Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Phổ biến pháp luật

Ngày đăng: 10-07-2023

Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế: Nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ

Ngày 05/07/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 (Nghị quyết 93). Nghị quyết đã điểm lại một số kết quả đạt được của Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (Nghị quyết 49). Để phù hợp với tình hình mới, Nghị quyết 93 đã đề ra một số mục tiêu, giải pháp và phân công nhiệm vụ cho các bộ/ngành, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Một số kết quả nổi bật của việc thực hiện Nghị quyết 49

Kết quả thực hiện Nghị quyết 49 cho thấy, từ các bộ, ngành trung ương tới chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đều đã có sự cố gắng và nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết, góp phần đưa công tác hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được triển khai bài bản, có hiệu quả; đóng góp tích cực vào việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; thu hút nguồn lực to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong khi vẫn bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, đặc biệt là an ninh kinh tế, đấu tranh làm thất bại âm mưu ý đồ, hoạt động lợi dụng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam để can thiệp nội bộ, tác động chuyển hóa ta về chính trị.

Nghị quyết 93 nêu rõ, thông qua việc triển khai Nghị quyết số 49/NQ-CP, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Nhận thức trong cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành trung ương tới chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về các mặt liên quan quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từng bước được nâng cao. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Việt Nam đã hình thành được mạng lưới đối tác kinh tế quốc tế rộng lớn thông qua các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực và đa phương. Chúng ta hiện đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ, ký 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 đối tác, đã có 71 đối tác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Các thành tựu đạt được trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, nổi bật là kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội được chăm lo, đảm bảo hơn.

Bên cạnh những thành quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP cũng cho thấy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế còn một số tồn tại, hạn chế căn bản là: trong tổ chức hoàn thiện pháp luật, việc nhận thức về ý nghĩa, vai trò tầm quan trọng, thời cơ cũng như thách thức, đặc biệt là ở cấp địa phương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hiểu biết đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam để nội luật hóa thành các quy phạm pháp luật trong nước theo hướng linh hoạt, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích tối đa của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công dân Việt Nam còn chưa thực sự tốt. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của nước ta mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với thế giới, kể cả các nước trong khu vực. Hiệu quả tận dụng cơ hội, lợi ích từ các cam kết quốc tế trong một số lĩnh vực như khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo… còn hạn chế. Hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân vẫn còn những hạn chế nhất định. Hội nhập kinh tế quốc tế chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững của nền kinh tế…

Chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả

Nghị quyết 93 đưa ra mục tiêu: Thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh nước ta đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó trọng tâm là: xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhanh chóng phục hồi kinh tế vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển, tăng cường sự gắn kết lợi ích với các đối tác và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia.

Nghị quyết 93 nêu rõ, chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được thành kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; nâng cao khả năng hấp thụ khoa học, công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, hiện đại, hội nhập hơn. Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới. Tăng cường hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có hỗ trợ của các cơ chế đa phương, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp... trong quá trình thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt các cam kết trong các FTA. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài; tăng cường khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt hiệu quả trước các diễn biến trên thế giới có thể gây ra/đe dọa ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành kinh tế; hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế…

Giải pháp và nhiệm vụ của Bộ KH&CN

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Nghị quyết 93 đã đề ra 5 giải pháp cụ thể: a) Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế; b) Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; c) Thực thi hiệu quả các FTA; d) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 và phát triển bền vững; đ) Hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng. Liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 93 yêu cầu: 1) Tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu các xu thế phát triển, các sáng kiến mới, chính sách và kinh nghiệm của các quốc gia trong quá trình hội nhập, đặc biệt là các quốc gia đang thực thi hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế; 2) Mở rộng và dần đi vào chiều sâu các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng; khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, nghiên cứu liên ngành, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ trong nước... để phục vụ có hiệu quả hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghị quyết 93 cũng đã phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ KH&CN. Đối với Bộ KH&CN, Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ:

Một là, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế và tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam.

Ba là, xây dựng và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Bốn là, triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về tăng cường hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phục vụ công tác hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể: (i) Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế đến 2025, định hướng đến 2030" (Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ); (ii) Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” (Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ); (iii) Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Năm là, tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực thi các cam kết về hàng rào kỹ thuật trong thương mại trong khuôn khổ WTO, CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP và các FTA mà Việt Nam tham gia. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Xem chi tiết Nghị quyết số 93/NQ-CP tại đây

 

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 43
Tổng lượt truy cập: 2.852.290
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.