Ứng dụng kỹ thuật ươm cải tiến sản xuất cây giống lâm nghiệp
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS…), Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp của sở chuyển giao các tiến bộ KHKT để nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp. Từ năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp phục vụ vùng nguyên liệu”. Đến nay, dự án cho kết quả tốt, đáp ứng nhu cầu trồng rừng chất lượng cao trong các vụ tới.
Lãnh đạo và cán bộ khuyến nông thăm vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp - Ảnh: T.C.L
Hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là các địa phương được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn làm thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…) vùng duyên hải miền Trung, với quy mô phát triển 22.900 ha theo Quyết định 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.
Thực hiện đề án này nhằm đạt được các mục tiêu là: phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho HTX và thành viên HTX trong các vùng nguyên liệu; khuyến nông và chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cho các HTX, người dân tham gia liên kết; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý vùng nguyên liệu phục vụ liên kết gắn với truy xuất nguồn gốc; xây dựng mô hình khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững; củng cố hệ thống khuyến nông cơ sở thông qua nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng; truyền thông phát triển vùng nguyên liệu.
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các nội dung của dự án đã triển khai nhiều hoạt động từ năm 2022 đến nay. Trung tâm đã tổ chức diễn đàn “Khuyến nông @ nông nghiệp” với chủ đề: “Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu”; tổ chức 2 cuộc tọa đàm bàn về giải pháp đẩy mạnh hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng; thành lập 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm và mở nhiều lớp tập huấn trang bị những kiến thức cho các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động.
Đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác đảm bảo đầu ra của sản phẩm gỗ rừng trồng với các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty TNHH Tiến Phong; thúc đẩy ký kết hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với các HTX sản xuất lâm nghiệp...
Từ trước tới nay, mặc dù công tác sản xuất giống cây lâm nghiệp cũng được quan tâm đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, song so với yêu cầu đặt ra của sản xuất ngành lâm nghiệp thì Quảng Trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển nguồn giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nguồn giống đưa vào trồng rừng sản xuất vùng nguyên liệu có chứng chỉ.
Do đó, Khuyến nông Quốc gia đã thống nhất đầu tư cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị thực hiện dự án “Xây dựng mô hình vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp phục vụ vùng nguyên liệu” triển khai trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Triển khai dự án này, trung tâm xây dựng 6 mô hình vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống lâm nghiệp (mỗi tỉnh 3 mô hình). Hiện tại, trung tâm đã hoàn thành 2 mô hình tại tỉnh Quảng Trị đưa vào vận hành sản xuất ươm giống keo lai nuôi cấy mô.
Trung tâm tổ chức tập huấn cho 390 người dân trồng rừng trên địa bàn 2 tỉnh nắm bắt được quy trình vận hành vườn ươm, trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ quản lý rừng bền vững, xây dựng 2 mô hình tổ chức quản lý sản xuất và lồng ghép nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền để tuyên truyền hiệu quả hoạt động của dự án đến người dân nắm bắt thực hiện.
Thông qua dự án, thúc đẩy sự tham gia của các tổ khuyến nông cộng đồng, nắm bắt những hoạt động của dự án và quy trình thực hiện. Từ đó, tuyên truyền đến các địa phương trong vùng nguyên liệu có thể tham quan, học tập và làm theo nhằm đẩy mạnh những ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống chất lượng cao cho vùng nguyên liệu.
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Phan Ngọc Đồng cho biết: Với công nghệ của vườn ươm cải tiến có các hệ thống che sáng phía trên điều khiển tự động và bán tự động, che sáng xung quanh quay tay, hệ thống vòm che mưa, che gió, giữ ẩm, hệ thống tưới phun sương, phun mưa tự động đã tạo điều kiện phù hợp ươm thành công cây giống keo lai mô đạt tỉ lệ sống cao từ 90% trở lên.
Đây là cơ sở để trước mắt có thể cung ứng giống cây con chất lượng cao cho vùng nguyên liệu và là cơ sở cho thời gian tới các vườn ươm có thể áp dụng hệ thống vườn ươm cải tiến này vào sản xuất cây giống trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp cho người dân trồng rừng hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tiếp cận được phương án sản xuất lâm nghiệp hiệu quả trong việc áp dụng cây giống mô vào sản xuất vườn ươm; thành thục các bước để áp dụng quy trình quản lý lâm nghiệp bền vững vào trồng rừng, tiếp cận các bước thực hành để được cấp chứng chỉ trong trồng rừng gỗ lớn cho vùng nguyên liệu, góp phần thúc đẩy ngành lâm nghiệp của tỉnh phát triển.
https://baoquangtri.vn/