Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 06-07-2023

Gian nan bảo vệ tác quyền

Tháng 6/2023, khi hãng đồng hồ Thụy Sỹ Christophet Claret trình làng bộ sưu tập đồng hồ tôn vinh các danh nhân lịch sử, trong đó có một sản phẩm thiết kế tái hiện hình ảnh Hai Bà Trưng, nhiều người Việt đã bày tỏ sự hân hoan trên các trang mạng xã hội. Nhưng ngay sau đó, một số người đã nhanh chóng phát hiện sự tương đồng đáng ngạc nhiên giữa thiết kế của Christophet Claret và 2 tác phẩm của họa sỹ trẻ Xuân Lam giới thiệu trong triển lãm Vẽ lại tranh dân gian từ năm 2019. Mặc dù chưa có bất kỳ kết luận nào, đặc biệt phía họa sỹ Xuân Lam cũng chưa lên tiếng, song việc hai tác phẩm giống nhau đến từng chi tiết (chỉ thay đổi nhỏ về bố cục) khiến một nghi vấn được đặt ra, có hay không sự xâm phạm quyền tác giả?

Quyền tác giả rất dễ bị tổn thương

Trong hệ thống quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả có lẽ là đối tượng dễ dàng kích hoạt cơ chế bảo hộ nhất. Khác với sáng chế hay nhãn hiệu là những đối tượng cần phải đăng ký “giấy khai sinh” để được hưởng cơ chế này, quyền tác giả được bảo hộ một cách tự động ngay khi tác phẩm được tạo ra dưới một hình thức thể hiện nhất định. Ngoài ra, tác phẩm phải đạt điều kiện về tính nguyên gốc (original), hiểu một cách đơn giản là phải chứa đựng sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân của tác giả. Tuy nhiên, yêu cầu về hàm lượng sáng tạo tối thiểu là rất thấp, nên mọi tác phẩm dù hay, dở cũng có khả năng được bảo hộ tự động. Chẳng hạn, ở Anh một đề thi toán được xem là có tính nguyên gốc và do đó được bảo hộ1. Hành lang pháp lý thông thoáng đó vô tình khiến quyền tác giả rất dễ bị tổn thương, và càng khó khăn hơn trong quá trình xử lý xâm phạm hay giải quyết tranh chấp vì thiếu các chứng cứ hữu hiệu.

Mẫu đồng hồ “Hai Bà Trưng” của hãng Christophe Claret (ảnh: Christophe Claret).

Hai bức tranh “Thiên hạ thái bình” - trái và “Hai Bà Trưng” - phải của họa sỹ Xuân Lam (ảnh: Xuân Lam)

Khó khăn khi xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả

Thứ nhất, một hành vi chỉ bị cho là xâm phạm quyền tác giả nếu chủ sở hữu chứng minh được bên còn lại đã thực sự tiếp cận đến tác phẩm của mình một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu một bên chứng minh mình tạo ra tác phẩm hoàn toàn độc lập thì về mặt lý thuyết (cho dù thực tế khó xảy ra), hai tác phẩm giống hệt nhau vẫn sẽ được bảo hộ riêng rẽ. (Ngược lại, các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp cho phép chủ thể quyền ngăn cấm mọi hành vi sử dụng đối tượng trùng hoặc tương tự/tương đương bất kể là vô tình hay cố ý. Sáng chế là một minh chứng rất rõ cho sự bảo hộ nghiêm ngặt này.)

