Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 04-07-2024

Nghiên cứu các giải pháp khai thác nguồn nước và mô hình trữ nước để xử lý khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn

Hạn hán và xâm nhập mặn là những nguyên nhân gây thiếu nước sinh hoạt nông thôn (SHNT) ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực Nam Trung Bộ (NTB) và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng và kéo dài suốt 5 tháng mùa khô. Một số hồ chứa lớn với lượng nước tích trữ được đầu mùa cạn không nhiều, chỉ khoảng 40 - 70% dung tích hồ gây khó khăn trong việc cấp nước sinh hoạt. Hiện nay việc cấp nước SHNT cho người dân gồm các hình thức: khai thác nước tập trung; khai thác nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình; thu trữ nước mưa để sử dụng.

 

Theo thống kê toàn ĐBSCL có 4.699 CTCN tập trung và 187.574 CTCN nhỏ lẻ với tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS là 86,56%. Còn ở NTB có 1393 công trình khai thác tập trung và 1.016.282 công trình khai thác nhỏ lẻ với tỷ lệ hộ dân được cấp nước cấp hợp vệ sinh là 92,4%. Thực tế cho thấy số người nông thôn chưa tiếp cận được với nước HVS ở 2 vùng nghiên cứu vẫn còn khá cao (khoảng 10%), số người dùng nước từ các CTCN tập trung vẫn còn ít. Hầu hết người dân nông thôn sống phân tán, xa công trình cấp nước tập trung, sống cạnh ven kênh rạch, ven biển… Ảnh hưởng của hạn hán xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 làm khoảng 96.000 hộ dân ở ĐBSCL sống trong cảnh không có nước sạch để sử dụng. Nguyên nhân do ảnh hưởng xâm nhập sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng tới việc cấp nước thô cho nhà máy khai thác nước mặt như các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang… Ở khu vực NTB đợt hạn năm 2015 - 2016 làm giảm lượng nước thu trữ trong các hồ chứa, gây ảnh hưởng đến 31.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Đứng trước khó khăn về nguồn nước sử dụng, tình hình của BĐKH nước biển dâng cùng với xâm nhập mặn, hạn hán gia tăng cần thiết phải đưa ra các giải pháp khai thác nguồn nước để cấp nước trong thời kỳ mùa khô để đạt yêu cầu cấp nước sinh hoạt nông thôn với tiêu chí của Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 đối với vùng ĐBSCL với tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh ≥ 95% (≥ 65% nước sạch), vùng NTB tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh ≥ 95% (≥ 60% nước sạch).

Nhằm đề xuất được các giải pháp khai thác nguồn nước mặt, ngầm và mô hình trữ, xử lý nước khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn vùng nghiên cứu cũng như đưa ra được các giải pháp nhân rộng mô hình, TS. Phạm Văn Tùng cùng các cộng sự tại Viện kỹ thuật biển - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp khai thác nguồn nước và mô hình trữ nước để xử lý khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn vùng Nam Trung Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long”.

Sau một thời gian thực hiện (07/2018 - 12/2020), nhóm đề tài đưa ra một số kết luận về các kết quả đạt được trong quá trình thực hiện như sau:

- Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh vùng ĐBSCL là 86,56% (tương ứng 9.965.381 người); trong đó vùng sinh thái ngọt tỷ lệ 95,45% (tương ứng 3.930.020 người), vùng sinh thái lợ với tỷ lệ 90,07% (tương đương 6.304.487 người), vùng sinh thái mặn có tỷ lệ 86,07% (tương ứng 2.430.505 người). Vùng NTB đạt tỷ lệ 94,22% người dân được sử dụng nước HVS trong đó phía Bắc Đèo Cả đạt tỷ lệ 93,22% (tương ứng với 4.375.513 người), vùng phía Nam Đèo Cả đạt tỷ lệ 96,73%. Nếu so với tiêu chí tại điều 17.1 của Quyết định số 1980/QĐ-TTg 17/10/2020 quy định tỷ lệ hộ được sử dụng nước HVS ở vùng ĐBSCL là ³95%, vùng NTB ³95% thì toàn vùng ĐBSCL chưa đạt theo tiêu chí hộ dân sử dụng nước HVS, chỉ có vùng sinh thái ngọt với tỷ lệ hộ sử dụng nước HVS là 95,46% đạt được tiêu chí đưa ra; đối với vùng NTB thì khu vực phía Nam Đèo Cả đạt tiêu chí đưa ra.

- Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo QCVN02:2009/BYT, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì toàn vùng ĐBSCL có tỷ lệ 61,4%. Vùng NTB có tỷ lệ 53,7% (tương ứng 3.515.361 người); trong đó khu vực phía Bắc Đèo Cả đạt tỷ lệ 52,33% (2.456.178 người), khu vực phía Nam Đèo Cả đạt tỷ lệ 57,31% (tương ứng 1.059.182 người). So với tiêu chí tại điều 17.1 của Quyết định số 1980/QĐTTg 17/10/2020 quy định tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch ở vùng ĐBSCL là (³65% nước sạch), vùng NTB (³60% nước sạch) thì toàn vùng ĐBSCL và NTB chưa đạt theo tiêu chí này.

