Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 11-07-2024

Nghiên cứu đánh giá đặc điểm sinh trưởng và phát triển của một số giống cúc

Cây hoa Cúc (Chrysanthemum spp.) là cây có hoa đẹp và giá trị kinh tế cao, được trồng phổ biến làm hoa cắt cành và hoa trồng chậu trên toàn thế giới do có màu sắc hoa, dạng cánh và kích thước hoa rất đa dạng. Hiện nay, cây giống hoa Cúc có nguồn gốc nuôi cấy mô dần thay thế cho cây giống giâm ngọn truyền thống nhờ có chất lượng đồng đều, sạch bệnh và hệ số nhân giống cao. Tuy nhiên, việc trồng hoa Cúc thành công còn phụ thuộc vào sự tương tác của giống với sinh thái nơi canh tác. Mỗi năm, có rất nhiều giống Cúc mới được đưa vào thị trường hoa cây cảnh và mức mở rộng thị trường tùy thuộc vào thị hiếu của nhà vườn trồng hoa và người tiêu dùng. Các giống Cúc đại đóa và pingpong mới được du nhập vào thị trường Việt Nam những năm gần đây, bước đầu nhận được sự quan tâm của nhà vườn và người chơi hoa. Tuy nhiên, số lượng cây giống chưa đủ đáp ứng nhu cầu và chưa có đánh giá về khả năng thích nghi của các giống này tại Việt Nam. Do đó, việc đánh giá đầy đủ đặc điểm sinh trưởng và phát triển của các giống Cúc, xác định giống phù hợp cho từng vùng là yêu cầu cần thiết trong việc phát triển thị trường hoa Cúc thích hợp với địa phương.

 

Xuất phát từ các lý do trên, Nhóm nghiên cứu Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá đặc điểm sinh trưởng, phát triển của một số giống Cúc đại đóa và pingpong có nguồn gốc nuôi cấy mô, trồng tại Gia Lâm - Hà Nội”. Kết quả nghiên cứu là cơ sở dữ liệu khuyến cáo cho nhà vườn sản xuất đại trà hoa Cúc trồng chậu và cắt cành từ cây giống nuôi cấy mô tại Gia Lâm - Hà Nội và các vùng có khí hậu tương đồng.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng cây giống được cung cấp bởi Bộ môn Thực vật, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cây mẹ có nguồn gốc nhập nội từ Trung Quốc. Cây nuôi cấy mô của 5 giống Cúc gồm: đại đóa tím hồng, đại đóa đỏ, pingpong hồng, pingpong vàng, pingpong xanh, đã ra ngôi 1 tháng, chiều cao cây từ 5-6cm, với 7-8 lá/cây, đường kính thân 2mm, rễ đã kín bầu mô. Qua nghiên cứu cho thấy, khi trồng tại Gia Lâm - Hà Nội, chiều cao cây của 5 giống Cúc Đại đóa và pingpong đạt từ 32,5-58,12cm, đường kính thân đạt 0,53-0,55cm, số lá đạt 17,6-33,0 lá, chiều rộng lá 4,82-6,62cm, chiều dài lá từ 8,50-12,36cm. Trong đó các giống Cúc đại đóa có chiều cao cây thấp hơn các giống Cúc pingpong nhưng kích thước lá lại lớn hơn. Các giống Cúc xuất hiện nụ 30% sau 40-58 ngày trồng và đạt 90% xuất hiện nụ sau 53-70 ngày trồng, nụ báo màu sau 13-22 ngày và nở hoa sau 23-32 ngày từ khi xuất hiện, trong đó các giống Cúc đại đóa xuất hiện nụ và nở hoa sớm hơn các giống Cúc pingpong. Đường kính cụm hoa của các giống Cúc đạt từ 4,33-11,70cm, đều có dạng hoa kép gồm toàn hoa lưỡi trên cụm hoa đầu trạng, chiều dài hoa lưỡi từ 1,2-4,6cm, chiều rộng hoa lưỡi từ 0,72-1,20cm, độ bền cụm hoa từ 34,1-40,1 ngày, với 3-7 cụm hoa/cây. Trong đó các giống Cúc đại đóa có đường kính cụm hoa và kích thước hoa lưỡi lớn hơn các giống Cúc pingpong, còn độ bền cụm hoa lại ngắn hơn.

Như vậy, cả 5 giống Cúc đại đóa đỏ, đại đóa tím hồng, pingpong hồng, pingpong vàng, pingpong xanh đều sinh trưởng và phát triển tốt, thích hợp để trồng tại Gia Lâm - Hà Nội và các vùng có khí hậu tương đồng.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 1215
Tổng lượt truy cập: 3.961.901
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!