Quay trở lại quyền tác giả, việc chứng minh khả năng truy cập đến tác phẩm của bên bị cho là xâm phạm sẽ rất khó khăn. Theo thông lệ của tòa án Anh2, và Mỹ3, trách nhiệm chứng minh sự truy cập thuộc về nguyên đơn. Chứng cứ thuyết phục nhất là chứng cứ trực tiếp cho thấy người xâm phạm đã sử dụng tác phẩm của nguyên đơn để tạo nên tác phẩm của mình. Đây là trường hợp thường bắt gặp trong quan hệ lao động. Một nhân viên cũ có thể đưa ra chứng cứ rằng người sử dụng lao động đã yêu cầu người này tạo nên một tác phẩm (một bài thuyết trình, hay video quảng cáo) và sau đó sản phẩm thương mại của người sử dụng lao động lại tương tự như tác phẩm của nguyên đơn. Tuy nhiên, một chứng cứ như vậy thường hiếm khi xảy ra.

Trong trường hợp thiếu vắng chứng cứ trực tiếp, các thẩm phán đôi khi chấp nhận việc suy đoán nếu hai tác phẩm có nhiều điểm tương đồng đáng kể, đến mức khả năng bị đơn hoàn thành tác phẩm một cách độc lập là rất thấp. Ngay cả khi các yếu tố giống nhau không nhiều, suy đoán về việc sao chép vẫn được chấp nhận nếu nguyên đơn có thể chứng minh bằng cách nào đó tác phẩm của mình vốn đã trở nên quen thuộc với bị đơn. Điều này thường xảy ra trong lĩnh vực âm nhạc, khi một đoạn âm thanh trở nên quá quen thuộc và phổ biến.

Khi nguyên đơn thiết lập suy đoán về việc sao chép như vậy, bị đơn phải là người chứng minh về việc tạo ra tác phẩm một cách độc lập. Bị đơn có thể giải thích rằng sự giống nhau giữa hai tác phẩm là bởi các yếu tố khác ngoài việc sao chép. Ví dụ, bị đơn lập luận những điểm giống nhau là do hai tác phẩm được lấy cảm hứng từ cùng một nguồn4, do cả hai tác phẩm đều bị hạn chế bởi hình thức thể hiện đặc thù, hoặc ít thuyết phục hơn (nhưng vẫn có thể xảy ra) là do ngẫu nhiên.

Trong thời đại mà Internet cho phép công chúng truy cập tác phẩm từ khắp mọi nơi mà không thể kiểm soát, đương sự đôi khi có thể dễ dàng thuyết phục tòa án chấp nhận lập luận suy đoán hơn. Đây là cách tiếp cận khá phổ biến của tòa án Việt Nam qua thực tiễn giải quyết tranh chấp về quyền tác giả.

Thứ hai, giả sử hai tác phẩm giống nhau đáng kể và đã chứng minh được có sự tiếp cận đến tác phẩm gốc, hành vi xâm phạm vẫn không dễ để kết luận. Bởi lẽ, quyền tác giả còn có sự phân định giữa ý tưởng (không được bảo hộ) và hình thức thể hiện (được bảo hộ). Do đó, các tác giả có thể “vay mượn” ý tưởng để sáng tác mà không phải là hành vi xâm phạm. Ý tưởng thông thường rất rộng, đơn giản và sơ khai. Nhưng trong một số trường hợp, ý tưởng ấy lại hoàn toàn vượt trội về hình thức thể hiện, dẫn đến hai tác phẩm giống nhau đáng kể nhưng không cấu thành hành vi xâm phạm. Lúc này, ranh giới giữa tham khảo/truyền cảm hứng với sao chép là vô cùng mờ nhạt.

Chẳng hạn, Việt Nam đã xét xử vụ kiện liên quan đến “Hình thức thể hiện tranh Tết dân gian” sử dụng 5 cụm hình vẽ dân gian sắp đặt theo dụng ý của họa sỹ. Tranh chấp xảy ra khi một số cụm hình vẽ tương đồng được bị đơn trưng bày theo bố cục khác ở showroom. Tòa án nhận định “quyền tác giả của của các hình ảnh đã được lưu truyền lâu đời trong văn hóa dân gian không thể xác định là của ai”; quyền tác giả của họa sỹ ở đây là “bố cục sắp xếp […] không thể tách rời ra theo từng bộ phận”5Do vậy, bản án kết luận không có hành vi xâm phạm quyền tác giả nào xảy ra.

