Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 07-08-2023

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá

Trong xã hội hiện nay, pháp luật là một phương tiện, công cụ quan trọng để Nhà nước duy trì, bảo vệ trật tự xã hội, tạo điều kiện và định hướngcho sự phát triển xã hội. Trong lĩnh vực quản lý giá tại Việt Nam, pháp luật hiện đang là một công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết giá, đảm bảo giácả vận hành theo các quy luật kinh tế khách quan đồng thời khắc phục những khuyết tật của cơ chế giá hình thành tự phát theo thị trường.

Hiện nay, Luật giá là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất về quản lý giá, khẳng định nguyên tắc nhất quán trong quản lý giá là: Nhà nướcthực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; Nhà nước thực hiện điều tiết giá theo quy định của Luật để bình ổn giá, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước. Nhà nước chỉ quy định giá một số ít hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu và trả lại cho thị trường quyền quyết định giá của đại đa số hàng hóa, dịch vụ còn lại, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi chocác tổ chức tư vấn giá cả tư nhân hoạt động, qua đó đáp ứng nhu cầu thông tin giá cả của xã hội và cho cả nhu cầu xác định giá tài sản công của Nhà nước.

Tuy nhiên, việc điều tiết giá bằng công cụ pháp luật hiện nay cũng đang bộc lộ một số tồn tại bất cập, cần được tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của Nhà nước điều tiết giá theo cơ chế thị trường. Hệ thống pháp luật về giá với nền tảng pháp lý cơ bản là Luật giá sau hơn 7 năm thực hiện, cùng với các văn bản pháp luật chuyên ngành về giá khác đang cho thấy những chồng chéo nhất định về công tác quản lý giá trên nhiều lĩnh vực. Lộ trình về giá thị trường một số dịch vụ công còn chậm, nguồn thông tin về giá để đáp ứng nhu cầu của xã hội vẫn đang bị phân tán và thiếu tính hệ thống... Trongbối cảnh tình hình chính trị kinh tế xã hội thế giới hiện nay đang có nhiều biến động khó lường, tác động bất lợi đến kinh tế trong nước, giá một số nguyên vật liệu là đầu vào cho sản xuất tăng theo giá thế giới cùng với sức ép từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công, thu nhập người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình dịch bệnh, đã có lúc xuất hiện tư tưởng quay trở lại các biện pháp hành chính như trước đây để kiểm soát và ổn định giá cả do pháp luật về giá hiện nay đang thiếu công cụ để ổn định, điều tiết giá mang lại hiệu quả tức thời.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Cục quản lý giá cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Anh Tuấn thực hiện nghiên cứu Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá” với mục tiêu nghiên cứu những vấn đề về lý luận và thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về giá và đề xuất các định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá trong thời gian 10 năm tới, góp phần hoàn thiện công cụ điều tiết giá của Nhà nước bằng pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giá theo cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hệ thống pháp luật Việt Nam từng chịu ảnh hưởng của nhiều hệ tư tưởng phương Đông và phương Tây trong các thời kỳ phong kiến, chủ nghĩa thực dân Pháp, hệ tư tưởng của Liên bang Xô Viết. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay được hình thành dựa trên nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa và tập trung dân chủ.

Nguồn của pháp luật bao gồm nguồn nội dung và nguồn hình thức; nguồn chủ yếu và nguồn thứ yếu, tùy vào căn cứ phân biệt. Nguồn nội dung là căn nguyên của pháp luật do được các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để xây dựng, ban hành và giải thích pháp luật; nguồn hình thức của pháp luật là những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế. Một số nguồn nội dung của pháp luật Việt Nam như đường lối chính sách của Đảng, nhu cầu quản lý kinh tế xã hội của đất nước, các 6 tư tưởng, học thuyết, pháp lý. Đối với nguồn hình thức, hệ thống pháp luật Việt Nam coi văn bản quy phạm pháp luật là loại nguồn hình thức chủ yếu, cơ bản và quan trọng nhất. Ngoài ra, nguồn hình thức còn có điều ước quốc tế, (phong tục) tập quán, án lệ. Hệ thống cấu trúc bên trong của pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất, được phân định thành các chế định pháp luật, ngành luật.

