Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 05-03-2024

Nghiên cứu mô hình quản trị tài sản trí tuệ dựa trên thông tin sở hữu trí tuệ

Thông tin sở hữu trí tuệ (SHTT) là thông tin về tình trạng pháp lý của các đối tượng quyền SHTT, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng…, được lưu giữ và sắp xếp theo một cấu trúc nhất định để thuận tiện cho việc tiếp cận, tra cứu. Thông tin SHTT, cụ thể là thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN) thường được lưu giữ trong các cơ sở dữ liệu SHCN tại các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia và khu vực. Quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) dựa trên thông tin SHTT là hoạt động quản trị trong đó thông tin SHTT là đầu vào quan trọng của công tác quản trị TSTT và hỗ trợ toàn bộ quá trình đưa ra quyết định quản trị liên quan tới TSTT. Việc thực hiện các biện pháp kiểm soát từ khâu tạo dựng đến khâu xác lập quyền, bảo vệ quyền, thương mại hóa TSTT đều cần phải dựa trên thông tin SHTT và sử dụng các công cụ khai thác thông tin SHTT. Quản trị TSTT là một quá trình đòi hỏi phải dựa trên nhiều loại thông tin khác nhau, bao gồm thông tin về các yếu tố nội tại và ngoại cảnh của doanh nghiệp, trong đó thông tin SHTT chỉ là một loại thông tin cần được sử dụng trong quá trình này để đưa ra các đánh giá, nhận định liên quan tới TSTT.

Ở Việt Nam, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào liên quan trực tiếp tới chủ đề mô hình quản trị TSTT dựa trên thông tin SHTT. Trước đây, có một số nghiên cứu liên quan tới chiến lược quản trị TSTT, tuy nhiên những nghiên cứu này chỉ nhằm mục tiêu đề xuất việc xây dựng chiến lược quản trị TSTT cho doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng quy trình kiểm soát giá trị và rủi ro của TSTT (IP Audit), mà chưa đề cập đến việc để xuất mô hình quản trị TSTT dựa trên thông tin SHTT. Do đó, nhằm làm rõ vai trò, tầm quan trọng của quản trị TSTT dựa trên thông tin sở hữu trí tuệ (SHTT) của doanh nghiệp; lợi ích đem lại cho doanh nghiệp từ việc ứng dụng mô hình quản trị TSTT dựa trên thông tin SHTT và đề xuất mô hình áp dụng thí điểm cho 3 doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực: sở hữu công nghiệp (SHCN), bản quyền tác giả (BQTG) và giống cây trồng (GCT), ThS. Bùi Tiến Quyết cùng cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu mô hình quản trị tài sản trí tuệ dựa trên thông tin sở hữu trí tuệ”.

Trong phạm vi nghiên cứu của Đề tài này, việc quản trị TSTT dựa trên thông tin SHTT chỉ xem xét tới khía cạnh sử dụng thông tin SHTT để phục vụ công tác quản trị TSTT và liên quan tới TSTT của doanh nghiệp mà không phải là các loại thông tin nói chung như trên cũng như công tác quản trị doanh nghiệp nói chung.

Mô hình quản trị TSTT được nghiên cứu và đề xuất trong Đề tài là mô hình sử dụng các thông tin SHTT thu được và áp dụng giải pháp công nghệ để quản trị TSTT phục vụ hoạt động nghiên cứu, tạo dựng, xác lập quyền, bảo vệ, thương mại hóa TSTT của doanh nghiệp.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:

Quản trị TSTT dựa trên thông tin SHTT là hoạt động quản trị trong đó thông tin SHTT là đầu vào quan trọng của công tác quản trị TSTT và hỗ trợ toàn bộ quá trình đưa ra quyết định quản trị liên quan tới TSTT; việc thực hiện các biện pháp kiểm soát từ khâu tạo dựng đến khâu xác lập quyền, bảo vệ quyền, thương mại hóa TSTT đều cần phải dựa trên thông tin SHTT và sử dụng các công cụ khai thác thông tin SHTT. Mô hình quản trị TSTT dựa trên thông tin SHTT là mô hình quản trị tổng thể được thực hiện ở phạm vi toàn bộ tổ chức/doanh nghiệp và đối với tất cả các loại TSTT mà tổ chức/doanh nghiệp tạo ra và/hoặc sở hữu và sử dụng, bao gồm các nội dung chính sau đây:

- Ghi chép nhật ký tạo dựng TSTT, nhận dạng và kiểm kê TSTT;

- Lập bản đồ, thẩm tra TSTT, trong đó xác định các đặc điểm/dữ liệu trạng thái của từng TSTT, bao gồm tình trạng pháp lý, tình trạng sử dụng, tình trạng tranh chấp, xâm phạm liên quan tới TSTT;

- Hỗ trợ tra cứu, phân tích, báo cáo, theo dõi các thời hạn cần đảm bảo liên quan tới mỗi TSTT. Các nội dung nói trên của Mô hình được thể hiện dưới dạng bộ công cụ, được thực hiện với thông tin đầu vào là thông tin SHTT và đầu ra là các phân tích, đánh giá phục vụ hoạt động sáng tạo TSTT, xác lập quyền SHTT, thương mại hóa TSTT và bảo vệ TSTT.

Trong Mô hình nói trên, nhằm phục vụ mục tiêu quản trị, mỗi TSTT đều gắn với một tập hợp thông tin nhất định và thống nhất. Các thông tin về TSTT được ghi nhận trong Mô hình sẽ gồm có:

(i) Tên gọi tài sản trí tuệ;

(ii) Mã hiệu nhận dạng;

(iii) Tóm tắt nội dung/bản chất của TSTT;

(iv) Dạng thể hiện, dạng định hình;

(v) Địa chỉ lưu trú;

(vii) Người kiểm soát;

(viii) Tình trạng bảo hộ quyền SHTT;

(ix) Tình trạng sử dụng;

(x) Tình trạng tranh chấp, xâm phạm.

Kết quả áp dụng thí điểm mô hình quản trị TSTT dựa trên thông tin SHTT đã được thực hiện tại 3 tổ chức và liên quan tới 3 lĩnh vực SHCN, BQTG và GCT với sự trợ giúp của phần mềm IPManager do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ xây dựng, cho thấy thông tin SHTT và việc sử dụng thông tin SHTT phục vụ hoạt động quán trị TSTT của các tổ chức/doanh nghiệp thực sự là những công cụ hữu hiệu và không thể thiếu trong triển khai công tác quản trị tổ chức, doanh nghiệp.

Thông tin SHTT với vai trò nguồn lực đầu vào phục vụ cho việc phân tích, đánh giá để thực hiện tất cả các biện pháp kiểm soát đối với TSTT. Do đó, việc khai thác thông tin SHTT không chỉ là công việc đầu tiên cần thực hiện trong quy trình quản trị TSTT, mà còn là công việc cần được thực hiện xuyên suốt, liên tục trong tất cả các hoạt động là đối tượng của quản trị TSTT, như tạo lập các TSTT, xác lập các quyền SHTT, sử dụng quyền SHTT, bảo vệ TSTT, giúp cho việc triển khai quản trị TSTT và quản trị tổ chức, doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao nhất. Với ý nghĩa đó, công cụ IPManager cần được triển khai áp dụng phổ biến hơn trong các tổ chức, doanh nghiệp cũng như các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ quản trị TSTT trong thời gian tới.

Kết quả nghiên cứu cũng góp phần giúp nâng cao nhận thức của các cơ quan quan lý nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp về sự cần thiết của việc quản trị TSTT và ứng dụng mô hình quản trị TSTT dựa trên thông tin SHTT thông qua công cụ IPManager nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, hoạt động nghiên cứu phát triển TSTT, bảo hộ và thương mại hóa TSTT.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19531/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 2804
Tổng lượt truy cập: 2.857.993
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.