Nhân rộng các mô hình kinh tế đem lại thu nhập khá ở Triệu Long
Những năm qua, Hội Nông dân xã Triệu Long, huyện Triệu Phong tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ vậy, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
Mô hình trồng cau xen cây gấc của gia đình ông Đào Xá mang lại thu nhập ổn định -Ảnh: N.T
Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thị trường, ông Đào Xá ở thôn Bích Khê quyết định chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả của gia đình sang trồng 300 gốc cây cau, phía dưới những hàng cau ông trồng xen 4 giàn gấc với tổng diện tích 400 m2 .
Đây là vườn mẫu đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. ông Xá cho biết: “Trước đây, ở các vùng nông thôn trồng cau chủ yếu làm cảnh quan đẹp cho vườn, nhà. Nhận thấy thị trường tiêu thụ quả cau khá nhiều nên tôi quyết định nhân rộng loại cây này. Cây cau rất dễ trồng và chăm sóc, không tốn chi phí, vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua, không phải tốn công vận chuyển đi bán mà thu nhập khá cao.
Ngoài ra, nhận thấy cây gấc cũng phù hợp với chất đất ở đây, gia đình tôi trồng thử nghiệm 1 giàn. Cây gấc cũng cho thu hoạch ổn định, tiêu thụ dễ dàng, ít sâu bệnh, chăm sóc đơn giản nên gia đình tôi nhân rộng. Bình quân mỗi năm, mô hình cau, gấc mang lại thu nhập cho gia đình tôi trên 140 triệu đồng.Đây là số tiền không nhỏ đối với những gia đình sống ở vùng đất thấp trũng Triệu Long”.
Chưa hài lòng với những loại cây trồng, vật nuôi của gia đình trong nhiều năm sản xuất, chăn nuôi vì thu nhập quá thấp, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thông tin qua nhiều kênh, năm 2018, ông Lê Mậu Quang ở thôn Bích Lộc Triêu quyết định chuyển đổi 10 sào đất kém hiệu quả sang trồng ổi lê Đài Loan. Qua một thời gian ngắn, cây ổi rất thích nghi với vùng đất thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt như Triệu Long nên phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao.
Bình quân mỗi năm, từ vườn ổi này đã mang về cho gia đình ông Quang nguồn thu nhập 150 triệu đồng. Ông Quang chia sẻ: “Với vùng thấp trũng như xã Triệu Long, tìm được cây trồng phù hợp và mang lại hiệu quả rất khó khăn. Qua nhiều năm gia đình tôi trồng rất nhiều loại cây khác nhau như: hoa màu, cam, sắn và ổi địa phương nhưng hiệu quả đem lại không cao. Sau khi chuyển sang trồng cây ổi lê Đài Loan thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây khác. Vì vậy, chúng tôi tập trung chăm sóc, quyết tâm duy trì mô hình kinh tế này”.
Xã Triệu Long có tổng diện tích tự nhiên trên 900 ha, dân số trên 7.450 người. Qua thực tế xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, đến nay Triệu Long từng bước cơ cấu các loại cây trồng và con nuôi chủ lực phù hợp với vùng thấp trũng nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn xã có 4 cánh đồng lớn với tổng diện tích 110 ha, hàng chục mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao cho nông dân như: kinh tế trang trại, gia trại VAC, kinh doanh dịch vụ chăn nuôi, nuôi bò nhốt vỗ béo, bò sinh sản, dê, gà, thỏ; chuyển đổi diện tích lúa vùng ngập úng sang các mô hình vịt - cá, sen - cá, lúa - cá; cải tạo vườn tạp để thực hiện mô hình trồng cau, ổi...
Riêng đối với mô hình trồng ổi, Hội Nông dân xã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân nguồn vốn vay lãi suất thấp, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đến nay, toàn xã phát triển được khoảng 20 mô hình trồng ổi có quy mô, trung bình mỗi mô hình cho thu nhập từ 80-120 triệu đồng/ năm.
Đã phát triển được 6 mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt vỗ béo với thu nhập trung bình 150 triệu đồng/mô hình/năm. Ngoài ra, phát huy tiềm năng, lợi thế về mặt nước, nông dân Triệu Long phát triển nuôi cá hồ. Hiện nay, toàn xã có 30 hồ nuôi cá tự nhiên với các loại cá truyền thống như: rô phi đơn tính, trê, trắm, mè...
Cùng với phát triển chăn nuôi, Hội Nông dân xã vận động nông dân xây dựng hầm bioga, xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Khuyến khích xây dựng tổ hợp tác góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề dịch vụ trong nông thôn. Hằng năm, hội phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn cung cấp kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, dịch vụ cho nông dân.
Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế với lãi suất thấp, hội đứng ra tín chấp qua kênh các ngân hàng với tổng số tiền trên 30 tỉ đồng giúp nông dân có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhờ vậy, hằng năm xã có từ 80 - 90% hộ sản xuất giỏi các cấp. Từ đó tạo được việc làm mới, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Long Lưu Thị Thủy cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới chúng tôi tiếp tục vận động nông dân khai thác thế mạnh của địa phương, chuyển đổi những loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang những mô hình kinh tế mới phù hợp, cho năng suất, chất lượng cao hơn; nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn.
Phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Tín chấp với các ngân hàng để nông dân có nguồn vốn tìm hướng đi mới trong chăn nuôi và trồng trọt, giúp nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần cải thiện đời sống cho nông dân trên địa bàn xã”.
https://baoquangtri.vn/