Hệ thống pháp luật về giá cũng mang những đặc điểm của hệ thống pháp luật nói chung. Việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong toàn hệ thống phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong toàn hệ thống. Tính khách quan đòi hỏi việc xây dựng hệ thống pháp luật về giá phải xuất phát từ yêu cầu và sự phát triển các quan hệ xã hội tồn tại khách quan. Tính thống nhất và hài hòa thể hiện việc các quy phạm pháp luật trong toàn hệ thống phải bảo đảm không được trái với Hiến pháp cũng như giữa các văn bản pháp luật trong hệ thống. Văn bản quy phạm pháp luật về giá của cơ quan nhà nước cấp trên chính là cơ cở, căn cứ để cho cơ quan nhà nước cấp dưới cụ thể hóa và chi tiết hóa; quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp và không trái với quy phạm pháp luật của cơ quan cấp nhà nước cấp trên. Hệ thống pháp luật về giá được chia thành Luật giá và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có nội dung quy định liên quan đến giá.

Trong khuôn khổ hệ thống cơ chế chính sách về kinh tế thì các cơ chế chính sách về giá cũng là một trong những công cụ hữu hiệu để điều tiết thị trường; điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh, phân bổ nguồn lực xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng về việc đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề hoàn thiện pháp luật về giá đang trở thành một yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài sản vận hành theo chuẩn mực của thị trường đẩy đủ, hoàn thiện thể chế để đảm bảo giá các dịch vụ công thực hiện theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, phương thức quản lý giá theo cơ chế thị trường cũng cần được đổi mới theo hướng tiếp tục hạn chế tối đa các biện pháp quản lý giá mang tính hành chính mà chủ yếu phải thực hiện bằng các công cụ quản lý vĩ mô để hướng giá cả thị trường vận động phù hợp với các quy luật kinh tế khách quan. Đồng thời, việc hoàn thiện pháp luật về giá còn xuất phát từ yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển xanh và bền vững, hoặc từ chính những chồng chéo, vướng mắc nội tại trong hệ thống pháp luật về giá hiện hành gây khó khăn cho vấn đề áp dụng thi hành...

Để có cơ sở lý luận cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đề tài đã nghiên cứu các vấn đề từ tổng quan về kinh tế thị trường, giá cả, vai trò điều tiết về giá của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường cho đến tổng quan về hệ thống pháp luật về giá với những đặc điểm, tính chất của hệ thống pháp luật Việt Nam và tập trung đi sâu phân tích vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá. Bên cạnh nghiên cứu những vấn đề tổng quan của hệ thống pháp luật về giá của Việt Nam, đề tài còn tham khảo kinh nghiệm quốc tế của một số nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam và một số nước phát triển để so sánh, đánh giá và cập nhật xu hướng quản lý giá trên thế giới hiện nay.

Trên cơ sở những nền tảng về lý luận, đề tài tiếp theo điểm qua quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giá gắn với bối cảnh kinh tế xã hội trước và sau thời kỳ đổi mới đồng thời phân tích vai trò điều tiết của Nhà nước về giá trong từng thời kỳ trên cơ sở những đánh giá tổng kết về lý luận và thực tiễn của hơn 30 năm đổi mới cơ chế quản lý giá góp phần phát triển cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đề tài sau đó tập trung nghiên cứu thực trạng hệ thống pháp luật về giá, thực trạng thi hành pháp luật về giá trên cơ sở đánh giá tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật về giá hiện hành; đánh giá thực trạng triển khai các hoạt động điều tiết giá của Nhà nước như bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá), đánh giá việc triển khai công tác quản lý nhà nước về giá trên các mặt như thẩm định giá, tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, kiểm tra, thanh tra giá... Từ đó, đề tài đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế và nguyên nhân.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18601/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 62
Hôm nay: 634
Tổng lượt truy cập: 3.266.887
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.