Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 11-07-2023

Nghiên cứu bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Riemerella anatipestifer gây ra trên gia cầm và đề xuất biện pháp phòng trị

Nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Riemerella anatipestifer (RA) là bệnh truyền nhiễm trên vịt nuôi, ngỗng, gà tây và một số loài gia cầm khác - đây là một trong những bệnh gây thiệt hại về kinh tế lớn cho ngành chăn nuôi, đực biệt là chăn nuôi vịt trên toàn thế giới. Vịt mắc bệnh thường có tỷ lệ chết rất cao (đến 90%), tỷ lệ chuyển hóa thức ăn thấp, giảm tăng trọng, giảm chất lượng thịt. Ở nước ta, bệnh nhiễm trùng huyết chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách đầy đủ. Các ổ dịch vẫn thường xuyên xảy ra ở các trang trại và hộ chăn nuôi vịt, gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi.

Ở nước ta, bệnh nhiễm trùng huyết do RA gây ra trên vịt chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách đầy đủ. Các ổ dịch nhỏ vẫn thường xuyên xảy ra ở các trang trại và hộ chăn nuôi vịt, gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi. Theo Bùi Hữu Dũng và cs. (2016), khi xác định sự hiện diện của vi khuẩn RA từ các ca bệnh nhiễm trùng huyết trên vịt tại một số tỉnh phía nam bằng phương pháp PCR cho thấy có 25/37 trại và 41/76 mẫu dương tính với RA, tương ứng với 67,57% và 53,94%. Năm 2018, Lý Thị Liên Khai và Nguyễn Hiền Hậu đã phân lập vi khuẩn RA trên 150 mẫu bệnh phẩm vịt nghi mắc bệnh nhiễm trùng huyết tại tỉnh Bến Tre cho thấy có 76 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 50,6%. Đây là 2 nghiên cứu đầu tiên công bố về tình hình bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn RA gây ra trên vịt tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, chưa có bất kỳ quy trình phòng, trị bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn RA gây ra trên vịt được ban hành ở Việt Nam

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Phân Viện Thú y Miền Trung cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Võ Thành Thìn thực hiện “Nghiên cứu bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Riemerella anatipestifer gây ra trên gia cầm và đề xuất biện pháp phòng trị” với mục tiêu: Xác định được tình hình bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn RA gây ra trên gia cầm (gà, vịt), khả năng mẫn cảm kháng sinh của vi khuẩn RA và một số đặc điểm dịch tễ của bệnh để cung cấp cơ sở khoa học cho xây dựng giải pháp phòng, trị bệnh phù hợp.

Địa điểm thu mẫu nghiên cứu được dựa trên thống kê số lượng tổng đàn gà, vịt và thông tin có được về tình hình nghi bệnh nhiễm trùng huyết trên gà, vịt tại các địa phương tại thời điểm nghiên cứu. Địa điểm thu mẫu sẽ đại diện cho các vùng sinh thái miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Qua khảo sát, địa điểm lấy mẫu phù hợp với mục đích của đề tài là Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Định và Long An. Đây là những địa phương có tổng đàn lớn (Thái Bình: 8,75 triệu con gà, 2,48 triệu con vịt; Thanh Hóa: 13,41 triệu con gà, 3,9 triệu con vịt; Bình Định: 4,97 triệu con gà, 1,77 triệu con vịt; Long An: 4,86 triệu con gà, 1,82 triệu con vịt), ổn định, sản phẩm chăn nuôi được xuất đi nhiều địa phương khác trong cả nước (Thống kê chăn nuôi Việt Nam, 01/10/2017). Đồng thời, bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn RA được ghi nhận là đã xuất hiện tại đây. Công tác thu thập mẫu được phối hợp với cán bộ thú y tại các địa điểm đã chọn. Bên cạnh đấy, mẫu còn được lấy trực tiếp từ các ổ dịch, ca bệnh xảy ra ở các địa phương khác khi có thông tin về dịch bệnh.

Phân viện thú y miền Trung được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ cho việc phân lập và định danh vi khuẩn như hệ thống tủ ấm 370C, tủ ấm CO2, hệ thống định danh vi khuẩn tự động (Vitek 2). Các cán bộ tham gia đề tài có trình độ cao, được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực vi sinh vật tại nước ngoài như Bỉ, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc. Hơn nữa, các cán bộ này đã từng tham gia nhiều đề tài 15 nghiên cứu như “Nghiên cứu dịch tễ học và sự lưu hành của Leptospira trên lợn tại khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên và xây dựng biện pháp phòng chống”, “Nghiên cứu chế tạo vắc-xin phòng các thể bệnh viêm ruột tiêu chảy do Clostridium perfringens gây ra ở bò, dê, cừu”, “Nghiên cứu bệnh tiêu chảy bê sữa do E. coli, Salmonella và Clostridium perfringens, chế tạo sinh phẩm phòng bệnh”, “Xác định vi khuẩn gây viêm phổi bê nghé, xây dựng biện pháp phòng trị thích hợp”,… Để phân lập và định danh vi khuẩn RA, đề tài sử dụng các phương pháp dựa theo các nghiên cứu đã được công bố và TCVN 8400-40:2016. Đây là những kỹ thuật mà các cán bộ tham gia đề tài có rất nhiều kinh nghiệm. Do đó, đảm bảo hoàn thành các nội dung của đề tài đặt ra.

