Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin hoạt động Sở

Ngày đăng: 21-01-2025

Một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống từ năm 2020 đến nay

Sinh thời Hồ Chủ Tịch từng dạy “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng xuất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Học tập và làm theo Bác, thời gian qua ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã xây dựng và triển khai hiệu quả các đề tài, dự án, các chính sách KH&CN vào thực tiễn sản và đời sống. Các nhiệm vụ KH&CN được cơ cấu lại, ưu tiên đầu tư cho những nhiệm vụ gắn với việc phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực có tiềm năng, lợi thế và có tính đặc thù  của tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của sản phẩm, có địa chỉ ứng dụng cụ thể, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số vào các ngành, lĩnh vực. Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng công nghệ mới chế biến sâu các nông sản, cây dược liệu… đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phiên làm việc giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ trong thời gian tới. Ảnh: Hải Yến

 

1. Đối với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

 Nhiệm vụ cấp Quốc gia, cấp Viện:  Để tranh thủ nguồn lực từ Trung ương, thời gian qua Sở KH&CN đã hỗ trợ, đồng hành  cùng các tổ chức KH&CN và các doanh nghiệp ở địa phương xây dựng, đề xuất cấp kinh phí thực hiện 06 dự án khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (Thuộc Chương trình Nông thôn và Miền núi). Các dự án đã tập trung giải quyết các vấn đề của địa phương, người dân và doanh nghiệp gồm: (1) Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò: Đã ứng dụng 7 quy trình công nghệ tiên tiến và  xây dựng thành công 48 mô hình chăn nuôi bò thâm canh tại 8 xã thuộc 4 huyện chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Đặc biệt đã xây dựng được vùng giống bò phục vụ chăn nuôi và giúp người dân chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập. Kế thừa kết quả đạt được của dự án, từ năm 2022, Ban Dân tộc tiếp tục hỗ trợ cho 120 hộ dân vùng núi tiếp tục phát triển mô hình với quy mô 360 bò cái giống và 8 đực giống để xây dựng mô hình chuyển đổi sinh kế và nâng cao thu nhập cho bà con vùng núi; (2) Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu: Đã xây dựng được 75 hộ mô hình vùng cát ven biển và vùng núi giúp hình thành nghề sản xuất mới, tận dụng nhàn rỗi, chuyển đổi sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân; (3) Xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất lạc năng suất cao và sản xuất lạc an toàn theo Vietgap: Đã ứng dụng 05 quy trình công nghệ và xây dựng được 4 mô hình  về canh tác, chế biến lạc. Công ty đã vận hành sản xuất hiệu quả, giá trị gia tăng cao và đặc biệt đã xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng với hàng chục hộ dân vùng trồng lạc tham gia; (4) Chăn nuôi gà thịt trang trại tiêu chuẩn VIETGAHP theo chuỗi giá trị: Đã ứng dụng 04 quy trình công nghệ mới trong chăm sóc nuôi dưỡng gà sinh sản, gà thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP, giúp doanh nghiệp chăn nuôi hiệu quả, phát triển số lượng đàn lớn và là điểm sáng cho người dân xung quanh vùng dự án học hỏi, áp dụng; (5) Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa tại khu vực Bắc Hướng Hóa: Đã ứng dụng 07 quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa cao cấp. Dự án đã hình thành được sản phẩm mới, giá trị cao và khơi dây tiềm năng lợi thế khu vực Bắc Hướng Hóa được mệnh danh là “Đà Lạt 2”. (6) Xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo: Đã tổ chức sản xuất thành công sản phẩm cao cấp tại Quảng Trị, hoàn thành bộ tiêu chuẩn cơ sở, xây dựng nhãn hiệu “Đông trùng hạ thảo Sa Mù”, tổ chức thương mại thành công sản phẩm và đặc biệt là đã hỗ trợ cho 01 doanh nghiệp khởi nghiệp từ kết quả của dự án.

Đối với nhiệm vụ cấp Viện: Đang triển khai nhiệm vụ  “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Khe Sanh của tỉnh Quảng Trị” và đã hoàn thành nhiệm vụ  “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học đa chức năng nhằm cải tạo đất gò đồi và đất bạc màu tại tỉnh Quảng Trị với chế phẩm sinh học IMOs đã thử nghiệm sản xuất hiệu quả và sẽ triển khai ứng dụng trong thời gian tới”.

Nhiệm vụ cấp tỉnh,  cấp cơ sở:  Đã xây dựng và triển khai thực hiện 48 nhiệm vụ cấp tỉnh. Trong đó triển khai thực hiện 44 nhiệm vụ, 04 nhiệm vụ dừng thực hiện do không đáp ứng yêu cầu, 29 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở với các kết quả chính đạt được như sau:

  • Lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ

 Đã nghiên cứu, hoàn thiện, ứng dụng nhiều quy trình, công nghệ trong thu hoạch; Sơ chế, bảo quản và chế biến sâu một số loại nông sản, dược liệu từ đó hình thành rất nhiều sản phẩm nâng cao được giá trị cũng như hoàn thiện bộ nhận diện sản phẩm nhằm đẩy mạnh thương mại trên thị trường, nhất là thương mại điện tử.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông: Đẩy mạnh ứng dụng AI trong việc xây dựng phần mềm quản lý hành chính (Trung tâm phục vụ hành chính công), phần mềm quản lý các nhiệm vụ KHCN (Sở KH&CN) và một số chương trình quản lý khác (Phần mềm quản lý công tác cứu trợ, thiện nguyện)... Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong công tác quản lý và du lịch (Xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị)...

Công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng: Chú trọng phát triển năng lượng xanh, năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường... Qua đó đã góp phần tích cực thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Công nghệ cơ khí, tự động hóa đã chú trọng ứng dụng các loại máy móc, thiết bị cơ giới phục vụ một số khâu trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc,…

 Công nghệ 4.0 được đẩy mạnh ứng dụng trong các lĩnh vực: (1)  Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (công nghệ nhà lưới, nhà kính; công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp...); (2) Ứng dụng công nghệ blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc nhằm quản lý chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị sản phẩm hạt tiêu và hạt cà phê (Pun cofee); (3) Ứng dụng chuyển đổi số vào hệ thống quản lý canh tác thông minh, quản lý rừng, cây trồng vật nuôi; (4)  Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch thông minh và chuyển đổi số trong du lịch, giáo dục...

- Lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn phục vụ các ngành

Các đề tài/đề án  thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được triển khai trên nhiều lĩnh vực của đời sống văn hoá xã hội. Tập trung thực hiện theo đặt hàng của Các Ban Đảng, Tổ chức Chính trị, Chính trị xã hội và các Sở, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ xây dựng các luận cứ khoa học cho các Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ, làm cơ sở cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của tỉnh. Nghiên cứu xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh theo từng giai đoạn. Nghiên cứu thực trạng các vấn đề xã hội và kiến nghị một số chính sách cho một số ngành kinh tế - xã hội. Tiêu biểu 2 công trình lớn là bộ sách “Địa chí Quảng Trị” và Khai thác, phát triển di sản của chúa Nguyễn Hoàng.

  • Lĩnh vực khoa học trong nông nghiệp

Đã tập trung nghiên cứu khảo nghiệm nhiều loại giống mới nhằm chọn lọc các giống cây trồng, con nuôi có năng suất và chất lượng cao để đưa vào bộ giống chủ lực của tỉnh như: giống lúa, cà phê, cây dược liệu, cây ăn quả, các giống thủy sản và con nuôi đặc sản khác. Một số nhiệm vụ KH&CN đã triển khai nhiều mô hình nghiên cứu ứng dụng các quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả kinh tế. Kết hợp việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, liên kết trong sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và có giá trị kinh tế cao.

