Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 08-07-2024

Nghiên cứu phát triển một số cây tinh dầu thân thảo có giá trị kinh tế cao và ứng dụng công nghệ chế biến tinh dầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng đất có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và văn hoá đặc sắc. Các dân tộc Tây Nguyên hiền hoà vui sống trong không gian cồng chiêng độc đáo với các lễ hội đắm say, các truyền thuyết, sử thi, trường ca bất hủ. Vùng với các di sản văn hoá độc đáo, tại Tây Nguyên có hệ thực vật đa dạng với gần 5000 loài thực vật bậc cao có mạch, những rừng thông tự nhiên thuần loại lớn nhất nước, những cánh rừng khộp rụng lá theo mùa ít nơi nào có được. Hệ thực vật đa dạng đã ban tặng cho khu vực Tây Nguyên nguồn tài nguyên thực vật phong phú với gần 2000 loài cây làm thuốc, hơn 600 loài cây gỗ quý, 250 cây làm thực phẩm, hơn 50 cây nhuộm màu và hơn 700 loài cây có tinh dầu,... Tài nguyên tinh dầu là một trong những nhóm cây có giá trị sử dụng cao, bởi tinh dầu được sử dụng trong nhiều lĩnh vực (mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm,...) và có nhu cầu lớn nhưng tại Tây Nguyên các cây tinh dầu chưa được nghiên cứu nhiều. Tây Nguyên có thế mạnh về địa hình là các cao nguyên với khí hậu ôn hoà, đất đỏ bazan phù hợp cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các cây công nghiệp có nguồn gốc ôn đới.

 

Nhằm đánh giá nguồn tài nguyên tinh dầu khu vực Tây Nguyên; xây dựng mô hình phát triển một số giống cây tinh dầu có giá trị kinh tế làm cơ sở hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tinh dầu tại Tây Nguyên. sản xuất thử nghiệm một số tinh dầu tự nhiên có giá trị kinh tế cao và sản phẩm chế biến từ tinh dầu phát triển kinh tế xã hội, TS. Lưu Đàm Ngọc Anh cùng các cộng sự tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển một số cây tinh dầu thân thảo có giá trị kinh tế cao và ứng dụng công nghệ chế biến tinh dầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại Tây Nguyên”.

Từ các kết quả thu được trong quá trình nghiên cứu triển khai thực hiện (từ 08/2017 - 08/2020), đề tài đưa ra một số kết luận chính sau:

1. Đã xác định được 248 loài thực vật chứa tinh dầu thuộc 39 họ, 2 ngành thực vật bậc cao (ngành Hạt trần và ngành Hạt kín) tại khu vực Tây Nguyên. Đề xuất một số loài có hàm lượng tinh dầu giá trị cao, có triển vọng phát triển như Châu thụ (Gaultheria griffithiana), Gan tiền (Gaultheria sleumeri), Xá xị (Cinnamomum porrectum), Giổi chanh (Magnolia citrate),… Ghi nhận mới về phân bố, và thành phần tinh dầu cho loài Litsea martabanca, Hedyosmum orientale Merrill & Chun, Amomum velutinum X.E.Ye, Škorničk. & N.H.Xia tại Việt Nam.

2. Đã xây dựng được vườn tập hợp giống cây tinh dầu bao gồm các loại Sả, Bạc hà, Oải hương, Phong lữ, Xôn thuốc, Cúc la mã trong vườn ươm với diện tích 5.000m2 tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng; lưu giữ 25 giống cây nhập nội, và 08 giống Sả bản địa của Việt Nam.

3. Đã lựa chọn được 08 giống cây tinh dầu thân thảo trồng phục vụ phát triển kinh tế gồm Sả chanh, Sả java, Bạc hà cay, Dương cam cúc, Hương thảo cho hàm lượng và chất lượng tốt. Triển khai xây dựng mô hình với diện tích 07ha ở 3 điểm của tỉnh Lâm Đồng thử nghiệm trồng và chế biến tinh dầu.

4. Trong điều kiện khí hậu Tây Nguyên các giống cây Oải hương, Hương thảo, Cúc la mã và Sả sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và Một số giống có chất lượng tinh dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường, với các giống Sả chanh, Sả java hàm lượng citronellal (40% ở sả java) và citral (78% ở sả chanh) đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, đưa ra được kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái các giống cây tinh dầu thân thảo nhập nội tại Tây Nguyên.

5. Đã lựa chọn được quy trình sản xuất phù hợp, lựa chọn Phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước cùng thiết bị sản xuất tinh dầu quy mô 1200L, đáp ứng quy mô sản xuất tại các trang trại địa phương.

6. Đã ứng dụng sản xuất các sản phẩm từ tinh dầu thiên nhiên bao gồm:

- Chế phẩm xua đuổi côn trùng và phòng ngừa côn trùng từ tinh dầu thiên nhiên (Đăng ký Độc quyền sáng chế);

- Sản xuất thành công Xà bông tinh dầu phục vụ vệ sinh an toàn, ngăn ngừa và diệt vi khuẩn (Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, và kiểm định chất lượng);

- Đã xử lý bã thải sau chưng cất của 3 loài Sả chanh, Sả java và Bạc hà cay tạo giá thể trồng Nấm sò. Đồng thời, tạo giá thể trồng cây đạt hiệu quả cao từ bã thải cây tinh dầu sau khi trồng Nấm;

- Đã tạo được phân bón hữu cơ vi sinh kháng bệnh và diệt sâu cho cây trồng từ bã cây Oải hương;

- Tạo được đệm lót chuồng sinh học từ bã của loài Dương cam cúc, có thời gian sử dụng trong vòng 1 năm từ ngày sản xuất.

Với các giống cây ôn đới đã thuần hoá nhập nội bước đầu thành công, trong khuôn khổ nghiên cứu, đề tài đề xuất 2 hướng phát triển tại Tây Nguyên: Cây cung cấp tinh dầu phục vụ sản xuất, là các giống Sả chanh ấn độ, Cúc la mã; Cây cung cấp nguyên liệu cho các sản phẩm thảo mộc, thực phẩm chức năng (trà, dịch chiết,...), du lịch là Bạc hà cay, Cúc la mã, Oải hương, hương thảo với điều kiện tự nhiên tại Tây Nguyên do mùa mưa khá lớn và dài, sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng và hàm lượng tinh dầu của cây nhập nội. Thêm vào đó, khi vào Việt Nam, điều kiện sinh thái thay đổi sẽ dẫn tới chất lượng và hàm lượng tinh dầu biến đổi theo, qua 3 năm với 6 mùa vụ thử nghiệm, 2 loài cho chất lượng ổn định và đáp ứng yêu cầu của sản xuất là Cúc la mã, và Sả chanh ấn độ.

Tài nguyên tinh dầu Tây Nguyên rất có giá trị, với danh lục 200 loài cây phổ biến của Tây Nguyên (đề tài đã công bố trong chuyên khảo) kèm phân tích định hướng sử dụng là cơ sở để tiến hành các nghiên cứu phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thực vật bản địa, mang bản sắc và tiềm năng cho kinh tế của khu vực Tây Nguyên.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19868/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 1594
Tổng lượt truy cập: 3.313.919
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.