Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 13-04-2023

Xây dựng Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh

Nghề trồng và chế biến cây dược liệu vốn tồn tại trên địa bàn huyện Cam Lộ từ nhiều đời nay nhưng số lượng lẫn quy mô cây trồng còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, ở Cam Lộ, cây dược liệu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực và ngành nghề chế biến cây dược liệu từng bước hình thành, phát triển. Nhiều đơn vị đã đến tại địa phương để xây dựng nhà máy, đồng hành với nông dân trồng và chế biến cây dược liệu. Đây là điều kiện quan trọng để đưa huyện Cam Lộ từng bước trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh.

Phát triển diện tích cây dược liệu ở Cam Lộ - Ảnh: T.P

Huyện Cam Lộ có những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước để phát triển tốt các loại cây trồng nông, lâm nghiệp, đặc biệt là các loại cây dược liệu.

Từ năm 2020 đến nay, huyện đã chuyển đổi gần 169 ha đất lâm nghiệp và 45 ha đất bạc màu sang trồng các loại cây dược liệu, nâng diện tích cây dược liệu trên toàn huyện lên hơn 279 ha. Trong số đó có một số loại cây tiềm năng và có giá trị kinh tế cao như: cà gai leo, quế, tràm năm gân.

Đối với cây an xoa, toàn huyện trồng được trên 16,5 ha, năng suất bình quân đạt từ 15 - 17 tấn/ha/năm, có nơi trên 20 tấn/ha. Với mỗi héc ta cây an xoa, nông dân thu về từ 180 - 200 triệu đồng/năm, cao hơn hàng chục lần so với trồng các cây lâm nghiệp như trước đây, góp phần nâng cao đời sống của người trồng cây dược liệu trên địa bàn.

Ngoài ra, nhờ tích cực kêu gọi nhiều nhà đầu tư và tổ chức tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các loại sản phẩm nông nghiệp, nhất là các loại cây dược liệu có thế mạnh trên địa bàn huyện mà chỉ trong vòng 2 năm 2021 - 2022, huyện đã xuất khẩu 3 lô cao dược liệu sang Mỹ, Canada với tổng giá trị hơn 4,5 tỉ đồng.

Đây là cơ sở để tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu tập trung có chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế của huyện Cam Lộ nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì việc phát triển cây dược liệu tại huyện vẫn còn gặp một số hạn chế như: kỹ thuật canh tác và quản lý chất lượng trong sản xuất cây dược liệu chưa được chặt chẽ.

Bên cạnh đó, mặc dù giá trị thu nhập từ trồng cây dược liệu cao nhưng do cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu cao, thị trường đầu ra chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp đầu tư thu mua nên người dân chưa yên tâm sản xuất. Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng còn thiếu, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung áp dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả cho người sản xuất. Việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn gặp khó khăn...

Để từng bước xây dựng huyện Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh theo Kết luận số 77-TB/TU ngày 15/4/2021 của Thường trực Tỉnh ủy, vừa qua, huyện đã xây dựng dự án “Phát triển mở rộng các loại cây dược liệu có hiệu quả phục vụ chế biến xuất khẩu năm 2023” với nguồn kinh phí thực hiện dự kiến hơn 27,5 tỉ đồng.

Theo đó, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp trồng 267 ha quế, 11 ha tràm năm gân, 15 ha cây đàn hương. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, UBND huyện Cam Lộ đề xuất UBND tỉnh và các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT xem xét hỗ trợ hơn 4,1 tỉ đồng, còn lại hơn 23 tỉ đồng do người dân đóng góp. Đồng thời, huyện cũng xác định các giải pháp cụ thể như sau:

Một là, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả về cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, Kết luận số 154- KL/HU ngày 28/7/2021 của Huyện ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 15/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XV); điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2021-2025; phát triển mạnh vùng dược liệu bằng việc nâng cao chất lượng các loại cây dược liệu hiện có, trồng mới một số loại cây theo hướng hữu cơ và xuất khẩu nhằm đưa Cam Lộ đến năm 2025 trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh.

Dự kiến từ nay đến năm 2025, huyện Cam Lộ quy hoạch vùng chuyên canh cây dược liệu diện tích 500 ha, gồm: 100 ha cây chè vằng; 200 ha cây an xoa, 50 ha cây cà gai leo, 100 ha cây tràm năm gân Nhật Bản và 50 ha các cây dược liệu khác như gừng, kiệu...

Hai là, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với công tác phát triển dược liệu, như: hỗ trợ đầu tư về tín dụng, vay vốn, cơ sở vật chất, hỗ trợ giống và kỹ thuật, công nghệ… cho người sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến cây dược liệu. Khuyến khích các hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, chuyên canh thuận lợi cho áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong vùng quy hoạch.

Có chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến cây dược liệu trên địa bàn huyện. Sản xuất cây dược liệu yêu cầu vốn đầu tư tương đối lớn, đặc biệt đối với những cây dược liệu dài ngày so với các cây trồng khác. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để các hộ trồng cây dược liệu có điều kiện phát triển sản xuất.

Ba là, quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật. Huyện sẽ tập trung nghiên cứu chọn tạo, yêu cầu bảo hộ các giống cây dược liệu; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về canh tác, khảo nghiệm, chứng nhận chất lượng đối với cây dược liệu.

Tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản dược liệu cho các hộ dân trực tiếp gieo trồng cây dược liệu, cũng như sản xuất các sản phẩm dược liệu nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác trồng cây dược liệu an toàn, đúng quy trình; hướng dẫn các cách thực hành, lựa chọn sản phẩm an toàn.

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất giống, thâm canh trồng thuần, hữu cơ, công nghệ cao, có mã vùng và các chứng nhận hữu cơ, VietGAP. Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại để chế biến, bảo quản sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ngoài ra, tổ chức sản xuất, tạo liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến dược liệu với người dân, chính quyền địa phương xây dựng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu các loài cây dược liệu theo quy hoạch, đặc biệt đối với những loại dược liệu đang có nhu cầu lớn phù hợp với điều kiện sinh thái và địa lý của địa phương.

Để liên kết, phát triển dược liệu bền vững, cần thực hiện tốt mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Quá trình đưa Cam Lộ từng bước trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh rất cần có sự đồng thuận, chung tay hỗ trợ và nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành và Nhân dân địa phương.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 4845
Tổng lượt truy cập: 2.823.602
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.