  • Lĩnh vực khoa học y - dược

Tập trung các đề tài/dự án nghiên cứu các giải pháp về ứng dụng chuyển giao các kỹ thuật và công nghệ, máy móc thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị và phòng chống dịch bệnh nguy hiểm lây lan trong cộng đồng; xây dựng mô hình và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản xuất trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu phục vụ chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

  • Lĩnh vực khoa học an ninh- quốc phòng

Chủ yếu triển khai các đề tài nghiên cứu những vấn đề liên quan đến An ninh - Quốc phòng có tính cấp thiết, nổi cộm. Đề xuất các phương án đấu tranh phòng chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nhất là các vùng đông dân cư, khu công nghiệp, vùng biên giới, vùng biển đảo.

Hội nghị đầu bờ đánh giá các giống sắn có triển vọng thuộc đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo nghiệm tính chống chịu bệnh khảm lá do virus và khả năng sinh trưởng, phát triển của một số giống sắn mới có triển vọng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Ảnh: Phan Việt Toàn

 

2. Đối với hoạt động Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng

Công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN  phục vụ  đo lường chất lượng ngày càng được chuyên môn hóa cao, áp dụng các máy móc hiện đại trong việc kiểm định, hiệu chuẩn… Đã hình thành được mạng lưới kiểm định, hiệu chuẩn về đo lường đáp ứng được yêu cầu của địa phươngCông tác quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bảo đảm các yêu cầu về an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng và công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đăng ký sử dụng mã số mã vạch và ghi nhãn hàng hóa... đã tạo điều kiện thuận lợi để thương mại hóa sản phẩm của các doanh nghiệp.

 

3. Đối với sở hữu trí tuệ

Thông qua các nhiệm vụ KH&CN và các chính sách, thời gian qua Sở KH&CN  đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trên địa bàn có nhiều đổi mới và đạt những kết quả quan trọng. Đặc biệt, trong 05 năm gần đây, số đơn Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận tăng 73,8% và số văn bằng cấp tăng 33,4 %. Công tác quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm sau bảo hộ được quan tâm thực hiện. Đặc biệt Sở KH&CN đã hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 65 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; Bảo hộ 2 chỉ dẫn địa lý (Tiêu Quảng Trị và Chè Vằng Quảng Trị) và chuẩn bị xác lập bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý cà phê Khe Sanh.

4. Đối với công nghệ sinh học

 (1) Công nghệ vi sinh vật: Tập trung sản xuất và không ngừng nâng cao chất lượng, giảm giá thành 6 loại sản phẩm đang phục vụ đề án 324; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và sản xuất các loại chế phẩm phục vụ cải tạo đất, cố định đạm, phân giải thuốc bảo vệ thực vật… Nghiên cứu, phân lập, tuyển chọn các loại VSV có lợi bản địa phục vụ công tác cải tạo đất, canh tác hữu cơ;  (2) Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật: Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, phát triển công nghệ để sản xuất, lưu giữ, bảo tồn các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu, loại loại hoa cao cấp, cây giống lâm nghiệp, cây chuối và một số cây trồng khác ở địa phương; (3) Công nghệ tế bào: Tập trung nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ chẩn đoán bệnh cây trồng, vật nuôi như bệnh tiêu, bệnh tôm, bệnh gia cầm và một số cây trồng, vật nuôi khác; (4) Công nghệ sinh học sinh khối: Tập trung nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất bằng phương pháp nhân sinh khối một số loại dược liệu, sản phẩm có giá trị kinh tế cao như nấm dược liệu, sâm Ngọc linh, tảo xoắn…(5) công nghệ y sinh: Tập trung phát triển y sinh học phục vụ công tác chẩn đoán và phòng trừ dịch bệnh; (6) Công nghệ giống vật nuôi: Tập trung phát triển giống vật nuôi bằng công nghệ thụ tinh nhân tạo, công nghệ cấy truyền phôi bò; (7) Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý, nước thải công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học  trong xử lý chất thải sinh hoạt và sản xuất. Chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý đất bị ô nhiễm, cải tạo những vùng đất bị thoái hóa, hoang hóa; (8) Ứng dụng rộng rãi CNSH vào sản xuất các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp; (9) Nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ chế biến thực phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa; (10) Ứng dụng CNSH để bảo tồn nguồn gen quý hiếm và đa dạng sinh học.