- Còn trên 10% đối với vùng ĐBSCL và dưới 10% đối với vùng NTB chưa tiếp cận nước HVS. Tỷ lệ thiếu nước này xảy ra chủ yếu trong thời gian mùa khô – thời gian xảy ra xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL và hạn hán ở vùng NTB, đây là đối tượng nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt là do bộ phận dân cư sống phân tán, xa công trình cấp nước tập trung, còn sống ở vùng ven biển, rải rác ở gần sông/kênh/rạch (ĐBSCL) và vùng núi cao (NTB). Nguồn nước cung cấp cho đối tượng này từ nguồn cung cấp tự phát hộ gia đình trong đó có nước mặt từ sông kênh rạch hầu hết áp dụng xử lý sơ bộ bằng phèn, không qua xử lý khử trùng và không đảm bảo vệ sinh. - Đã phân tích được đặc điểm nguồn nước của khu vực và cho thấy mưa có trữ lượng rất lớn tuy nhiên phân bố không đều theo không gian và thời gian, mùa mưa chiếm tỷ lệ 85-95% gây ra ngập lụt trong khi mùa khô có tỷ lệ 5-10% gây khan hiếm cho khai thác. Nguồn nước mặt vùng ĐBSCL phong phú về” lượng” nhưng khan hiếm về “chất” qua chỉ tiêu mặn cũng gây khó khăn cho khai thác. Ở NTB do địa hình núi cao và trung du nên đa phần các CTCN tập trung khai thác nguồn nước mặt. Nguồn nước dưới đất vùng ĐBSCL có trữ lượng phong phú và khá ổn định và cao hơn nhiều so với vùng NTB. Dựa trên thực trạng nguồn nước (mưa, mặt, ngầm) đã đề xuất được các giải pháp khai thác nguồn nước cùng với mô hình thu trữ để xử lý khi xảy ra hạn hán, XNM phục vụ cấp nước SHNT cho 02 vùng nghiên cứu NTB và ĐBSCL.

- Đề tài đã ứng dụng kết quả nghiên cứu, lựa chọn vị trí và xây dựng 02 mô hình thí điểm đại diện cho 02 vùng nghiên cứu để làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình cũng như đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn.

+ Mô hình thí điểm 01 cho tỉnh Bình Thuận – đại diện cho vùng NTB: Giải pháp kỹ thuật khai thác và xử lý nguồn nước ngầm có độ cứng cao để cấp nước sinh hoạt cho 15 hộ gia đình cùng với hỗ trợ cấp nước cho Trường Mẫu giáo Tân Xuân. Địa chỉ xây dựng công trình Trường mẫu giáo Tân Xuân, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Kết quả của giải pháp đưa ra đã xử lý thành công nước ngầm có độ cứng cao với công suất đạt 5 m 3 /ngđ đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 15 hộ gia đình cùng Trường mẫu giáo Tân Xuân, kết quả độ cứng của nước dưới đất đầu ra đạt yêu cầu cho phép.

+ Mô hình thí điểm 02 cho tỉnh Trà Vinh – đại diện cho vùng ĐBSCL: Giải pháp kỹ thuật khai thác và xử lý nguồn nước mặt bị nhiễm mặn để cấp nước cho 15 hộ gia đình cùng với hỗ trợ cấp nước cho Trường mẫu giáo Hướng Dương. Địa chỉ xây dựng công trình Trường mẫu giáo Hướng Dương, xã Huyền Hội, huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh. Kết quả giải pháp là đã đưa ra cơ sở giải pháp khoa học với thời gian nguồn nước có nồng độ mặn >0,3g/l trên sông Huyền Hội không đảm bảo cấp nước sinh hoạt là 30 ngày, dựa vào thời gian tối đa xảy ra mặn tiến hành xây dựng bể BTCT chứa nước với dung tích 59,6m3 đảm bảo chứa và cấp bổ sung đủ trong 30 ngày bị mặn. Hiệu quả của giải pháp đưa ra đã đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 15 hộ dân bị thiếu nước, kết quả nguồn nước sau xử lý đạt yêu cầu cho phép về nước sinh hoạt.

Từ các kết quả thu được, đề tài kiến nghị cần đưa ra giải pháp về mô hình thí điểm khai thác nước mưa với quy mô lớn để cấp nước cho người dân nông thôn trong thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục nghiên cứu giải pháp bổ cập nước mưa xuống dưới đất để bổ sung nguồn nước dưới đất bị thiếu hụt do quá trình khai thác cũng như có giải pháp bảo vệ bền vững nguồn nước khi có sự cố về nguồn nước.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19864/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 14
Hôm nay: 1976
Tổng lượt truy cập: 3.286.785
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.