Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 01-04-2024

Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ khai thác, bảo tồn và phát triển một số chế phẩm từ một vài loài nấm Linh chi (Ganoderma spp.) tại khu vực Tây nguyên

Linh chi (Ganoderma lucidum) là một loại dược liệu được trồng trọt từ lâu đời, là một loại dược liệu quý hiếm, được ghi trong sách “Thần Nông bản thảo” từ 2000 năm trước. Linh chi được coi là một sản vật quý hiếm của đất rừng Đại Nam, nổi bật với các tác dụng như: kiện não, bảo can, cường tâm, kiện vị, cường phế, giải độc, giải cảm và giúp con người sống lâu, tăng tuổi thọ. Giá trị dược lý của Linh Chi càng được khẳng định khi Hội nghị Nấm học thế giới thành lập Viện nghiên cứu Linh Chi Quốc tế tại New York..

Một trong hai nhóm hoạt chất chính được nghiên cứu nhiều nhất trong Linh chi được triterpen - nhóm chất có tiềm năng được trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau, đặc biệt giúp ngăn chặn các gốc tự do, chống lại các tế bào khối u và sự phát triển của các tế bào ung thư. Với công dụng phong phú và đa dạng, các chế phẩm từ nấm Linh chi ra đời ngày càng nhiều nhằm phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, Dược điển Việt Nam 5 chỉ mới kiểm soát hàm lượng chất chiết được trong dược liệu chưa kiểm soát các nhóm hoạt chất như triterpenoid, Dược điển Mỹ cũng đã xây dựng chuyên luận kiểm soát chất lượng Linh Chi dựa trên 10 triterpenoid sử dụng chất chuẩn chính là acid ganoderic A và cao chuẩn nhưng các hoạt chất này có giá thành khá cao và khó khăn khi nhập khẩu, vì vậy cần có nghiên cứu về phân lập và điều chế các chất đối chiếu này. Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có lượng mưa lớn quanh năm với rừng xanh nhiệt đới, đây là điều kiện thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Ganoderma là loại nấm bán ký sinh, trên các dạng thân gỗ mục, phân bố trên khắp dọc đất nước từ dãy Hoàng Liên Sơn đến dãy Trường Sơn, khu vực Tây Nguyên, kéo dài đến vùng Đông Nam Bộ, và các rừng mưa ở Phú Quốc. Mặc dù sự đa dạng của Ganoderma đã được nhiều nhà khoa học công bố. Tuy nhiên, chưa có điều tra tổng thể nào về các loài nấm Linh chi ở Tây Nguyên, đánh giá tiềm lực của nguồn dược liệu quý giá này và có phương án bảo tồn, phát triển trong tương lai. Hiện nay, Linh chi đỏ được trồng và bán khá nhiều trên thị trường, nhưng chủ yếu dưới dạng nông nghiệp hoặc một số dược liệu, cao dược liệu và thuốc đông dược do đó cần phát triển đa dạng hơn nữa các dòng sản phẩm tinh từ Linh chi nhằm giải quyết các vấn đề về đầu ra cho người nuôi trồng. Đồng thời, phải hướng tới việc kiểm soát nuôi trồng, chất lượng Linh chi theo quy trình đạt chất lượng để đáp ứng nhu cầu làm thuốc, thực phẩm chức năng cho thị trường và hướng tới xuất khẩu.

Xuất phát từ các nhu cầu trên, PGS. TS. Trần Việt Hùng cùng các cộng sự tại Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP. Hồ Chí Minh  đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ khai thác, bảo tồn và phát triển một số chế phẩm từ một vài loài nấm Linh chi (Ganoderma spp.) tại khu vực Tây Nguyên” nhằm điều tra đánh giá tiềm năng, nghiên cứu khả năng phát triển nguồn gen của một số loài nấm Linh chi (Ganoderma spp.) có giá trị của khu vực Tây Nguyên; nghiên cứu nhân giống, phát triển, ứng dụng, tạo ra 4 sản phẩm từ các loài nấm Linh chi (Ganoderma spp.) ở khu vực Tây Nguyên; chuyển giao công nghệ, phục vụ khai thác, bảo tồn và phát triển một số loài nấm Linh chi (Ganoderma spp.) tại Tây Nguyên.

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

1. Điều tra đánh giá tiềm năng, nghiên cứu khả năng phát triển nguồn gen của một số loài nấm Linh chi (Ganoderma spp.) có giá trị của khu vực Tây Nguyên

- Đã thu được mẫu ở 8 vùng Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai với tỉ lệ thu mẫu đạt 100% - 140% theo kế hoạch đặt ra. Mẫu thu thập về được phân loại và đánh số thứ tự, bảo quản ở điều kiện phù hợp.

- Đã tiến hành khảo sát 400 phiếu điều tra ở 8 địa phương tiến hành thu mẫu và 1 số vùng lân cận. Qua khảo sát, các thông tin có độ lặp không cao, tùy thuộc vào từng địa phương, từng nội dung khảo sát, Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp thông tin theo 4 nhóm chính như: Đặc điểm của nấm Linh chi, điểm khác biệt với nấm rừng khác; về vấn đề khai thác linh chi; về giá cả và nguồn gốc Linh chi; về chất lượng và tác dụng Linh chi.

- Tiến hành định danh loài bằng phương pháp vi học và phương pháp định dnah gen thu được 43 mẫu nấm thuộc họ Ganodermataceae trong đó có 11 loài thuộc chi Amauroderma và 32 loài thuộc chi Ganoderma. Đồng thời xây dựng bộ dữ liệu về thông tin sinh thái, hình thái học, bộ ảnh màu của 43 loài nấm Linh chi trên.