Thứ ba, việc kết luận có hành vi xâm phạm mới chỉ mang lại giá trị tinh thần cho chủ sở hữu quyền, để bù đắp về vật chất cần phải áp dụng cơ chế bồi thường thiệt hại. Đây có thể xem là một trong những vướng mắc lớn nhất của lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Qua thực tiễn rất nhiều vụ việc, dù thắng kiện nhưng nguyên đơn bị bác yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoặc chỉ chấp nhận mức thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu, chủ yếu là do không chứng minh được thiệt hại thực tế. Thông thường, nguyên đơn vẫn được tòa chấp nhận yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý thuê luật sư và chi phí khác như giám định.

Thậm chí, từng có nguyên đơn trong một vụ kiện dù được hội đồng xét xử xác định đã bị xâm phạm quyền liên quan, họ vẫn là bên thua kiện và phải chịu toàn bộ án phí sơ thẩm và phúc thẩm. Nguyên đơn đưa ra hai yêu cầu khởi kiện chính là: (1) buộc bị đơn chấm dứt hành vi xâm phạm, hủy bỏ toàn bộ video xâm phạm và xin lỗi công khai; (2) buộc bồi thường thiệt hại. Yêu cầu thứ nhất sau đó bị đình chỉ giải quyết do nguyên đơn rút yêu cầu; lý do là bởi vào thời điểm thụ lý vụ án, toàn bộ nội dung xâm phạm đã được gỡ xuống. Yêu cầu thứ hai bị bác bỏ bởi nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại. Trên thực tế, nguyên đơn trình bày được hai căn cứ về thiệt hại. Một là, hợp đồng của nguyên đơn với một bên khác dùng để đề nghị quy đổi tương đương giá thị trường, nhưng đối tượng trong hợp đồng không phải là đối tượng đang tranh chấp. Hai là, tổn thất cơ hội kinh doanh do ngưng đàm phán với đối tác về đối tượng đang tranh chấp vì vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là chứng cứ nguyên đơn xuất trình không thể hiện việc hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng hay việc hợp đồng sẽ không được thực hiện do hành vi xâm phạm”6.

Cũng trong vụ án này, giả sử yêu cầu bồi thường thiệt hại được chấp nhận, việc thi hành án vẫn cực kỳ khó khăn do bị đơn là pháp nhân đã giải thể.

Một vài lưu ý để bảo vệ quyền tác giả trước hành vi xâm phạm

Thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng đã bộc lộ nhiều vướng mắc cho chủ sở hữu quyền, đặc biệt là khi liên quan đến vấn đề chứng cứ - chứng minh. Chính vì vậy, ngay từ giai đoạn đầu định hình tác phẩm, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả cần cẩn trọng nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của bản thân.

Trước hết, mặc dù quyền tác giả phát sinh tự động kể từ thời điểm tác phẩm được định hình, việc đăng ký tại cơ quan chức năng có thẩm quyền luôn được khuyến khích. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là chứng cứ quan trọng nếu xảy ra tranh chấp. Ở một số quốc gia, tiêu biểu như Mỹ, đăng ký là thủ tục bắt buộc nếu nguyên đơn muốn yêu cầu khoản bồi thường thiệt hại luật định (statutory damage), thanh toán chi phí luật sư và các chi phí khác7. Tại Việt Nam, thủ tục đăng ký quyền tác giả được thực hiện tại Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, kể cả khi đã sở hữu giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, chủ thể quyền vẫn cần lưu giữ toàn bộ tài liệu về quá trình sáng tạo ra tác phẩm nhằm củng cố thêm chứng cứ nếu xảy ra tranh chấp.

