Dấu ấn Hoạt động Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị năm 2024
Năm 2024 đã khép lại với nhiều thách thức và cơ hội nhưng nhờ sự nỗ lực, đoàn kết và tinh thần trách nhiệm cao, Ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Những kết quả đạt được không chỉ đóng góp quan trọng vào sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN trong các lĩnh vực. Đặc san Khoa học và Công nghệ số đặc biệt chào đón năm mới 2025 - Xuân Ất Tỵ điểm lại những dấu ấn hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị năm 2024.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang phát biểu tại buổi làm việc với Sở KH&CN về kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: Hải Yến
1. Tham mưu xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trên địa bàn tỉnh. Ngành Khoa học và Công nghệ đã tham mưu xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách góp phần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND ngày 10/5/2024 của HĐND tỉnh về Quy định mức chi lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Nghị quyết số 36/2024/NQ-HĐND ngày 10/5/2024 của HĐND tỉnh về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 163/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026; Kế hoạch số 141-KH/TU ngày 16/4/2024 thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của BCH Trung ương Đảng “Về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Kiểm tra tiến độ thực hiện giữa kỳ nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Khảo nghiệm tính chống chịu bệnh khảm lá do virus và khả năng sinh trưởng, phát triển một số giống sắn mới có triển vọng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” tại thôn Tân Trung, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa. Ảnh: Ánh Ngọc
2. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao ngày càng đi vào chiều sâu và gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống. Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 57 nhiệm vụ KH&CN các cấp, trong đó có: 40 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2022 và năm 2023 (nghiệm thu 01 nhiệm vụ cấp quốc gia, 01 nhiệm vụ cấp bộ, 01 nhiệm vụ cấp Viện, 24 nhiệm vụ cấp tỉnh, 13 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở) và 17 nhiệm vụ mới phê duyệt bắt đầu thực hiện năm 2024 (09 nhiệm vụ cấp tỉnh, 08 nhiệm vụ cấp cơ sở). Về cơ cấu lĩnh vực, có 30 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ; 19 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội; 08 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Các nhiệm vụ KH&CN được cơ cấu lại, ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ gắn với việc phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của các sản phẩm và có địa chỉ ứng dụng cụ thể, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các ngành, lĩnh vực.
Điểm số các trụ cột của tỉnh Quảng Trị
3. Năm 2024, Tỉnh Quảng Trị xếp thứ 40 về chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), tăng 15 bậc so với năm 2023. Khung chỉ số PII năm 2024 của tỉnh Quảng Trị gồm: 1. Trụ cột Thể chế: 47.89 điểm; 2. Trụ cột Vốn con người và nghiên cứu: 21.32 điểm; 3.Trụ cột Cơ sở hạ tầng: 50.33 điểm; 4. Trụ cột Trình độ phát triển của thị trường: 27.27 điểm; 5.Trụ cột Trình độ phát triển của Doanh nghiệp: 22.03 điểm; 6. Trụ cột Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ: 24.92 điểm; 7. Trụ cột Tác động: 37.16 điểm. Dựa trên việc công bố các bộ chỉ số PII hàng năm, các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo địa phương có cơ sở xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
4. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2024, có 52 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, trong đó có 37 TTHC là dịch vụ công toàn trình và 15 TTHC là dịch vụ công một phần. Sở tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTCH và được UBND tỉnh phê duyệt cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đối với 12 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết. Hoạt động giải quyết TTHC của Sở đạt kết quả cao thông qua hệ thống phần mềm Một cửa điện tử đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Tọa đàm “Định hướng, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Trị đến năm 2025”. Ảnh: Hải Yến
5. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu. Tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Định hướng, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Trị đến năm 2025”. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025”. Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp thiết thực phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới. Xây dựng định hướng các hoạt động trọng tâm của nhiệm vụ hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển năng động, hiệu quả. Tổ chức thành công Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Quảng Trị năm 2024. Năm 2024, Cuộc thi KNĐMST có nhiều điểm mới: Kiện toàn Ban Tổ chức, Ban tổ chức cuộc thi được mở rộng. Kết quả, từ 48 hồ sơ tham gia, có 12 Ý tưởng/Dự án được tôn vinh tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024. Nhóm Dự án đạt giải gồm: 02 giải nhì, 02 giải ba và 02 giải khuyến khích; Nhóm Ý tưởng đạt giải gồm: 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba và 02 giải khuyến khích. Đây là năm thứ 5 Cuộc thi được tổ chức, thu hút nhiều ý tưởng khởi nghiệp mới, có tính sáng tạo xuất phát từ thực tiễn và có khả năng ứng dụng cao. Là cơ hội cho những ý tưởng đổi mới sáng tạo được phát hiện, ươm mầm, hỗ trợ để khởi nghiệp thành công và tạo động lực phát triển về lâu dài.
