Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 05-04-2024

Các nhà nghiên cứu phát triển vắc xin chống khối u kép

Nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Hồng Kông đã phát hiện ra rằng exosome bắt nguồn từ tế bào γδ-T, không chỉ có tác dụng chống khối u trực tiếp, mà khi được phát triển thành vắc xin phòng khối u, còn gây ra phản ứng miễn dịch chống khối u theo cách hiệu quả. Phát hiện này cung cấp một cách tiếp cận mới trong điều trị ung thư.

Exosome là các hạt có kích thước nano do tế bào tiết ra. Exosome chứa nhiều chất khác nhau như lipid, protein và axit nucleic, đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp giữa các tế bào. Exosome đã được khám phá để phát triển vắc xin ngăn ngừa khối u, vì chúng có thể bảo vệ các thành phần trong vắc xin khỏi bị hỏng, cải thiện tính ổn định, kéo dài thời gian bán thải sinh học và tăng cường khả năng hấp thu kháng nguyên của các tế bào trình diện kháng nguyên (APC).

Các nghiên cứu trước đây tập trung vào các exosome có nguồn gốc từ tế bào khối u (TExos) và tế bào đuôi gai (DC-Exos) cho thấy những hạn chế về độ an toàn và hiệu quả lâm sàng. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học hướng vào exosome từ tế bào γδ-T ở người, một tập hợp con hiếm hoi của tế bào T được biết đến với khả năng chống khối u trực tiếp và tăng cường phản ứng của tế bào T. Kết quả là các exosome từ tế bào γδ-T (γδ-T-Exos) đã có thể chống khối u kép vì có chứa các phân tử gây độc tế bào và kích thích miễn dịch với khả năng trực tiếp tiêu diệt tế bào khối u và kích thích hệ miễn dịch. Ngoài ra, γδ-T-Exos còn có tác dụng bổ trợ, tăng cường biểu hiện của các phân tử trình diện và giải phóng kháng nguyên thúc đẩy quá trình viêm, giúp cải thiện khả năng hệ miễn dịch nhận biết và tấn công các tế bào khối u.

Việc phát triển vắc xin chống khối u thông qua kết hợp γδ-T-Exos với các kháng nguyên liên quan đến khối u, thúc đẩy phản ứng của tế bào T đặc trưng cho khối u theo cách hiệu quả hơn là chỉ sử dụng γδ-T-Exos. Chiến lược vắc xin cũng duy trì tác dụng chống khối u trực tiếp và gây chết tế bào khối u.

Điểm thú vị của nghiên cứu là vắc xin được phát triển dựa vào γδ-T-Exos dị sinh (có nguồn gốc từ các cá thể khác nhau) có tác dụng phòng ngừa và điều trị tương tự như vắc-xin từ γδ-T-Exos tự thân (có nguồn gốc từ cùng một cá thể) trên mô hình chuột. Ngoài ra, vắc xin có khả năng chống khối u kép, tiêu diệt hiệu quả các tế bào khối u và gián tiếp tạo ra phản ứng miễn dịch chống khối u qua trung gian là tế bào T, dẫn đến kiểm soát khối u tốt hơn so với các chiến lược vắc xin hiện có.

Phát hiện nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với liệu pháp miễn dịch ung thư. Các tác dụng bổ trợ được quan sát thấy trong γδ-T-Exos làm nổi bật tiềm năng của chúng trong sản xuất vắc xin ngừa ung thư, vì chúng có thể cung cấp kháng nguyên khối u theo cách hiệu quả, với tác dụng chống khối u kép vượt trội hơn so với vắc xin dựa trên DC-Exos.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 892
Tổng lượt truy cập: 3.973.509
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!