Tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Trong bối cảnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và tiền đề cho những năm tới. Đặc biệt, ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đạt được đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cùng với đó là 7 nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện.Năm 2025, Ngành sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để tập trung cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Để có thể thực hiện tốt hoạt động KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số của tỉnh nhà năm 2025 và thời gian tới cần rất nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành với các định hướng, giải pháp cụ thể để đổi mới, nâng cao năng lực và trình độ KH&CN; Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu.
Ông Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn phát biểu tại buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ về việc “Kiểm tra, giám sát hiệu quả triển khai các đề tài khoa học đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn; đồng thời, có giải pháp định hướng trong nghiên cứu các đề tài khoa học theo hướng ưu tiên các công trình ứng dụng công nghệ vào đời sống”. Ảnh: Hải Yến
Thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Kết luận số 497-KL/TU ngày 29/11/2023 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 99/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ ngày 02/01/2024 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Sở KH&CN đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh. Sở KH&CN đã tham mưu xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách góp phần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh.
Các nhiệm vụ KH&CN được tổ chức thực hiện gắn với việc phát triển các hàng hóa chủ lực đã nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh sản phẩm. Tập trung triển khai các nội dung liên quan ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến tạo sản phẩm chất lượng cao, phát triển thương hiệu. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất đặt hàng, giao trực tiếp các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm cụ thể, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của địa phương, trong từng ngành và các công nghệ chiến lược, nền tảng của CMCN 4.0, có tác động lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác.
Hoạt động chuyển giao và ứng dụng KH&CN vào quản lý, sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao đời sống, phát triển sản xuất, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tập trung triển khai các đề tài, dự án phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, tiềm năng, có triển vọng. Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến. Ngoài ra, đã nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện, làm chủ hơn 70 quy trình công nghệ sản xuất và thương mại được các dòng sản phẩm chế biến khác nhau từ các loại nông sản, dược liệu.
Nghiệm thu dự án KH&CN cấp tỉnh “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Ảnh: Ánh Ngọc
Lĩnh vực công nghệ sinh học có nhiều đột phá. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hành động số 71-CTr/TU ngày 24/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Tập trung mạnh mẽ vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng, phát triển Hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Những chính sách thiết thực, bám sát tinh thần của Quyết định số 844/QĐ-TTg, Kế hoạch số 3690/KH-UBND giúp khởi động Hệ sinh thái KNĐMST tại Quảng Trị mạnh mẽ. Hoạt động hỗ trợ KNĐMST trên địa bàn tỉnh có sức lan tỏa đến nhiều Sở, Ngành, Địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh.
Công tác đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số. Đẩy mạnh CCHC, áp dụng, triển khai các sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng công tác CCHC tại Sở. Triển khai công tác thu thập dữ liệu bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024. Ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ trực tuyến Nhiệm vụ khoa học công nghệ và số hóa các Nhiệm vụ khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị, góp phần xây dựng hạ tầng số, phục vụ chuyển đổi số của ngành Khoa học và Công nghệ.
Hoạt động hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, tham mưu HĐND tỉnh Nghị quyết số 36/2024/NQ-HĐND ngày 10/5/2024 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 163/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026.
Phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN tỉnh Quảng Trị đến năm 2030. Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp có tiềm năng đáp ứng điều kiện để thành lập doanh nghiệp KH&CN. Hiện trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp KH&CN.
Công tác quản lý nhà nước về KH&CN trên các lĩnh vực ngày càng được đổi mới toàn diện. Công tác xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm của tỉnh sau khi được bảo hộ đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển các dịch vụ thử nghiệm, kiểm định…tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng, tạo thuận lợi để thương mại hóa sản phẩm. Công tác kiểm tra, thanh tra về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa góp phần quan trọng đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong đo lường, chất lượng, góp phần vào việc ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hợp tác quốc tế được mở rộng và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Tiềm lực, trình độ KH&CN của tỉnh được nâng cao, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Công tác xã hội hóa các hoạt động KH&CN được chú trọng, đã tính toán lộ trình và bước đi thích hợp, đẩy mạnh khuyến khích mở rộng các dự án KH&CN có sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Năm 2024, với việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh, toàn ngành đã thực hiện tái cơ cấu trên các lĩnh vực, đổi mới toàn diện và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH&CN phục vụ có hiệu quả người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH,CN&ĐMST năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn. Mức độ tiếp nhận và làm chủ công nghệ của hầu hết tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Yếu tố kỹ thuật, kỹ năng công nghệ, kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nguồn nhân lực thấp. Đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, việc đổi mới công nghệ chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức dẫn đến năng lực cạnh tranh còn thấp. Hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh chưa hình thành đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo.
Trong bối cảnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và tiền đề cho những năm tới. Đặc biệt, ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đạt được đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cùng với đó là 7 nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện. Để có thể thực hiện tốt hoạt động KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số của tỉnh nhà năm 2025 và thời gian tới cần rất nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành với các định hướng, giải pháp cụ thể để đổi mới, nâng cao năng lực và trình độ KH&CN; Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu. Trong thời gian tới, Ngành sẽ tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số với những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
1. Xây dựng, hoàn thiện, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển KH,CN&ĐMST và Chuyển đổi số. Tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST được giao trong Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp về phát triển KHCN&ĐMST và Chuyển đổi số.
2. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, chú trọng ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông, IOT trong mọi lĩnh vực để thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý xã hội và đời sống. Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao và nhân rộng các kết quả KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Chú trọng ứng dụng công nghệ cao, các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh
3. Xây dựng nền tảng số dùng chung, phát triển hệ thống giám sát, điều hành thông minh nhằm tăng cường quản lý công. Đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC, cung cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hoá và dựa trên dữ liệu.
4. Khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng KH,CN&ĐMST để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ĐMST. Hỗ trợ đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN. Khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng KH,CN&ĐMST để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
5. Triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Quảng Trị đến năm 2030. Triển khai mạnh mẽ các chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển Hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
6. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí để phát triển KH&CN. Tranh thủ vốn đầu tư của các chương trình, dự án KH&CN cấp quốc gia. Thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
7. Tăng cường quan hệ hợp tác về KH&CN với các cơ quan KH&CN trung ương, các Trường Đại học, các Viện Nghiên cứu nhằm tranh thủ nguồn lực KH&CN phục vụ phát triển KH&CN, kinh tế - xã hội của tỉnh. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về KH&CN.
8. Phát triển tiềm lực KH,CN&ĐMST và Chuyển đổi số. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN&ĐMST và Chuyển đổi số. Đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất cho nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm theo hướng hiện đại. Tăng cường vốn đầu tư từ ngân sách cho KH,CN&ĐMST và Chuyển đổi số đồng thời tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội hóa khác. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao.
Có thể khẳng định, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển kinh tế – xã hội không chỉ là khẩu hiệu mà còn là nhiệm vụ trọng tâm, là yếu tố quyết định trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh hiện nay, đây chính là động lực để các hoạt động KH,CN&ĐMST tỉnh nhà bứt phá, cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các Sở, Ngành, Địa phương, mọi thành phần kinh tế cùng chung tay đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững./.
Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị