Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 25-10-2023

Luận cứ khoa học và giải pháp bố trí dân cư phục vụ phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng hệ thống đảo ven bờ Việt Nam

Việc bố trí dân cư trên các đảo dựa trên cơ sở xã hội hóa nguồn lực phát triển kết hợp cả nhà nước - địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong hệ thống cơ chế chính sách thông thoáng, đồng bộ là nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho không gian biển - đảo Việt Nam. Đây là tiền đề của việc đảm bảo quốc phòng an ninh dựa trên thế mạnh của nền quốc phòng toàn dân và toàn diện cả trên bờ và trên không gian biển - đảo.

Tuy vậy, quá trình di dân, phát triển kinh tế đảo cũng đã dẫn đến những tác động tiêu cực đối với tiềm năng tài nguyên và môi trường biển, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực phát triển kinh tế biển. Đó là nguồn tài nguyên vốn mỏng manh, nhạy cảm trước tác động của cả tự nhiên và con người trên hệ thống đảo ven bờ (HTĐVB) đến nay hầu như đã cạn kiệt. Trước tiên là các nguồn tài nguyên cơ bản phục vụ trực tiếp đời sống dân sinh như tài nguyên rừng, tài nguyên đất và tài nguyên nước. Mất rừng đồng thời cũng mất sự đa dạng của hệ sinh thái không chỉ trên đảo mà còn ảnh hưởng đến vùng biển quanh đảo hay vùng biển nông của cụm đảo, quần đảo. Việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy, hải sản vùng biển quanh đảo cũng làm cạn kiện nguồn tài nguyên quanh đảo, cụm đảo; làm mất đi sự đa dạng của hệ sinh thái biển trong bối cảnh ô nhiễm biển ngày càng gia tăng cùng với tiến độ và tốc độ phát triển kinh tế. Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Văn Hương tại Viện Địa lý đã thực hiện đề tài: “Luận cứ khoa học và giải pháp bố trí dân cư phục vụ phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng hệ thống đảo ven bờ Việt Nam” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: xác lập được cơ sở khoa học cho bố trí hợp lý dân cư tại HTĐVB; đánh giá tác động của quá trình di dân, tái định cư đến kinh tế và môi trường sinh thái; và đề xuất giải pháp bố trí dân cư hợp lý phục vụ phát triển bền vững, đảm bảo an ninh - quốc phòng HTĐVB Việt Nam.

Dưới đây là các kết luận của đề tài nghiên cứu:

1. HTĐVB Việt Nam gồm 2.773 đảo với tổng diện tích 1.720 km2, trong đó có 84 đảo có diện tích trên 1 km2 với tổng diện tích 1.596 km2 (92,7%), có 24 đảo trên 10 km2 và 3 đảo trên 100 km2, còn lại là các đảo nhỏ và rất nhỏ. Tại một số đảo lớn của Việt Nam như Phú Quốc, Cát Bà, Cái Bầu, Phú Quý, Lý Sơn... đã có dân định cư lâu đời, qua nhiều biến đổi trong lịch sử mà số dân có biến động. Có những đảo xa như Bạch Long Vĩ, mới có ít dân trong thời gian gần đây.

2. Việc bố trí dân cư đã được tiến hành có truyền thống từ xưa đến nay, nhưng di dân ra đảo trong một vài thập niên gần đây lại là những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và thực sự chỉ bắt đầu từ giai đoạn nước ta tham gia ký kết và thực hiện Công ước LHQ về luật biển năm 1982. Trong giai đoạn hiện nay, với nhận thức mới về giá trị tài nguyên cho phát triển kinh tế (gồm cả các giá trị vô hình và hữu hình), với trình độ khoa học hiện đại về khai thác, sử dụng tài nguyên trong nền kinh tế tri thức làm nền tảng phát triển sinh kế và kinh tế, v.v... tính hợp lý của việc bố trí dân cư đã mang thêm những nội hàm mới, giải quyết được các mâu thuẫn, bất cập mà tư duy “di dân bằng mọi giá” bộc lộ ở các giai đoạn trước. Đó là: bố trí dân cư hợp lý là tạo sự “thu hút dân cư” ra định cư tại HTĐVB thay cho “di dân ra đảo”.

