Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 12-12-2023

Thúc đẩy phát triển một số sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh

Để hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường. Huyện Vĩnh Linh tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm hướng đến một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh cao và bền vững.

Đã từ lâu, lúa gạo được huyện Vĩnh Linh xác định là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế đặc trưng, cần tập trung đầu tư phát triển. Theo số liệu thống kê, đến năm 2023, diện tích canh tác lúa 2 vụ toàn huyện đạt gần 7.000 ha, năng suất đạt 56,6 tạ/ha, tăng 6,2 tạ/ha so với năm 2022. Để nâng cao hiệu quả, giá trị cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm lúa gạo, nhiều giải pháp được huyện Vĩnh Linh triển khai thực hiện. Trong đó, cùng với việc hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, quá trình sản xuất, huyện chú trọng đến việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Hiện nay, toàn huyện có 312 ha thực hiện sản xuất lúa liên kết và 223 ha sản xuất theo hướng hữu cơ với Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh, CTCP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị. Theo đánh giá, hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ cho lợi nhuận cao hơn so với sản xuất truyền thống 3 - 4 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch được thu mua ngay tại chân ruộng nên người nông dân rất phấn khởi.

Đặc biệt, từ tháng 10/2023, huyện thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Lúa hữu cơ Vĩnh Linh với sự tham gia của 881 thành viên thuộc 4 hợp tác xã, gồm: Đức Xá, Thủy Ba Đông (Vĩnh Thủy); Thượng Hòa (Vĩnh Long); Đặng Xá (Vĩnh Lâm). Nhiệm vụ của Liên hiệp HTX là sản xuất giống lúa hữu cơ, lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, các sản phẩm hàng hóa từ lúa hữu cơ; chế biến và cung cấp dịch vụ sinh học về phát triển sản phẩm hữu cơ; chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong chế phẩm sinh học. Qua đó phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng, nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo trên thị trường.

Trên lĩnh vực trồng trọt, cây ăn quả cũng được xác định là hướng đi thế mạnh. Để phát huy tiềm năng đất đai và nhu cầu của thị trường, nhiều xã, thị trấn đang mở rộng diện tích cây ăn quả thay thế cho các cây trồng truyền thống. Hiện đã quy hoạch được vùng trồng cây ăn quả khoảng 300ha, tập trung chủ yếu ở các xã Trung Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Thủy và thị trấn Bến Quan. Các loại cây được đưa vào sản xuất là giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng Thái Lan, Mít Thái, Bơ 034, Bưởi da xanh, Thanh Long ruột đỏ….

Đặc biệt, chú trọng khuyến khích người dân canh tác theo các mô hình sạch, chuẩn VietGap nhằm nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cây ăn quả. Hiện có 12ha bưởi da xanh, Thanh long ruột đỏ ở xã Vĩnh Thủy; 5ha dưa hấu ở xã Vĩnh Tú; 0,5ha dưa lưới hữu cơ ở xã Kim Thạch được chứng nhận VietGap. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với diện tích 500 ha. Trong đó, vùng phía Tây huyện 300 ha; phía Đông huyện 200 ha với mục tiêu vừa cung cấp cho nhà máy và xuất khẩu.

Trong chăn nuôi, huyện xác định tôm nuôi chính là sản phẩm có lợi thế. Đối tượng nuôi chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh trên diện tích 315ha; sản lượng nuôi ước đạt 2.200 tấn/năm. Tuy nhiên nuôi tôm cũng dễ gặp nhiều rủi ro do yếu tố về môi trường, dịch bệnh. Vì vậy, những năm gần đây, huyện đã tạo cơ chế, chính sách và khuyến khích người dân phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm theo quy trình 2 - 3 giai đoạn.

Theo đánh giá các mô hình nuôi này đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp giảm chi phí đầu tư từ 15- 20%, hạn chế được rủi ro dịch bệnh trong giai đoạn đầu. Trong năm 2023, phát triển thêm được một mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Vĩnh Giang với diện tích 1,2ha; kinh phí thực hiện trên 3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết 126 là 500 triệu đồng; số còn lại là nguồn đối ứng của hộ gia đình. Như vậy, đến nay, trên địa bàn huyện có 24 mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích đạt 26ha.

Cùng với tôm nuôi, huyện Vĩnh Linh chú trọng đến chương trình “cải tạo đàn bò”, vì đây cũng được xem là một loại con nuôi có lợi thế. Theo thống kê, tổng đàn bò trên địa bàn huyện có 8.537 con. Trong đó, tỷ lệ bò lai Zebu chiếm 93,2%. Thông qua chương trình cải tạo đàn bò, hàng năm phối được hơn 3000 bò cái có chửa. Giống bò này có đặc điểm phát triển nhanh, trọng lượng lớn, hiệu quả mang lại cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với bò vàng địa phương. Theo tính toán với số lượng bê lai được ra đời khoảng 2.500/năm, mang lại nguồn thu nhập nho người dân khoảng 45 tỷ đồng.

Một sản phẩm nữa được huyện Vĩnh Linh xác định có lợi thế cạnh tranh là trồng rừng gỗ lớn. Để đảm bảo chất lượng rừng trồng, huyện chú trọng ngay từ khâu lựa chọn nguồn giống. Trên địa bàn đã triển khai mô hình chuyển hóa rừng Keo lai từ gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn với quy mô 24 ha tại thôn Minh Phước xã Vĩnh Sơn và thôn Thủy Ba Hạ xã Vĩnh Thủy. Ngoài ra, trong năm 2023, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình Khuyến nông Quốc gia, huyện Vĩnh Linh được đầu tư Dự án “Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống keo lai nuôi cấy mô” tại xã Vĩnh Hà. Mô hình giúp đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Cũng trong năm 2023, thực hiện Nghị quyết số 126 của HĐND tỉnh Quảng Trị về chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, huyện đã đầu tư xây dựng mô hình trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao trên diện tích 25 ha. Thống kê, toàn huyện có hơn 9 ngàn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Theo đánh giá, rừng được trồng theo chứng chỉ FSC có chất lượng gỗ rất tốt, sản phẩm gỗ tăng từ 15 đến 20 lần, doanh thu bình quân đạt 300 đến 350 triệu đồng/ha. Thời gian tới, huyện Vĩnh Linh đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng diện tích rừng trồng chất lượng cao, được cấp chứng chỉ. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng, tăng tỷ trọng gỗ gia dụng; góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài ra, đối với sản phẩm chủ lực truyền thống như tiêu, cao su, huyện đặt mục tiêu duy trì diện tích hiện có với 6.500ha cao su, 1.300ha hồ tiêu. Lĩnh vực chăn nuôi, phát triển đàn lợn 67.000 con, đàn gia cầm trên 1 triệu con.... với hướng đi khuyến khích đầu tư chăn nuôi trang trại có hệ thống xử lý môi trường theo quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, chăn nuôi quy mô lớn gắn với bao tiêu sản phẩm.

Theo hoạch định, từ nay đến năm 2030, địa phương chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản. Ðổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Cùng với đó, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hoá đồng bộ, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Ðẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao thân thiện với môi trường và hệ thống quản lý chất lượng hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản... Qua đó hình thành tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững.

https://vinhlinh.quangtri.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 11
Hôm nay: 1988
Tổng lượt truy cập: 2.904.103
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.