Ở Việt Nam, bệnh do vi khuẩn RA gây ra chưa phát thành các ổ dịch lớn. Tuy nhiên, bệnh cũng thường xảy ra và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Theo Bùi Hữu Dũng và cs. (2016), khi xác định sự hiện diện của vi khuẩn RA từ các ca bệnh bại huyết trên vịt tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu bằng phương pháp PCR cho thấy có 25/37 trại và 41/76 mẫu dương tính với RA, tương ứng với 67,57% và 53,94%. Kết quả cũng cho thấy vịt nhiễm RA thường bị rối loạn vận động (68,4%), rối loạn hô hấp (60,5%), tiêu chảy phân loãng nhiều nước (44,7%). Bệnh tích đại thể thường gặp nhất là viêm đa màng và xoang (81,6%), lách sưng lớn (44,7%). Biến đổi vi thể chủ yếu là xung huyết, xuất huyết, tích fibrin và sự xâm nhiễm bạch cầu ở phổi, gan, tim (100%), não (57,1%) cùng với sự suy giảm các tế bào lympho ở lách (100%).

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đã phân lập, định danh và lưu giữ được 69 vi khuẩn RA từ vịt có triệu chứng nghi mắc bệnh nhiễm trùng huyết. Tỷ lệ vịt mang trùng là 4,02%. Tỷ lệ vịt có triệu chứng nghi mắc bệnh dương tính với vi khuẩn RA là 35,04%. - Độ tuổi vịt mẫn cảm nhất là ≤ 8 tuần tuổi (47,37%), tiếp theo là > 8 - 21 tuần tuổi (34,31%) và > 21 tuần tuổi (23,91%); tỷ lệ nhiễm vi khuẩn RA cao nhất ở nhóm vịt nuôi theo phương thức chăn thả (43,84%), tiếp theo là nhóm nuôi bán chăn thả (33,6%) và nuôi nhốt (27,01%).

Các chủng vi khuẩn RA phân lập phát triển tốt trên môi trường thạch máu, thạch chocolate, BHI trong điều kiện 37oC sau 24 - 48 giờ. Vi khuẩn không 15 lên men tất cả các loại đường trong môi trường nuôi cấy, có phản ứng Catalase và Oxidase dương tính.

- Vi khuẩn thuộc các serotype 1, 6, 8, 10 và 20. Trong đó, serotype 10 chiếm ưu thế (31,88%).

- Vi khuẩn RA có mang một số gen quy định yếu tố độc lực như ompA (100%), dnaB (100%), AS87_01735 (92,75%), gldK (85,51%) và M949_1360 (21,74%).

- Vi khuẩn RA có độc lực cao trên vịt. Vịt xuất hiện triệu chứng đầu tiên sau 24 giờ gây nhiễm và chết trong vòng 24 - 48 giờ tiếp theo. Các triệu chứng điển hình xuất hiện trên trên vịt gây nhiễm là vịt lờ đờ, bỏ ăn, tiêu chảy phân xanh, chảy nước mũi, sưng phù đầu - cổ, ngoẹo cổ, rung đầu - cổ, đi lại khó khăn, thường nằm ngửa, 2 chân duỗi ra như bơi. Liều gây chết LD50 trên vịt từ 1,5 x 108 - 6,4 x 108 CFU/con. Đường gây nhiễm tốt nhất là tiêm bắp thịt và dưới da.

- Vi khuẩn RA không thể hiện độc lực trên chuột nhắt trắng và chỉ gây bệnh nhẹ trên gà thí nghiệm (gà lờ đờ, ăn ít 2 ngày, hồi phục sau 2 ngày).

Vi khuẩn RA mẫn cảm cao với Amoxicillin/clavulanic acid (100%), Ceftiofur (100%), Imipenem (100%) và Florfenicol (91,3%). Tỷ lệ chủng vi khuẩn kháng lại các loại kháng sinh Nalidixic acid, Streptomycin và Norfloxacin lần lượt là 89,9%, 75,4% và 72,5%. Đã phát hiện một số gen kháng kháng sinh floR, sulII và aac(6')-Ib-cr trên một số chủng vi khuẩn.

Đã xây dựng được quy trình phòng, trị bệnh nhiễm trùng huyết do vi khuẩn RA trên vịt. Quy trình sử dụng các loại thuốc sát trùng thông dụng trong thú y có thành phần hoạt chất là Benzalkonium 15%/Glutaraldehyde 15%, Virkon và Iodine 10%; sử dụng các loại kháng sinh Amoxicillin/clavulanic acid và Ceftiofur. Cả 3 phác đồ đều cho hiệu quả điều trị cao trên vịt với tỷ lệ vịt khỏi bệnh khi điều trị trong điều kiện chăn nuôi thực tế lần lượt là 94,75% (Amoxicillin/clavulanic acid, tiêm bắp), 94,25% (Ceftiofur, tiêm bắp) và 88,38% (Amoxicillin/clavulanic acid, cho uống).

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18568/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 137
Tổng lượt truy cập: 4.030.512
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!