Phát triển bền vững mô hình nuôi cá lóc thương phẩm
Không chỉ đầu tư số vốn lớn để nuôi cá lóc thương phẩm, hai anh Nguyễn Thanh Bình và Phan Văn Thư ở khu phố Lai Phước, phường Đông Lương, TP. Đông Hà còn xây dựng xưởng chế biến cá để nâng cao giá trị sản phẩm, tìm hướng phát triển kinh tế bền vững. Sau 2 năm thực hiện, đến nay, mô hình nuôi cá lóc thương phẩm đã mang lại cho các anh nguồn thu nhập khá, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Anh Bình giới thiệu lò sấy cá lóc bằng điện -Ảnh: T.P
Mục sở thị xưởng chế biến cá lóc của anh Bình và anh Thư, phóng viên thấy công nhân sơ chế cá tươi để kịp giao đơn hàng cho các quán cháo trên địa bàn và đóng gói, hút chân không cho cá vừa sấy khô ra lò.
Không khí làm việc ở đây khẩn trương, vui vẻ, náo nhiệt. Kể từ sau khi xưởng chế biến cá đi vào hoạt động, không chỉ giá trị hàng hóa mà khối lượng công việc cũng tăng lên đáng kể. Xưởng tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động trên địa bàn với mức tiền công từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi với phóng viên, anh Bình cho hay: “Số vốn xây dựng xưởng chế biến cá khoảng 400 triệu đồng. Việc đầu tư này là cần thiết nếu muốn phát triển mô hình nuôi cá lóc thương phẩm bền vững, lâu dài. Hiện nay, đối với cá lóc khô, chúng tôi có 2 sản phẩm là cá lóc khô nguyên con với giá 200.000 đồng/kg và cá lóc khô phi lê với giá bán 280.000 đồng/kg. Tất cả đều được thị trường ưa chuộng đón nhận”.
Năm 2022, sau khi thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sạch công nghệ cao, anh Thư và anh Bình quyết định đầu tư 500 triệu đồng xây 4 bể xi măng với tổng diện tích 500 m2 để nuôi cá lóc thương phẩm.
Biết ý định, một vài người đã ngăn cản vì lo các anh chưa có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình, các anh đều đã tính toán kỹ lưỡng. “Ban đầu chúng tôi có ý định nuôi ốc nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, cá lóc lại luôn được tiêu thụ với số lượng lớn mỗi ngày, không chỉ nhà hàng, quán cháo bánh canh mà ngay trong những bữa cơm gia đình hàng ngày.
Để tích lũy thêm kinh nghiệm, tôi đã tìm đến các trại nuôi cá lóc lớn của Quảng Bình và một số tỉnh phía Nam để tìm hiểu về đặc tính của loài cá lóc và nhập nguồn giống đảm bảo chất lượng về nuôi”, anh Bình bộc bạch.
Năm đầu tiên, các anh thả tổng cộng 7 vạn con cá xuống bể với mật độ nuôi từ 100 - 140 con/m2. Để việc chăm sóc đạt hiệu quả, anh Thư và anh Bình chọn nuôi theo kiểu cuốn chiếu, thay vì nuôi đồng loạt một lần. Thức ăn cho cá, các anh sử dụng sâu canxi để vừa tiết kiệm chi phí mua thức ăn công nghiệp, vừa giúp cá tăng sức đề kháng, ít bị dịch bệnh, giữ cho môi trường nước không bị ô nhiễm.
Thời gian nuôi cá lóc trong bể khoảng 8 - 9 tháng là có thể xuất bán. So với nuôi trong hồ, cá lóc nuôi trong bể xi măng dễ kiểm soát dịch bệnh, tốn ít công khi thu hoạch. “Nuôi cá lóc, điều quan trọng nhất phải đảm bảo nguồn nước luôn sạch. Do đó, không chỉ lấy nước từ giếng khoan, xử lý qua bể lọc mà chúng tôi phải thay nước hàng ngày. Quá trình xây dựng, chúng tôi cũng đã lắp đặt hệ thống thoát nước và mái che để tạo sự thoáng mát cho cá”, anh Bình cho biết.
Trung bình mỗi năm, trại cá của anh Bình và anh Thư cung ứng cho thị trường khoảng 30 - 35 tấn cá lóc thương phẩm, với giá bán dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg cá tươi. Như vậy, với việc hoàn thiện quy trình khép kín từ nuôi đến chế biến, đóng gói thành phẩm và đưa đi tiêu thụ cho sản phẩm cá lóc, sau khi trừ chi phí, mô hình mang lại lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.
Đây có thể xem là một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu cá lóc khô đặc sản của quê hương. Nói về những dự định trong thời gian tới, anh Bình chia sẻ: “Sau thành công của mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng, chúng tôi đang đầu tư xây dựng thêm mô hình nuôi cá chình và nuôi lươn trong bể, hy vọng sẽ đạt những kết quả như mong đợi”.
https://baoquangtri.vn/