Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 15-04-2024

Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Trà Bồng cho các sản phẩm quế của hai huyện Trà Bồng và Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi

Vùng quế Trà Bồng là một trong 4 vùng quế chính của nước ta, trước đây còn được gọi chung là “Quế Giao Chỉ”; trong thời phong kiến quế Trà Bồng nổi tiếng với tên gọi là “Quế Quảng” và là sản vật quý giá, có giá trị như ngà voi, chim công... sử dụng để làm quà ngoại giao, biếu tặng trong và ngoài nước. Với đa số hộ nông dân là dân tộc thiểu số cụ thể là người Kor ở huyện Trà Bồng trong những năm qua, việc sản xuất cây quế tuy đã thành vùng tập trung nhưng vẫn tự phát là chính, vẫn trồng quảng canh theo tập quán canh tác cũ, trông chờ vào sự may rủi của thời tiết. Trong nền sản xuất hàng hoá hiện nay, cây quế Trà Bồng đã có những nhược điểm cơ bản như: bị bệnh nhiều, mẫu mã vỏ không đẹp, nên khó có được chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới. Chính vì vậy, để phục hồi, đồng thời giữ vững và phát triển mạnh thương hiệu quế Trà Bồng của tỉnh Quảng Ngãi trên thị trường trong và ngoài nước thì việc xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Trà Bồng”, tạo “Thương hiệu” đủ mạnh cho sản phẩm quế Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi là một trong những biện pháp khả thi trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Để khẳng định chất lượng của quế Trà Bồng, tạo điều kiện cho các sản phẩm quế Trà Bồng ngày càng đi vào tâm thức của người sử dụng, nâng cao giá trị thương phẩm tương xứng với chất lượng vượt trội và danh tiếng lâu đời của quế Trà Bồng thì việc bảo tồn nguồn giống gốc, xây dựng và giới thiệu “Thương hiệu” cho quế Trà Bồng cũng là việc làm thiết thực nhằm bảo vệ nền văn hóa giàu bản sắc truyền thống, cũng như phong tục tập quán và tài sản trí tuệ của cộng đồng các dân tộc huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi. Từ thực tế trên, ThS. Nguyễn Văn Thành và các cộng sự tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện đề tài: “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Trà Bồng cho các sản phẩm quế của hai huyện Trà Bồng và Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi” từ năm 2019 đến năm 2020.

Mục tiêu của đề tài nhằm xác định được căn cứ thực tiễn, khoa học về điều kiện tự nhiên, con người quyết định đến tính đặc thù của sản phẩm quế Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi; xây dựng được hồ sơ đăng ký Chỉ dẫn địa lý Trà Bồng cho các sản phẩm quế của hai huyện Trà Bồng và Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận; xây dựng được các công cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý CDĐL sau khi được bảo hộ; và xây dựng được mô hình thí điểm để quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm quế Trà Bồng của tỉnh Quảng Ngãi.

Đề tài đã thu được các kết quả nổi bật như sau:

1. Đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu khoa học và thực tiễn làm căn cứ để đăng ký CDĐL “Trà Bồng” cho sản phẩm quế.

2. Đã xác định được nét đặc thù về phong tục, tập quán canh tác của con người vùng trồng quế Trà Bồng. Cây quế Trà Bồng sinh trưởng, phát triển, tồn tại lâu đời trên vùng đất đai huyện Trà Bồng - tỉnh Quảng Ngãi và được bàn tay chăm sóc, bảo quản, chế biến của đồng bào dân tộc người Kor và cư dân địa phương nơi đây. Những tập quán trồng, chăm sóc, bảo quản, chế biến quế Trà Bồng ở đây mang một nét riêng và chính điều này đã mang lại một nét đặc thù của vùng.

3. Đã xác định được danh tiếng quế Trà Bồng là một trong bốn vùng quế lớn, nổi tiếng nhất Việt Nam, đã được lưu truyền từ khá lâu thông qua các tài liệu lịch sử cũng như các dấu ấn mang đậm truyền thống. Ngày nay danh tiếng ấy tiếp tục được duy trì và phát triển thông qua việc biết đến rộng rãi và lựa chọn sản phẩm quế Trà Bồng của giới kinh doanh và tiêu dùng trong và ngoài nước.

4. Đã xác định vùng đặc thù và xây dựng Bản đồ phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý Trà Bồng cho các sản phẩm quế của hai huyện Trà Bồng và Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi. Để đảm bảo chất lượng đáp ứng được các yêu cầu đặc thù về chất lượng của sản phẩm, trong tổng diện tích điều tra vùng trồng quế Trà Bồng là 37.240,05 ha, diện tích đề xuất đưa vào chỉ dẫn địa lý là 30.017,74 ha.

5. Đã hoàn thiện bộ hồ sơ, đơn yêu cầu đăng ký chỉ dẫn địa lý Trà Bồng cho các sản phẩm quế của hai huyện Trà Bồng và Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi. Sản phẩm quế Trà Bồng đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ CDĐL theo Quyết định số 4525/QĐ-SHTT ngày 23/11/2020 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ kèm theo Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý số 00094 do Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp.

6. Đã xây dựng Hệ thống nhận diện thương hiệu CDĐL “Trà Bồng” cho sản phẩm quế Trà Bồng với đầy đủ các yếu tố cần thiết, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và tính chất pháp lý. Biểu tượng CDĐL với các hình ảnh cách điệu, màu sắc, từ ngữ thể hiện một cách sinh động và dễ nhận biết nhất hình ảnh sản phẩm quế Trà Bồng - tỉnh Kon Tum, không thuộc các trường hợp loại trừ theo quy định tại Điều 80 - Luật Sở hữu trí tuệ, đáp ứng yêu cầu nội dung Đơn đăng ký CDĐL.

7. Đã xây dựng được trang thông tin quảng bá cho quế Trà Bồng với tên gọi: http://quetrabong.com.vn và xây dựng được phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc quế Trà Bồng.

8. Đã xây dựng công cụ quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý và khai thác thương mại hóa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” với các sản phẩm: (1) Quy chế quản lý nội bộ (bao gồm 4 Chương và 16 Điều); (2) Hệ thống sổ sách ghi và theo dõi thông tin; (3) Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” cho sản phẩm quế; (4) Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm quế mang CDĐL và các công cụ nhận biết chất lượng sản phẩm.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19641/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 928
Tổng lượt truy cập: 2.846.982
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.