- Từ 43 loài định danh, nhóm nghiên cứu khảo sát trên 10 loài được công bố có tác dụng sinh học tốt để tiến hành khảo sát thành phần hóa học, dấu vân tay sắc ký lớp mỏng, sắc ký lỏng và tiến hành đánh gía tác dụng sinh học trên tác dụng bảo vệ gan, hạ đường huyết, hạ lipid huyết và hỗ trợ tăng miễn dịch. Trong đó, các loài Linh Chi mẫu Ganoderma applanatum, Ganoderma croflavum, Ganoderma lucidum, Ganoderma tornatum, Ganoderma sp3 và Ganoderma sp6 có hoạt tính trung bình mạnh trong ức chế enzym αglucosidase in vitro và hoạt tính ức chế enzym α-glucosidase in vitro. Trong khi đó tác động lên sự tiết insulin nội sinh thì Ganoderma applanatum có tác dụng vượt trội. Về tác dụng điều hòa miễn dịch thì mẫu Ganoderma lucidum thể hiện tác động kích thích miễn dịch trên mô hình chuột nhắt gây suy miễn dịch bằng cách tiêm phúc mạc liều duy nhất cyclophosphamid 150 mg/kg và tăng tỷ lệ tế bào sống khoảng 30% ở nồng độ 200 µg/ml khi khảo sát tác động trên tế bào máu ngoại vi. Qua tác dụng sinh học có thể bảo tồn và nhân giống một số loài như Ganoderma applanatum, Ganoderma lucidum.

- Đề tài đã thực hiện được mô hình bảo tồn với diện tích 60.000 m2 ở khu vực Buôn Ea-Ma, xã Krông-Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk với mô hình dưới tán rừng, có kiểm soát độ ẩm để kích thích sự phát triển của nấm Linh chi.

2. Nghiên cứu nhân giống, phát triển, ứng dụng tạo ra 4 sản phẩm từ các loài nấm Linh chi (Ganoderma spp.) ở khu vực Tây Nguyên

- Qua quá trình điều tra thành phần loài nấm thuộc chi Ganoderma tại khu vực Tây Nguyên. Chúng tôi đã xác định đặc điểm sinh học và phân loại, định danh đã xác định tên khoa học của 3 loài nấm thuộc chi Ganoderma: Ganoderma applanatum, Ganoderma lucidum, Ganoderma fornicatum bao gồm 09 chủng nấm. Các chủng nấm thuộc chi Ganoderma thu được mọc chủ yếu ở sinh cảnh rừng hỗn giao. Phân bố ở độ cao từ 350m đến 1200m, nhiệt độ từ 22 oC đến 25 oC, độ ẩm từ 76 % đến 86 %.

- Đã xây dựng được quy trình nuôi trồng 4 loài nấm thuộc chi Ganoderma: Ganoderma applanatum, Ganoderma lucidum, Ganoderma fornicatum, Ganoderma tropicum và 1 loài Amauroderma subresinosum.

 - Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm Linh chi Tây Nguyên quy mô tối thiểu 10 tấn/năm tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk trên diện tích khoảng 60.000 m2, bao gồm nhà xưởng, trang thiết bị, nhân công. Nuôi trồng trên diện tích 4 nhà nuôi trồng với công suất mỗi nhà nuôi trồng từ 280 kg/nhà trên diện tích 60 m2. Tiến hành nuôi 3 đợt trên nằm và định hướng nuôi trồng 12 nhà nuôi trồng trên diện tích khoảng 60.000 m2 với 2 quy trình trồng Linh chi giàu polysaccharid và Linh chi giàu triterpenoid. Đã đăng ký và đạt chứng chỉ VietGap cho vùng nuôi trồng

 - Đã xây dựng quy trình điều chế và đăng ký lưu hành 3 sản phẩm rượu theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là Bảo Linh, Tứ Linh và rượu Linh chi. Đã xây dựng quy trình điều chế và đăng ký lưu hành 01 sản phẩm trà Linh Chi, 1 viên nang mềm và 3 quy trình bào chế cao gồm cao toàn phần, cao giàu triterpenoid và cao giàu polysachharid.

3. Chuyển giao công nghệ, phục vụ khai thác, bảo tồn và phát triển một số loài nấm Linh chi (Ganoderma spp.) tại Tây Nguyên

- Đã tiến hành ký kết chuyển giao công nghệ nuôi trồng với 2 đơn vị và tiến hành chuyển giao sản phẩm cho 3 đơn vị gồm 1 đơn vị truyền thông, 2 đơn vị sản xuất kinh doanh dược phẩm. Đồng thời tiến hành đào tạo hơn 30 lượt cán bộ về công nghệ nhân giống, giữ giống, nuôi trồng và thu hái bảo quản Linh chi

- Đã tiến hành đăng ký 3 sản phẩm thực phẩm, 01 sản phẩm thực phẩm chức năng, đánh giá Viet-Gap cho 1 mô hình nuôi trồng và tiến hành bảo hộ thương hiệu cho rượu Bảo Linh, rượu Tứ Linh; thương hiệu Linh chi đất việt;

- Đã thực hiện quảng bá sản phẩm và công nghệ nuôi trồng Linh chi trên kênh HTV7, HTV9 và chương tình Chất Việt trên đài truyền hình Việt Nam.

Từ những kết quả thu được, đề tài kiến nghị cần tiến hành nghiên cứu phân lập thêm các hoạt chất trên loài Ganoderma applanatum và đa dạng hơn nữa các sản phẩm từ Linh chi nhằm nâng cao giá trị cho Linh chi Việt Nam cũng như đánh giá sâu rộng hơn về việc trồng trọt Linh chi ở Việt Nam để có thể xây dựng Linh chi đất Việt thành thương hiệu quốc gia và vươn ra quốc tế.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19797/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 48
Tổng lượt truy cập: 3.950.067
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!