Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 07-08-2023

Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm trợ lý ảo (AI Chatbot) hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến 4 cấp

Ngày nay, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các hãng công nghệ lớn như Apple, Microsoft, Google, Facebook đều đưa ra các công nghệ tương tác trực tiếp với người dùng. Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được nâng cấp hoàn thiện giúp người dùng dễ dàng tương tác, dễ sử dụng và giảm quá trình thực hiện. Trí tuệ nhân tạo đang là một lĩnh vực mới mẻ và được sự quan tâm rất lớn từ các hãng công nghệ hàng đầu. Với công nghệ đang ngày càng được áp dụng trong đời sống giúp con người làm việc hiệu quả hơn tiết kiệm thời gian và sức lực, trí tuệ nhân tạo như một hệ thống được xây dựng để phục vụ cho điều đó.

Hệ thống trợ lý ảo là một hệ thống giúp con người giao tiếp với máy thực hiện các yêu cầu ý muốn của người dùng. Hiện nay trên thế giới hệ thống trợ lý ảo đang được nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ ở các hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây, hệ thống trợ lý ảo đang được ứng dụng và đạt được những kết quả rất ấn tượng trên lĩnh vực trong đời sống như Thương mại, Du lịch - Dịch vụ, Y tế, Giáo dục - Đào tạo...

Tại Việt Nam, công nghệ trợ lý ảo đã, đang được ứng dụng trong những năm gần đây và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó có thể kể đến trợ lý ảo của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VAB) có chức năng tư vấn khách hàng các thông tin về lãi suất, tỷ giá, sản phẩm, biểu phí, quy trình mở thẻ... EVN Hà Nội đã ứng dụng trợ lý ảo để hỗ trợ khách hàng tra cứ tiền điện, lịch ghi chỉ số, lịch tạm ngừng cung cấp điện. Không chỉ trong doanh nghiệp, trợ lý ảo cũng được đẩy mạnh sử dụng trong một số cơ quan nhà nước như Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã thí điểm thành công Chatbot Danang Fantasticity giúp tra cứu thông tin du lịch tự động trên tin nhắn. Sở Giao thông TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào sử dụng trợ lý ảo nhằm cung cấp và giải đáp các thông tin về tình hình giao thông tới người dân. Mặc dù vậy, việc ứng dụng trợ lý ảo trong việc giải đáp, truy suất thông tin phục vụ hành chính công còn nhiều hạn chế và chưa thực sự được quan tâm.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Ngô Quốc Dũng thực hiện Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm trợ lý ảo (AI Chatbot) hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến 4 cấp” với mục tiêu: Nghiên cứu, phát triển trợ lý ảo (AI Chatbot) có khả năng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, thủ tục quy trình trong việc sử dụng các dịch vụ hành chính công 4 cấp trực tuyến.

Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của con người, làm cho thói quen làm việc, giải trí hay ngay cả các hình thức kinh doanh cũng thay đổi theo. Chính phủ trong thời đại hiện nay cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của ICT, các ứng dụng ICT hứa hẹn việc trao đổi thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp các dịch vụ và dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp sẽ trở nên tốt hơn, hiệu quả hơn, từng bước nâng cao tính minh bạch và bình đẳng. Việc ứng dụng ICT gắn với cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước đã nhận được sự quan tâm đặt biệt của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của doanh nghiệp và nhân dân.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển công nghệ thông tin là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính. Với mong muốn tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính còn được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bằng việc nghiên cứu, triển khai và áp dụng công nghệ thông minh, hiện đại vào quy trình xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính công, người dân và chính quyền có thể tương tác trực tiếp với nhau một cách nhanh chóng và thuận lợi, tiết kiệm thời gian và công sức.

Thông qua việc khảo sát của đề tài về báo cáo và nghiên cứu trong, ngoài nước công bố về việc ứng dụng chatbot trong đời sống xã hội đã cho thấy. Các thủ tục hành chính, xã hội của Việt Nam trước đây thường chỉ được thực hiện trực tiếp tại các trụ sở hành chính. Điều này ngày càng trở thành vấn đề thách thức khi cuộc sống trở nên hiện đại và bận rộn hơn. Bằng việc nghiên cứu, triển khai và áp dụng công nghệ thông minh, hiện đại vào quy trình xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính công, người dân và chính quyền có thể tương tác trực tiếp với nhau một cách nhanh chóng và thuận lợi, tiết kiệm thời gian và công sức của hai bên. Thêm vào đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI-Chatbot cũng dần được đưa vào đời sống của người dân hơn do tính tự động và nhanh chóng của nó. Người dân có thể tìm kiếm, giải đáp các thắc mắc thường gặp một cách dễ dàng mà không phải chờ đợi sự giải đáp trực tiếp từ chính quyền. Điều này khẳng định tính cấp thiết trong việc ứng dụng AI chatbot trong việc giải quyết các thủ tục hành chính công.

Đề tài đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn, đóng góp cho việc xử lý thủ tục hành chính công trở lên nhanh và thuận tiện và có ý nghĩa tác động đến các lĩnh vực liên quan.

Đối với lĩnh vực KHCN có liên quan. Xây dựng hệ thống AI Chatbot, mạng từ tiếng Việt (Wordnet) có ý nghĩa quan trọng và đóng góp thực tiễn trong việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đối với lĩnh vực hành chính công tại Việt Nam.

Đối với tổ chức chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu. Hệ thống AI Chatbot thử nghiệm bước đầu có thể hỗ trợ người dân trong việc sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Đối với kinh tế - xã hội, với môi trường. Có thể thấy, tiềm năng phát triển của sản phẩm trợ lý ảo trong nhiều lĩnh vực khác nhau là rất lớn. Sau khi được xây dựng, nhóm nghiên cứu AI Chatbot sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm nhằm ứng dụng rộng rãi hơn đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính công khác. Đồng thời, sản phẩm hoàn toàn có thể được tiếp tục mở rộng để phát huy được tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực khác như Y tế, Du lịch, Thương mại.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18596/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 51
Hôm nay: 754
Tổng lượt truy cập: 3.267.007
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.