Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 09-01-2024

Nghiên cứu xây dựng đàn hạt nhân giống lợn Mẹo tỉnh Yên Bái góp phần phát triển chăn nuôi bền vững

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2019 là một năm gặp nhiều biến cố đối với ngành chăn nuôi nói chung và đặc biệt là chăn nuôi lợn, do chịu thiệt hại nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi, sản lượng thịt lợn giảm sâu dẫn đến tổng sản lượng thịt hơi các loại giảm gần 4% so với năm 2018. Ngành chăn nuôi lợn đã và đang phải đối mặt với cơn khủng hoảng lớn khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lan rộng ra 63 tỉnh thành trên cả nước. Tổng đàn lợn sụt giảm mạnh, do đó sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong năm 2019 cũng giảm sâu so với năm 2018. Theo số liệu tính toán của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng đàn lợn cả nước tháng 12 năm 2019 giảm 25,5% so với cùng thời điểm 2018; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước đạt 3.289,7 nghìn tấn, giảm 13,8% so với 2018...

 

Sản lượng thịt lợn trong quý IV giảm sâu do tổng đàn lợn đã liên tục giảm từ các tháng trước. Nguồn cung trong nước thiếu hụt cùng với diễn biến thị trường quốc tế phức tạp là nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn tăng rất cao và nhanh trong thời gian qua. Tính đến giữa tháng 12/2019, giá thịt lợn hơi tại miền Bắc đã dao động từ 80.000 đồng/kg tới 94.000 đồng/kg, theo dự báo, giá thịt lợn vẫn đang trong chiều hướng tăng và chưa có dấu hiệu giảm trở lại, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong những ngày giáp Tết.

Việt Nam là quốc gia giàu về đa dạng sinh học, cả nước có khoảng 275 loài thú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 2.470 loài cá, 5500 loài côn trùng… Tính độc đáo của đa dạng sinh học là khá cao: 10% số loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở nước ta. Nói về vật nuôi, sự đa dạng thật là phong phú. Dù phải trải qua nhiều thiên tai và những cuộc chiến tranh kéo dài nhiều thập kỷ, các giống vật nuôi bản địa ở nước ta vẫn còn nhiều, đang đợi sự đánh giá, bảo tồn khai thác và phát triển chúng (Lê Viết Ly, 2012).

Bảo tồn luôn phải gắn liền với khai thác và phát triển các nguồn gen quý đem lại hiệu quả và sự đa dạng sinh học, trước đây người dân và đồng bào dân tộc thiểu số chỉ biết khai thác chúng mà không chú ý đế vấn đề phát triển. Do vậy, cùng với nạn phá rừng, di dân tự do (du canh, du cư), quá trình đô thị hóa và nên kinh tế thị trường cũng như tốc độ gia tăng dân số ở nước ta đã làm cho một số nguồn gen quý hiếm bị pha tạp và cạn kiệt dần.

Lợn Mẹo là giống vật nuôi bản địa rất thân thiết, đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu vùng xa ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái. Qua điều tra giống vật nuôi ở những năm 60 cho thấy lợn Mẹo được phổ biến và tập trung nhiều ở các vùng cao của đồng bào dân tộc Mèo các tỉnh Miền núi như: Tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An… dần dần về sau này lợn Mẹo được bà con giao lưu, trao đổi, mua bán và chăn nuôi dưới các vùng thấp (dân tộc Thái), con đực được lai với các giống địa phương để nuôi kinh tế (Lai Nội x Nội).

Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Trịnh Phú Ngọc và nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Phát triển Nông thôn đã thực hiện “Nghiên cứu xây dựng đàn hạt nhân giống lợn Mẹo tỉnh Yên Bái góp phần phát triển chăn nuôi bền vững” với mục tiêu: Xây dựng mô hình phát triển nguồn gen lợn Mẹo tỉnh Yên Bái phục vụ nghiên cứu và sản xuất, góp phần tạo sinh kế cho người chăn nuôi.

Theo báo cáo của tổ chức FAO, cảnh báo rằng có tới 1.350 nguồn gen giống vật nuôi đang phải đối mặt với nguy cơ có khả năng bị tuyệt chủng. Trong thập kỷ vừa qua, tổ chức nông lương thế giới đã thu thập số liệu từ 170 nước, có trên 6.500 nguồn gen giống vật nuôi có nguy cơ bị tiệt chủng. Ngân hàng lưu trữ dữ liệu toàn cầu của FAO về các nguồn gen vật nuôi có chứa thông tin của 6.379 giống thuộc 30 loài động vật có vú và chim. Ngân hàng hiện có sẵn số liệu về tổng đàn của 4.183 giống trong đó có 740 giống đã bị tuyệt chủng hoàn toàn và 1.335 (tương đương 32%) giống được xếp loại có nguy cơ tiệt chủng cao. Từ năm 1995, số giống thuộc động vật có vú có nguy cơ tiệt chủng đã tăng từ 23% lên 35%. Một dấu hiệu đáng báo động là có một số lượng lớn nguồn gen giống vật nuôi sẽ có nguy cơ tiệt chủng (2.255 giống) trong vòng hai thập kỷ tới.

Sự đe doạ lớn nhất đối với tính đa dạng vật nuôi là việc xuất khẩu các giống vật nuôi từ các nước đã phát triển sang các nước đang phát triển, điều này dẫn đến việc lai tạo hoặc thậm chí thay thế các giống bản địa. Ở các nước đang phát triển, các giống nhập từ các nước phát triển vẫn được xem là các giống có năng suất cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề là những giống này chủ yếu chỉ thích hợp với các điều kiện của nước đã xuất khẩu chúng và sẽ gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với chế độ dinh dưỡng, điều kiện chăm sóc, môi trường sống.... ở các nước khác.

Bảo tồn nguồn gen vật nuôi là nói tới bảo tồn đa dạng sinh học. Công ước đa dạng sinh học (CBD) được phê chuẩn vào tháng 12 năm 1993, là bước ngoặt lớn trong lĩnh vực môi trường, khai thác và phát triển. Đây là công ước đầu tiên giải quyết một cách toàn diện các vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Không những thế, CBD còn bao gồm các nội dung tiếp cận nguồn gen, tiếp cận và chuyển giao công nghệ kể cả công nghệ sinh học (http://www.biodiv.org).

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Đã điều tra khảo sát và thu về 530 phiếu điều tra có thông tin hữu ích; (trong đó 500 phiếu điều tra trực tiếp và 30 phiếu điều tra trung gian).

- Tại các địa bàn điều tra cho thấy: Số hộ chăn nuôi tại huyện Văn Yên và Yên Bình cho thấy tổng đàn lợn Mẹo hiện có là: 2830 con (huyện Văn Yên 418 con; huyện Yên Bình là 2412 con ( cả con thuần và con lai). - Đàn lợn con và lợn choai chiếm tỷ lệ nuôi nhiều nhất (54,84%); tiếp đến là lợn nuôi thịt (24,66%); lợn nái (18,48%) và thấp nhất là lợn đực giống (2,01%).

- Màu sắc lông đen tuyền (61,30%) và màu lông đen có 6 điểm trắng (25,70%). Đây là 2 kiểu hình chính dễ thấy ở lợn Mẹo.

- Lợn có màu lông nâu 4 chân lông trắng, trán có đốm trắng ít (13,0%).

- Tập quán chăn nuôi lợn Mẹo của người dân địa phương chủ yếu là bán chăn thả (72,50%) và nuôi nhốt (23,50%).

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19280/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 1564
Tổng lượt truy cập: 3.262.088
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.