Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 10-11-2022

Nghiên cứu phát triển nguồn gen Bạch đàn H1 và TTKT7 phục vụ trồng rừng cây nguyên liệu giấy

Bạch đàn urô (Eucalyptus urophylla) và giống của nó được xác định trong Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp chính ở nước ta. Việc phát triển loài cây này có năng suất, chất lượng cao vào trồng rừng không những đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất bột giấy mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn miền núi. Hai dòng Bạch đàn H1 và TTKT7 là 2 dòng rất có triển vọng với sinh trưởng và chất lượng gỗ tốt, được phát hiện và chọn lọc từ Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ Công Thương do Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy thực hiện từ năm 2008 (Tên đề tài: “Chọn và dẫn giống một số dòng Bạch đàn và Keo tai tượng có triển vọng ở vùng Trung tâm Bắc bộ để thiết lập vườn lưu giữ giống”).

Sau khi đề tài trên kết thúc, 2 nguồn gen quý này đã được nhiệm vụ “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nguyên liệu giấy” thu thập số liệu, đánh giá sinh trưởng và dẫn giống về để bảo tồn nguồn gen. Trong 2 thí nghiệm khảo nghiệm dòng vô tính Bạch đàn ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc và Phù Ninh, Phú Thọ, cả 2 dòng Bạch đàn H1 và TTKT7 đều cho thấy khả năng sinh trưởng vượt trội so với các dòng khác, đặc biệt chúng vượt dòng đối chứng là PN14 và U6 tới 25 - 30% về thể tích. Vì vậy, các nguồn gen này cần được tăng cường khai thác, sử dụng nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, đồng thời góp phần đa dạng hóa nguồn giống trong công tác trồng rừng sản xuất nói chung và trồng rừng nguyên liệu giấy nói riêng.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế nêu trên, Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy, Tổng Công ty giấy Việt Nam do ThS. Hà Ngọc Anh làm chủ nhiệm đã triển khai thực hiện từ năm 2018-2020 đề tài: “Nghiên cứu phát triển nguồn gen Bạch đàn H1 và TTKT7 phục vụ trồng rừng cây nguyên liệu giấy”. Thông qua việc triển khai các nội dung như: Xây dựng nguồn vật liệu di truyền (vườn cây đầu dòng); nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (nuôi cấy mô, giâm hom, trồng rừng thâm canh) để phát triển nguồn vật liệu di truyền và nhân rộng nguồn gen; đồng thời, thử nghiệm nhân giống và xây dựng rừng trồng mô hình, kết quả của nhiệm vụ sẽ là cơ sở tin cậy cho việc đề xuất và áp dụng những nguồn gen quý vào thực tiễn sản xuất

Trong năm 2019, nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đặt ra, cụ thể:

1. Xác định được ảnh hưởng của các nhân tố thí nghiệm trong nhân giống phục vụ cho việc hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi cấy mô và giâm hom 2 dòng Bạch đàn H1 và TTKT7, cho kết quả:

+ Để nâng cao hiệu quả nhân nhanh chồi, sự phối hợp 1,0 mg/l BAP + 0,3 mg/l NAA là thích hợp nhất đối với Bạch đàn H1, cho hệ số nhân chồi đạt 2,9 lần và tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 26,8%; sự phối hợp 1,5 mg/l BAP + 0,9 mg/l NAA là thích hợp nhất để nhân nhanh chồi Bạch đàn TTKT7, hệ số nhân chồi đạt 2,8 lần và tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 26,2%.

+ Bổ sung vitamin B2 có tác dụng góp phần nâng cao hiệu quả nhân chồi hai dòng Bạch đàn, nhất là tỷ lệ chồi hữu hiệu. Liều lượng thích hợp nhất đối với Bạch đàn H1 là 10 mg/l, cho hệ số nhân chồi đạt 3,3 lần và tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 33,3%; thích hợp nhất với Bạch đàn TTKT7 là 5 mg/l, cho hệ số nhân chồi đạt 3,2 lần và tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt 32,4%.

+ Sự phối hợp 1,0 mg/l IBA + 1,0 mg/l ABT1 là thích hợp nhất để tạo rễ Bạch đàn H1, cho tỷ lệ ra rễ đạt 54,4% và số rễ trung bình là 3,3 cái; phối hợp 1,5 mg/l IBA + 1,0 mg/l ABT1 là thích hợp nhất trong tạo rễ Bạch đàn TTKT7, cho tỷ lệ ra rễ đạt 52,2% và số rễ trung bình 2,5 cái.

+ Mùa vụ sản xuất ảnh hưởng rất rõ đến hiệu quả quá trình giâm hom, nhất là tỷ lệ hom ra rễ. Vụ Hè Thu mang lại hiệu quả giâm hom tốt hơn đối với cả 2 dòng Bạch đàn, thích hợp nhất trong khoảng thời gian tháng 9-10, tỷ lệ ra rễ cao nhất có thể đạt được đối với Bạch đàn H1 và TTKT7 lần lượt là 73,1% và 88,9%.

2. Xây dựng được 8 ha mô hình trồng Bạch đàn 2 dòng H1 và TTKT7, trong đó bố trí 1 khảo nghiệm dòng vô tính, mô hình thử nghiệm 2 mức mật độ trồng khác nhau và mô hình thử nghiệm 2 phương thức bón phân khác nhau.

3. Đánh giá mô hình trong năm thứ nhất cho kết quả:

+ Ở thời điểm 6,5 tháng tuổi, sinh trưởng rừng trồng Bạch đàn TTKT7 đạt ở mức trung bình trong khảo nghiệm, cho kết quả tương đương và cao hơn một chút so với một số giống đã được công nhận, đường kính ngang ngực đạt 3,3 cm, chiều cao vút ngọn đạt 4,6 m. Trong cả khảo nghiệm, các dòng Bạch đàn bước đầu cho thấy có ưu thế hơn về sinh trưởng gồm có PNCTIV, PNCT3, 20 (NC3) và F107.

+ Ở thời điểm 5,5 tháng tuổi, sinh trưởng rừng trồng Bạch đàn H1 và TTKT7 chưa chịu ảnh hưởng bởi 2 mức mật độ trồng khác nhau (1.333 và 1.666 cây/ha).

+ Phương thức bón lót 400 g NPK 10:5:5 bước đầu cho kết quả sinh trưởng rừng trồng tốt hơn việc bón lót 200 g + bón thúc 200 g NPK 10:5:5 (sẽ bón ở năm thứ hai) đối với cả hai dòng Bạch đàn, nhất là đối với dòng H1.

Những kết quả và các sản phẩm mới chỉ dừng lại ở mức thiết lập nền tảng, tạo cơ sở và một số đánh giá ban đầu. Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện cho đơn vị tiếp tục thực hiện các nội dung còn lại theo kế hoạch để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17575/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 1860
Tổng lượt truy cập: 4.038.662
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!