Nghiệm thu kết quả dự án thuộc chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Dự án “Đầu tư hệ thống máy móc thiết bị sản xuất gỗ thanh công suất cao và gỗ thi tiết xuất khẩu” tại Nhà máy sản xuất, chế biến gỗ tại KCN Nam Đông Hà, Công ty TNHH Nam Việt. Ảnh: Ánh Ngọc
6. Hoạt động hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN đạt được những kết quả quan trọng. Thực hiện Nghị quyết số 163/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026 và Nghị quyết số 36/2024/NQ-HĐND ngày 10/5/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 163/2021/NQ-HĐND. Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh với kinh phí 1.535 triệu đồng. Hoạt động hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN đã góp phần tích cực trong thúc đẩy các hoạt động đổi mới công nghệ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ công nghệ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thông qua Đề án “Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, trong năm 2024 đã triển khai kế hoạch sản xuất hơn 28 tấn chế phẩm vi sinh cung ứng cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tọa đàm thảo luận các nội dung, giải pháp nhằm phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Ảnh: Hải Yến
7. Công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số được tăng cường. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã đăng ký bảo hộ được 02 chỉ dẫn địa lý (Tiêu Quảng Trị và Chè Vằng Quảng Trị), 06 nhãn hiệu chứng nhận và 59 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, thế mạnh của các địa phương. Sở đang phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hoá – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Cà phê Khe Sanh” của tỉnh Quảng Trị” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Tổ chức thành công Hội thảo khoa học: Cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Cà phê Khe Sanh” và Hệ thống các văn bản, công cụ quản lý CDĐL. Ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ trực tuyến nhiệm vụ khoa học công nghệ và số hóa các nhiệm vụ khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị, góp phần xây dựng hạ tầng số, phục vụ chuyển đổi số của ngành Khoa học và Công nghệ.
8. Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng đi vào chiều sâu thông qua việc đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường và bối cảnh hội nhập. Năm 2024, Sở đã tiếp nhận và xử lý công bố hợp chuẩn 57 loại sản phẩm của 02 doanh nghiệp; Tiếp nhận và xử lý 02 hồ sơ miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa; Tiếp nhận và xử lý 06 hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu của 02 doanh nghiệp; Quản lý phương tiện đo đối với 03 đơn vị được ủy quyền. Tổ chức 10 đợt kiểm tra tại 1.668 lượt cơ sở/hộ kinh doanh với tổng số trên 66 loại sản phẩm hàng hóa và 651 phương tiện đo. Triển khai thực hiện kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại 20 Sở, ban, ngành; 10 huyện, thị xã, thành phố; 07 Chi cục trực thuộc các Sở. Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức các hoạt động kiểm định, thử nghiệm phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tổng số phương tiện đo được kiểm định, hiệu chuẩn từ đầu năm 2024 đến nay là 10.036 phương tiện đo; Tổng số mẫu thử nghiệm là 1.929 mẫu các loại.
9. Hoạt động công nghệ sinh học ngày càng được phát triển, đẩy mạnh ứng dụng. Tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 71-CTr/TU ngày 24/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận và hoàn thiện quy trình công nghệ, ứng dụng công nghệ tế bào để bảo tồn, lưu giữ, phát triển và sản xuất các loại cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây hoa có giá trị kinh tế cao. Nghiên cứu phát triển công nghệ Biofloc dựa trên nguồn vi sinh bản địa nhằm tăng tính hiệu quả và bền vững nghề nuôi tôm ở tỉnh Quảng Trị; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất chế phẩm Probiotic có các chủng vi sinh vật hữu ích bổ sung thức ăn nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng năng suất, hạn chế được dịch bệnh. Trong sinh học phân tử, đã ứng dụng kỹ thuật PCR, Realtime PCR để chẩn đoán một số bệnh trên tôm và trên cây hồ tiêu tại Quảng Trị. Phân lập, tuyển chọn các chủng vi sinh vật thuộc chi Azotobacter sp. có khả năng cố định đạm để tăng độ phì nhiêu cho đất; Lưu giữ, duy trì và chọn tạo các giống hoa, cây dược liệu và các giống chuối bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử (ELISA) để xác định hàm lượng chất cấm, dư lượng kháng sinh trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi; Chẩn đoán một số bệnh phổ biến trên tôm nuôi tại tỉnh Quảng Trị bằng kỹ thuật sinh học phân tử.
Hoa Lan Hồ Điệp tại Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa. Ảnh: Hải Yến
10.Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được lan tỏa, ứng dụng. Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa ngày càng thể hiện tính ưu việt của mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại hoa, quả cao cấp, cây dược liệu quý như: lan Hồ điệp; lan Nghinh xuân, Thất diệp chi hoa, dâu tây;...Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã nghiên cứu, làm chủ hơn 70 quy trình công nghệ và chuyển giao cho người dân một số quy trình tiêu biểu như: Quy trình sản xuất Đông trùng hạ thảo; Quy trình sấy nông sản sau thu hoạch; Quy trình sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu…
Ban Biên tập