5. Đối với hoạt động Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo

Hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa hình thành được các khu nghiên cứu; khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; khu ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; khu làm việc chung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do tỉnh Quảng Trị là một địa phương còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí đầu tư cho sự nghiệp khoa học công nghệ còn thấp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ đã có những bước đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ hoạt động KNĐMST như: (1) Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa được xem là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh, đặt nền tảng cho việc xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai; (2) Bước đầu hình thành được “không gian nghiên cứu chung” với các máy móc thiết bị hiện đại được xem như là nơi ươm tạo công nghệ nhằm hỗ trợ hoàn thiện công nghệ có triển vọng ứng dụng thực tiễn và thương mại hoá từ ý tưởng công nghệ hoặc kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo; (3) Hình thành không gian làm việc chung tại Trung tâm và trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp; (4) Từng bước xây dựng hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh với sự tham gia đông đảo của các thành phần nhất là khối Doanh nghiệp; (5) Hàng năm tổ chức thành công sự kiện TechFest Quảng Trị và cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tại đây đã phát hiện nhiều dự án, ý tưởng hay, thiết thực từ đó hỗ trợ ươm tạo, hoàn thiện công nghệ, phát triển và thương mại sản phẩm. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về tài chính nên cơ sở vật chất còn chưa đầy đủ và không gian làm việc chung chỉ phục vụ được 1 đến 2 doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sử dụng.

6. Đối với Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa

(1) Đã nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm thành công và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất các đối tượng mới phù hợp với đặc thù của Vùng như các loại hoa cao cấp (Lyli, Tulip, Cát tường, Hồ điệp, Cẩm tú cầu, Hoa hồng, Hồng môn, Đồng tiền lùn và một số loại cây lá cảnh khác); cây dược liệu Ba kích, lan Kim tuyến, Thất diệp nhất chi hoa;  các loại rau, quả cao cấp (dâu Tây, cà chua Cherry); Sản xuất nấm dược liệu cao cấp (Đông trùng hạ thảo); Các loại hoa, cây lá cảnh; Một số loại cây ăn quả mới (Sầu riêng, Bơ 34, Ổi Thái Lan, Xoài Đài Loan ĐL4, Mít Thái Lan…). Đã nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện và làm chủ nhiều quy trình công nghệ sản xuất các đối tượng để ứng dụng và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân;  (2) Là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất: Hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại (07 hệ thống); ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; sử dụng máy móc trong chăm sóc, theo dõi cây trồng (máy kiểm tra pH, kiểm tra EC, kiểm tra ẩm độ, nhiệt độ, ánh sáng, nồng độ CO2); sử dụng hệ thống tưới tự động (toàn bộ ứng dụng công nghệ tưới tự động nhỏ giọt và tưới phun); bón phân qua hệ thống tưới; tự động tối đa trong sản xuất (sử dụng hệ thống sensor trong vận hành thiết bị)… Ứng dụng công nghệ 4.0 trong điều hành quản lý (IoT) như Camera internet để theo dõi, điều hành sản xuất; hệ thống cảm biến truyền dữ liệu tự động (PLC); hệ thống tự động quan trắc nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống vận hành nhà lưới, nhà kính tự động (đóng mở rèm che nắng tự động, bật tắt quạt và hệ thống làm mát tự động, hệ thống cung cấp ánh sáng tự động…) hoặc có thể điều khiển qua smart fone thông qua (IoT). Tất cả các dữ liệu, quy trình công nghệ sản xuất đều được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu của Trung tâm;  (3) Là mô hình sản xuất và thương mại sản phẩm an toàn theo chuỗi giá trị: Trung tâm cơ bản chủ động sản xuất từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng như sản xuất cây giống,  sử dụng chế phẩm vi sinh vât (do Trung tâm sản xuất) để tự sản xuất giá thể, phân hữu cơ và phòng trừ dịch bệnh; tự nuôi bò tại Trạm để lấy phân hữu cơ…chủ động  xây dựng cơ sở sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thiết kế, hoàn thiện bao bì, nhãn mác và xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc để thương mại sản phẩm;  (4) Là mô hình sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất (hệ thống điện năng lượng mặt trời), sử dụng nguyên liệu tại chỗ phục vụ sản xuất (phân chuồng, vỏ cà phê dùng làm giá thể), sử dụng lao động tại chỗ, người dân tộc thiểu số trong hoạt động KH&CN và là mô hình sử dụng ít lao động nhất nhờ tự động hóa (chỉ có 05 người kể cả bảo vệ cho cả 2 cơ sở của Trạm); (5) Google Map đã đưa vị trí của Trạm vào hệ thống bản đồ của mình để tra cứu (địa danh: Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa); UBND tỉnh đã đưa Trạm vào một điểm đến của Tour du lịch của tỉnh (địa danh: Vườn hoa công nghệ Sa Mù); người dân địa phương thì gọi Sa Mù với cái tên thân thương “Tiểu Đà Lạt” hay “Đà Lạt 2” ; Tạp chí Xanh EWEC gọi Sa Mù là “Mùa đông giữa mùa hè của miền nắng gió Quảng Trị” các Nhà báo gọi “Lung linh Sa Mù” hay “Hoa ôn đới mọc giữa miền nắng gió”.

7. Chính sách hỗ trợ nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ theo Nghị quyết số 163/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết 36/2024/NQ-HĐND tỉnh

Đã hỗ trợ được 36 dự án/mô hình SX mới, Đổi mới thiết bị công nghệ, máy móc và gần 180 nhãn hiệu chứng nhận, thương hiệu nhãn hiệu thông thường, đăng ký  TCCS, chỉ dẫn địa lý và một số nội dung về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.  Công tác hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng, chuyển giao các kết quả KH&CN đã có tác dụng thúc đẩy các hoạt động đổi mới công nghệ; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ công nghệ. Các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ đã tích cực hơn trong việc tìm kiếm công nghệ để xây dựng lộ trình đổi mới, cải tiến công nghệ hoặc thực hiện chuyển giao công nghệ. Các công nghệ mới được đưa vào sản xuất kinh doanh đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm bớt chi phí năng lượng và nguyên vật liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

8 . Kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 05/02/2021  của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Đến nay đã sản xuất và hỗ trợ cung ứng gần 88 tấn chế phẩm vi sinh vật các loại cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng vào sản xuất và bảo vệ môi trường gồm: (1) Gần 48 tấn chế phẩm Compo-QTMIC và Tricho-Pseu ứng dụng trong xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ, phòng trừ bệnh hại cây trồng; (2)  31 tấn chế phẩm Nitro-QTMIC và Perfect-QTMIC để ứng dụng trong xử lý đáy, môi trường nước ao nuôi tôm; bổ sung thức ăn trong nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú thâm canh nhằm hỗ trợ tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, cải thiện đường ruột cho tôm nuôi; (3) Hơn 9,5 tấn chế phẩm Pro-QTMIC và Bio-QTMIC để ứng dụng trong chăn nuôi gồm xử lý mùi hôi chuồng trại, làm đệm lót sinh học và bổ sung thức ăn chăn nuôi lợn nhằm cải thiện hệ tiêu hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, góp phần hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn an toàn.

Đào Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 14
Hôm nay: 941
Tổng lượt truy cập: 4.071.019
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!