Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng đất ven biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Vùng Duyên hải Nam Trung bộ gồm 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận) có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông bộ, sắt, hàng không và biển, gần thành phố Hồ Chí Minh và khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ, cửa ngõ của Tây Nguyên và đường xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế. Vùng có tài nguyên đa dạng, có tiềm năng đất đai rất lớn để phát triển một số ngành như: nông nghiệp, thủy sản, cảng biển, phát triển du lịch, dịch vụ,... Tuy nhiên, Vùng cũng tồn tại nhiều khó khăn thách thức, như: diện tích bình quân đầu người thấp, dân số tiếp tục gia tăng; sự phân bố các cơ sở kinh tế - xã hội tập trung ở vùng đồng bằng, ven biển đã tạo áp lực lớn trong sử dụng đất.
Chất lượng tài nguyên đất các huyện ven biển vùng duyên hải Nam Trung bộ đạt mức khá. Khi so sánh chất lượng đất của các loại đất hiện đang phổ biến thì đất rừng ngập mặn, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây lâu năm và đất làm muối có chất lượng cao nhất (gần 92 - 100% diện tích đạt mức trung bình đến cao). Xếp thứ hai là đất trồng cây hàng năm khác, đất rừng phòng hộ đầu nguồn và đất ở, đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp (89 - 81% diện tích đạt mức chất lượng trung bình đến cao). Chất lượng thấp nhất là đất trồng rừng chắn cát bởi có tới 63% diện tích này đạt mức chất lượng thấp. Các loại đất còn lại sử dụng đạt mức khá nhưng thấp hơn so với bình quân chung của toàn vùng ven biển trên cả nước.
Tác động của biến đổi khí hậu đến việc sử dụng đất ven biển Nam Trung Bộ những năm gần đây được dự báo là rất nghiêm trọng (đất bị xâm nhập mặn, ngập úng; bị khô hạn và hoang mạc hóa; bị rửa trôi, xói mòn, sạt lở đất; bị bồi tụ, bồi lấp cửa sông, dịch chuyển, lấp-mở cửa sông...) đã ảnh hưởng nặng nề tới 2 hoạt động sản xuất và dân sinh của toàn vùng. Vì vậy, việc đề xuất các giải pháp trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp truyền thống, tập quán cũ sang các mục đích khác như nông nghiệp công nghệ cao, phi nông nghiệp như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, điều dưỡng, vui chơi giải trí cho việc sử dụng đất ven biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững nhằm biến thách thức thành cơ hội phát triển là hết sức cần thiết.
Hiện nay có nhiều công trình liên quan đến quản lý đất đai hoặc ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng Nam Trung Bộ đang được tiến hành, tuy nhiên tất cả các công nghiên cứu đó đều không đặt trọng tâm vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất một cách toàn diện và không hướng tới mục tiêu hoàn thiện chính sách quản lý hiệu quả việc sử dụng đất ven biển theo hướng phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu nói chung và đề xuất các giải pháp cho Nam Trung Bộ nói riêng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng đất ven biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” do ThS. Trịnh Thị Hải Yến cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện với mục tiêu: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về hiệu quả sử dụng đất ven biển theo hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất ven biển Nam Trung Bộ theo hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bắt đầu từ việc nghiên cứu, phân tích các khái niệm cơ bản như: Đất ven biển, Sử dụng đất, Sử dụng hiệu quả đất, Biến đổi khí hậu, Thích ứng với biến 22 đổi khí hậu, Phát triển bền vững, v.v nhóm tác giả đã rút ra khái niệm “Sử dụng hiệu quả đất ven biển cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”: là việc tăng thêm giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, đảm bảo việc làm và an sinh xã hội trong các tác động vào đất đai như: hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, định cư, v.v tại các đơn vị hành chính (cấp phường, xã, thị trấn hoặc cấp quận, huyện, thị xã hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có tiếp giáp với biển nhằm đạt được hiệu quả mong muốn với mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Với việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc sử dụng hiệu quả đất ven biển theo hướng phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, chúng tôi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt nam. Cụ thể: (1) Về nhận thức quản lý và sử dụng hiệu quả đất ven biển - Quản lý, sử dụng hiệu quả đất ven biển là một quá trình động, đa năng và lặp lại nhằm phát triển quản lý bền vững đới bờ biển. Nó gồm một số chu kỳ lặp lại, mà một chu kỳ đầy đủ bắt đầu từ thu thập thông tin, lập quy hoạch (theo nghĩa rộng nhất), ra quyết định, quản lý và giám sát thực hiện và kết thúc bằng đánh giá thực hiện); (2) Cần xác định đúng mục tiêu chính của quản lý, sử dụng hiệu quả đất ven biển - Duy trì chức năng của hệ thống nguồn tài nguyên bờ biển; Giảm thiểu các xung đột về sử dụng tài nguyên; Duy trì sức khoẻ môi trường (giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Tạo điều kiện phát triển đa ngành; Cải thiện sinh kế, góp phần xoá đói giảm nghèo cho các cộng đồng ven biển và trên các hải đảo ven bờ; Giảm nguy cơ đe doạ vùng bờ do thiên tai và các tác hại của các quy hoạch phát triển trong tương lai); (3) Quản lý, sử dụng hiệu quả đất ven biển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu cần được xem xét một cách toàn diện cả ba khía cạnh: phòng vệ, thích nghi và di dời; (4) Các nước ngày càng coi trọng việc xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển đất ven biển nhằm quản lý có hiệu quả và bền vững đất ven biển theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chiến lược thường bao gồm quá trình vận hành và quản lý, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các giải pháp chính sách, đồng thời Chiến lược bao gồm các biện pháp “cứng” và “mềm” và (5) Việc xây dựng chính sách quản lý, sử dụng hiệu quả đất ven biển phải dựa trên cơ sở pháp lý là một đạo luật khung về đất đai và đạo luật khung về biển. Từ những vấn đề lý luận nêu trên, chúng tôi đi tới việc xây dựng bộ tiêu chí về hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đất ven biển (gồm 5 tiêu chí), bộ tiêu chí về bảo vệ môi trường của việc sử dụng đất ven biển (gồm 8 tiêu chí) và bộ tiêu chí về xã hội của việc sử dụng đất ven biển (gồm 6 tiêu chí). Hy vọng với việc áp dụng 3 bộ tiêu chí nêu trên, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ sẽ có chiến lược sử dụng hiệu quả đất ven biển theo hướng phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đề xuất được các nhóm giải pháp cụ thể và nhóm giải pháp tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp vùng ven biển Nam Trung Bộ theo hướng phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậụ giúp các tỉnh Nam Trung Bộ quản lý đồng bộ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, góp phần quan trọng đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập vào sự phát triển kinh tế chung các tỉnh và cả nước.
https://vista.gov.vn/