Nếu tác phẩm đã được thương mại hóa thông qua hoạt động chuyển giao quyền sử dụng, hợp đồng này sẽ là nguồn chứng cứ quan trọng trong việc chứng minh thiệt hại về vật chất, phù hợp với pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành8. Mặc dù ở phần trước, bài viết đã đề cập đến vướng mắc trong yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Việt Nam, thực tiễn vẫn ghi nhận trường hợp nguyên đơn được tòa án chấp nhận yêu cầu bồi thường dựa vào căn cứ giá chuyển giao tương ứng. Trong vụ việc đó, nguyên đơn xuất trình được hợp đồng, hóa đơn thanh toán mà nguyên đơn đã chuyển giao thành công đối tượng tranh chấp cho các doanh nghiệp khác. Tòa án xác định “ở thời điểm năm 2016 thì 1 gói phần mềm (đối tượng tranh chấp) có giá từ 1.095.956.400 đồng đến 1.553.944.700 đồng. Nay ở thời điểm 2022, nguyên đơn yêu cầu bị đơn vi phạm phải bồi thường cho 3 gói phần mềm với số tiền: 3x1.553.944.700 đồng (giá cao nhất thời điểm năm 2016) là phù hợp với quy định […]”9Như vậy, một hợp đồng thực tế với chủ thể khác có thể giúp chủ sở hữu quyền tác giả thiết lập căn cứ xác đáng cho yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, việc bảo vệ thành công tác phẩm của mình đôi khi xuất phát từ những cơ sở xác định rất đơn giản. Đơn cử như vụ tranh chấp bài hát “Gánh mẹ” gây xôn xao dư luận giữa nhà thơ Trương Minh Nhật và nhạc sỹ Quách Beem. Nguyên đơn đã giành chiến thắng ở phiên xét xử sơ thẩm nhờ nguồn chứng cứ quan trọng là bài thơ đã đăng tải trên một trang mạng xã hội phổ biến từ rất lâu trước thời điểm bị đơn nộp đơn đăng ký giấy chứng nhận quyền tác giả. Chính vì vậy, nếu tính chất tác phẩm cho phép, các chủ thể quyền nên sớm công khai rộng rãi tác phẩm của mình.

*

*    *

Vì bản chất bảo hộ tự động của quyền tác giả cũng như nguyên tắc “không bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ sự thể hiện của ý tưởng”, bảo hộ quyền tác giả trước các hành vi xâm phạm ở Việt Nam (và cũng như nhiều nước khác trên thế giới) là một điều không dễ. Đó đều là những rào cản mang tính hệ thống, do vậy khó có thể điều chỉnh trong thời gian ngắn. Vì thế, các chủ thể quyền cần nâng cao hơn nữa nhận thức về các biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo tối đa lợi ích chính đáng khi xảy ra tranh chấp. Đối với Việt Nam, việc có án lệ trong lĩnh vực này sẽ là một nguồn tham khảo quan trọng, giúp các bên tranh chấp có được một cái nhìn sơ bộ trước quyết định có nên khởi kiện.

1University of London Press v University Tutorial [1916] 2 Ch 601.

2Lionel Bently, Brad Sherman, Dev Gangjee, and Phillip Johnson, Intellectual Property Law (6th edn. OUP 2022), pp.211-216.

3Rentmeester v. Nike, Inc., 883 F.3d 1111, 1122 (9th Cir. 2018) trích Baxter v. MCA, Inc., 812 F.2d 421, 423 (9th Cir. 1987).

4Mitchell v. BBC [2011] EWPCC 42.

5Bản án 213/2014/DS-ST ngày 14/8/2014 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của Tòa án Nhân dân quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

6Bản án 13/2020/KDTM-PT ngày 27/5/2020 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.

7https://www.copyright.gov/circs/circ01.pdf#page=7, truy cập ngày 14/6/2023.

8Điều 205.1.b, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022).

9Bản án số 10/2022/KDTM-ST ngày 01/08/2022 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương.

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 11
Hôm nay: 1868
Tổng lượt truy cập: 2.903.983
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.