng 73% (21.870 tỉ/29.994 tỉ đồng). Mặt khác, lãi suất huy động cao, kéo theo lãi suất cho vay cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cần có chính sách phát triển doanh nghiệp hộ gia đình nhằm khuyến khích dòng tiền nhàn rỗi của dân cư đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, phát triển dịch vụ, đóng góp tăng trưởng cho nền kinh tế. Đồng thời, về phía doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tối đa hóa lợi nhuận, giải quyết việc làm và bảo đảm thu nhập ổn định của người lao động.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất và đơn giản hóa thủ tục để người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng như cấp giấy chứng nhận tài sản, cập nhật lên cơ sở dữ liệu dùng chung khi sử dụng các hợp đồng vay có thế chấp tài sản; tách bạch phí bảo hiểm các hợp đồng vay ra khỏi điều kiện vay vốn...

http://www.baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 2403
Tổng lượt truy cập: 2.845.980
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.