Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 27-12-2022

Phát triển các mô hình kinh tế vùng gò đồi ở Bến Quan

Với tiềm năng sẵn có về đất đai, thời gian qua, người dân thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế mới hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Mô hình trồng cam 700 gốc của gia đình bà Hồ Thị Linh đã thu hoạch lứa quả bói với sản lượng gần 5 tạ - Ảnh: H.T

Năm 2019, gia đình bà Hồ Thị Linh là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi gần 1,5 ha cao su bị gãy đổ của gia đình sang trồng các loại cây ăn quả có múi.

Hiện nay, gia đình bà đã có hơn 750 gốc cam, quýt, bưởi, trong đó có gần 700 gốc cam Vinh. Với sự hỗ trợ của hợp tác xã, hội nông dân, sự động viên của chính quyền địa phương, gia đình bà vừa đầu tư trên 130 triệu đồng cải tạo đất, chăm sóc đúng kỹ thuật để cây phát triển tốt.

Năm 2022, gia đình bà thu hoạch lứa quả bói đầu tiên với sản lượng gần 5 tạ, với giá bán từ 25- 30 nghìn đồng/kg, thu về gần 15 triệu đồng.

Bà Linh cho biết: “Bên cạnh duy trì 2 ha cao su, tôi đã chuyển đổi gần 1,5 ha cao su bị gãy đổ do mưa bão sang trồng các loại cây ăn quả có múi, trong đó nhiều nhất là cây cam Vinh vì tôi nhận thấy thị trường tiêu thụ thuận lợi, nhiều hộ trong thị trấn đã trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, để không bị áp lực về vốn đầu tư, tránh hụt nguồn thu và vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm để hạn chế rủi ro, việc chuyển sang cây trồng mới được thực hiện dần dần. Đến giờ, tôi đã khá tự tin để làm chủ kỹ thuật nên thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phát triển diện tích trồng cam”.

Theo chia sẻ của nhiều hộ dân ở thị trấn Bến Quan, từ trước đến nay người dân chủ yếu trồng chuyên canh cây cao su, hồ tiêu. Những năm gần đây, trước tình trạng cao su rớt giá và chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Từ thực tế đó, nhiều hộ đã chuyển đổi những diện tích cây cao su già cỗi, gãy đổ, cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng một số loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có cây cam.

Nhận thấy đây là một loại cây trồng hoàn toàn mới đối với nông dân Bến Quan nên nếu trồng nhỏ lẻ tại các hộ sẽ gặp nhiều khó khăn, do vậy được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn quả Bến Quan đã được thành lập vào năm 2018 với 11 thành viên nhằm liên kết các hộ sản xuất cam nhỏ lẻ. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, đến nay toàn bộ 8,7 ha cây ăn quả, chủ yếu là cây cam của HTX đang phát triển rất tốt, cho lứa quả bói đầu tiên với giá bán khá cao nên người dân rất phấn khởi.

Theo dự kiến, bước vào năm thứ 4 tính từ thời điểm trồng, toàn bộ diện tích cam của HTX sẽ bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng ban đầu khoảng 4 tấn/ha và sau đó sản lượng cam sẽ tăng dần qua các năm.

Ngoài các loại cây trồng lâu năm, trên những chân ruộng trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả, nông dân cũng tích cực chuyển đổi sang trồng rau màu, xen canh một vụ lúa một vụ màu, cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3- 4 lần so với trồng lúa. Với ưu thế giao thông thuận tiện, thị trường tiêu thụ rộng nên nguồn rau sản xuất ra dễ tiêu thụ, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Mặt khác, nhiều hộ gia đình ở thị trấn Bến Quan trước đây chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy, nay đã triển khai các mô hình trang trại, gia trại trên vùng đất gò đồi, đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình có hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Khoa đã liên kết với Công ty Japfa Việt Nam để chăn nuôi gà gia công.

Cuối năm 2019, gia đình ông Khoa đã đầu tư 1,5 tỉ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lắp đặt hệ thống máng ăn, nước uống tự động, hệ thống sưởi ấm cho gà..., với tổng diện tích gần 1.500 m2 . Sau khi xây dựng xong chuồng trại, ông Khoa đã thực hiện liên kết chăn nuôi theo hình thức gia công, bao tiêu sản phẩm với công ty, quy mô hơn 16.000 con gà/lứa.

Ông Khoa cho biết: “Tham gia liên kết chăn nuôi gà theo hình thức gia công, các hộ được doanh nghiệp cung ứng con giống, nguồn thức ăn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và bao tiêu sản phẩm. Theo đó, công ty sẽ đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật cho chủ trang trại chăn nuôi theo quy chuẩn.

Sau hơn 3 tháng chăm sóc, khi gà có trọng lượng khoảng 2,2 kg - 2,4 kg/con sẽ xuất bán. Công ty chi trả mỗi cân gà 6.000 đồng tiền công chăm sóc. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm 3 lứa nuôi gà mang lại cho gia đình tôi nguồn thu 450 triệu đồng”. Trang trại của ông Khoa còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thị trấn Bến Quan đã được nâng lên rõ rệt. Điều này được thể hiện ở thu nhập bình quân năm 2022 của địa phương ước đạt 56 triệu đồng/người, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1,6%.

Tuy nhiên, để kinh tế vùng gò đồi thị trấn Bến Quan thời gian tới phát triển bền vững cần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức của một bộ phận người dân trong việc tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay thế các loại giống cây, giống con có giá trị kinh tế thấp bằng những loại có hiệu quả kinh tế và sản lượng cao hơn; chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng dẫn phát triển các loại hình kinh tế tập thể, tăng cường các hoạt động dịch vụ để mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người dân chuyển đổi sinh kế một cách đa dạng, hiệu quả và bền vững.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 11
Hôm nay: 1838
Tổng lượt truy cập: 2.840.703
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.