Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 22-02-2024

Hải Phòng: Nhân giống thử nghiệm thành công loài Lan Hài đốm

Với mục tiêu bổ sung hiện trạng, vùng phân bố, xác định đặc điểm hình thái, sinh thái học, các nhân tố đe doạ đối với loài Lan Hài đốm tại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà, từ đó xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc loài Lan Hài đốm tại vườn ươm, nhóm nghiên cứu thuộc VQG Cát Bà đã đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng, nhân giống và trồng thử nghiệm loài Lan Hài đốm”.

Thực trạng loài Lan Hài đốm tại VQG Cát Bà

Qua quá trình điều tra thực địa, nhóm nghiên cứu đã xác định được thực trạng phân bố của loài trên 11 tuyến tại 5 khu vực nghiên cứu (trong tổng số 29 tuyến điều tra tại 9 khu vực). Trên cơ sở đó, xây dựng bản đồ tuyến điều tra và bản đồ phân bố loài Lan Hài đốm tại VQG Cát Bà với tỉ lệ 1/25.000.

Báo cáo đã mô tả chi tiết đặc điểm hình thái loài Lan Hài đốm tại khu vực nghiên cứu và một số đặc điểm sinh thái, sinh học của loài Lan Hài đốm như: phân bố ở tầng cao thưa dưới tán rừng nguyên sinh, có độ tàn che trung bình khoảng 60% thuộc các khu vực Tùng Di, Cát Dứa và Giỏ Cùng; thích hợp với điều kiện đất chua, giàu mùn, có độ phì nhiêu trung bình trở lên; độ che phủ của loài Lan Hài đốm biến động từ 4-50%, độ che phủ trung bình tại khu vực nghiên cứu là 25,38%; xác định được 2 hình thức tái sinh của Lan Hài đốm ngoài thực địa là tái sinh từ hạt và tái sinh từ chồi. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xác định 6 nhân tố đe dọa đến loài và sinh cảnh của loài gồm: khai thác, buôn bán thương mại, phát triển du lịch thiếu kiểm soát, cháy rừng, chăn thả gia súc và biến đổi khí hậu.

Nhân giống, trồng và chăm sóc loài Lan Hài đốm

Nhóm nghiên cứu cũng đã dự thảo được 02 quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc Lan Hài đốm là: quy trình nhân giống và trồng thử nghiệm và quy trình trồng, chăm sóc loài Lan Hài đốm. Quy trình nhân giống và trồng thử nghiệm loài Lan Hài tại vườn ươm tiến hành theo 3 bước. Bước 1: thu thập cây giống Lan Hài đốm ngoài tự nhiên bằng phương pháp tách chiết các chồi từ bụi cây mẹ khoẻ mạnh, sinh trưởng tốt. Bước 2: trồng cây con vào giá thể sau khi tách chồi. Bước 3: trồng cây ra khay trong vườn ươm. Đối với Quy trình trồng và chăm sau loài Lan Hài đốm tại vườn ươm sẽ được tiến hành theo các bước sau. Bước 1: gỡ cây con sau khi đã nhân giống khỏi khay cũ; Bước 2: trồng vào giá thể thích hợp. Bước 3: tiến hành trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây con tại vườn ươm.

Lan Hài đốm được nhân giống và trồng tại VQG Cát Bà.

Trong quá trình tiến hành xây dựng dự thảo 2 quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc Lan Hài đốm phục vụ nghiên cứu tại vườn ươm nhóm nghiên cứu đã nhân giống thành công loài Lan Hài đốm bằng phương pháp tách chồi. Xác định được thời vụ thích hợp nhất để tách chồi là vào vụ hè với tỉ lệ sống đạt 88,9%; sau 3 tháng các chỉ tiêu sinh trưởng số chồi mới trung bình, số rễ mới trung bình tương ứng đạt 2,63 chồi, 3,33 rễ. Giá thể thích hợp nhất để nhân giống loài Lan Hài đốm là mùn + xỉ than + xơ dừa (tỷ lệ 2:1:1) cho tỷ lệ sống đạt 87,08%, hệ số nhân chồi sau 3 tháng là 2,08 chồi. Chế phẩm có hiệu quả kích thích khả năng bật chồi tốt nhất ở loài Lan Hài đốm Atonik 1.8 DD cho hệ số nhân chồi là 2,92 chồi, tỷ lệ sống đạt 86,7%. Loại cây giống thích hợp nhất để tách chồi là cây giống có 03 đôi lá cho tỷ lệ sống đạt 88,9% với hệ số nhân chồi là 1,36 chồi. Loại phân bón thích hợp là Growmore (20:20:20), tưới 7-10 ngày/lần giai đoạn cây trưởng thành; phun chế phẩm FJ 5-30-30, nồng độ 200ppm, tưới 1 lần/tuần giai đoạn cây chuẩn bị ra hoa và nuôi hoa, che sáng là 60-70%. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc loài Lan Hài đốm tại vườn ươm.

Có thể khẳng định, đề tài có ý nghĩa thực tế cao trong phục vụ cho công tác bảo tồn, khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn gen Lan Hài bản địa của Việt Nam nói chung và tại VQG Cát Bà nói riêng. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu tiếp tục bổ sung một số nội dung sau để hiệu quả đạt tối ưu: công tác bảo vệ loài Lan Hài đốm; nâng cao khả năng nhân giống bằng hạt và thời gian để gom đủ mẫu...

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 2616
Tổng lượt truy cập: 2.867.828
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.