3. Tổng số dân của 10 huyện đảo ven bờ Việt Nam hiện nay là 295.603 người, mật độ dân số trung bính trên các đảo là 179 người/km2. Những đảo có quy mô diện tích lớn, gần bờ (Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn…) thường nhận được sự đầu tư của của Nhà nước và các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng nên có quy mô dân số lớn và mật độ dân số đông hơn các đảo nhỏ, xa bờ như Bạch Long Vĩ, Thổ Chu. Sự phát triển của kinh tế biển trong những năm gần đây, nhất là hoạt động ngành du lịch biển - đảo cũng góp phần làm gia tăng dân số trên một số huyện đảo đảo như Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc (vào mùa du lịch dân số các đảo này có thể tăng thêm từ 20 - 50%).

4. Quá trình di dân ra đảo, dù là di dân tự do, di dân có tổ chức, di dân định cư bằng mọi giá… qua nhiều năm, nhiều thế kỷ bằng mọi phương thức sinh kế hay định hướng kinh tế, nhưng tất cả quá trình bố trí dân cư trên HTĐVB Việt Nam đều mang một đặc trưng của việc bố trí dân cư trong nền kinh tế tài nguyên. Với sự thúc ép của sự gia tăng dân số, sự gia tăng nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển - đảo trong nền kinh tế thị trường và tác động của biến đổi khí hậu… quá trình di dân, phát triển kinh tế biển - đảo đã có những tác động không nhỏ đến tiềm năng tài nguyên và môi trường biển, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực phát triển kinh tế biển.

5. Việc bố trí dân cư trên HTĐVB Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội, thách thức và không ít khó khăn. Các đảo có điều kiện bố trí dân cư, phát triển nhanh chưa được đầu tư đúng mức và toàn diện. Một số đảo có điều kiện phát triển kinh tế thì chưa được quy hoạch, thiếu nguồn vốn, thiếu lao động. Một số đảo tiền tiêu chưa có dân sinh sống, chưa có chính sách khuyến khích thích đáng những người lao động ra sinh sống ở tuyến đảo. Trình độ văn hoá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nhiều đảo còn thấp kém, còn thiếu nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nước ngọt, điện, phương tiện thông tin truyền hình, công cụ để sản xuất.

6. Trên cơ sở phân tích vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, thực trạng và định hướng phát triển kinh tế xã hội các huyện đảo, dựa vào các tiêu chí lựa chọn, đề tài đã đề xuất mô hình bố trí dân cư cho 5 đảo đại diện cho 3 khu vực biển đảo trên cả nước, trong đó có 2 mô hinh bố trí dân cư cấp thôn, xã đảo (đảo Trần, Thổ Chu), 03 mô hình cấp huyện (Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Côn Đảo) và trong đó đặc biệt mô hình đô thị đảo là Côn Đảo cho toàn đảo.

7. Sắp xếp, bố trí dân cư là quá trình phức tạp, đòi hỏi có sự đánh giá, nhận định và quyết định tổ chức thực hiện đúng đắn nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến quá trình vận dụng các chính sách, phát huy nội lực, tiềm năng lợi thế đáp ứng các yêu cầu về tính ổn định lâu dài, bảo đảm cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng-an ninh, đặc biệt sự phù hợp giữa quy hoạch và văn hóa vùng miền. Tiếp cận địa lý tổng hợp hay đánh giá tổng hợp lãnh thổ là một hướng nghiên cứu phù hợp để giải quyết mục tiêu của đề tài là bố trí dân cư hợp lý, tạo lập sinh kế gắn với phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng trên HTĐVB

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19076/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 1041
Tổng lượt truy cập: 3.263.281
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.