Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số loại rau có giá trị tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên và các vùng phụ cận
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất rau quả nói riêng của Việt Nam đã áp dụng nhiều tiến bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mới, kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch làm tiền đề cho tăng năng suất và thu nhập cho người trồng rau. Tuy nhiên, các tiến bộ kỹ thuật mới chỉ tập trung chủ yếu vào khâu tăng năng suất mà chưa chú trọng nhiều đến việc sơ chế, đóng gói, làm tăng chất lượng sản phẩm, sản xuất rau đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) chưa chú trọng xây dựng thương hiệu nhằm tạo ra các sản phẩm, chất lượng cao từ đồng ruộng cho tới bàn ăn. Để phát huy được tiềm năng về đất đai, thời tiết khí hậu và kinh nghiệm sản xuất của người trồng rau, đặc biệt là lợi thế của một tỉnh đã hình thành được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các tỉnh lân cận cần có những đổi mới về hình thức tổ chức sản xuất, liên kết và tổ chức hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp và ươm tạo các doanh nghiệp sản xuất rau công nghệ cao để cung cấp cho thị trường và hướng đến xuất khẩu và rộng lớn hơn là liên kết sản xuất với các tỉnh có thế mạnh phát triển rau công nghệ cao như Bình Định, Khánh Hoà,… và tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, để tạo ra chuỗi sản xuất và cung ứng rau hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững. Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao là đơn vị mới thành lập và đang trong quá trình xây dựng và đầu tư để tạo tiền đề ứng dụng cho các giải pháp mới cho ngành nông nghiệp của tỉnh và trong vùng, việc liên kết giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên. Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao TBKT Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam và một số đơn vị khác xây dựng dự án là cần thiết và đúng chủ trương, tiêu chí của chương trình thực hiện, là áp dụng các công nghệ tiên tiến để tăng năng suất và chất lượng rau quả nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong vùng, tạo ra mô hình trình diễn cho nông dân và doanh nghiệp học tập làm theo là rất cần thiết với điều kiện hiện nay khi đã hình thành nên Khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao và là một trong 10 khu được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, ThS. Trần Minh Châu cùng các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên - Ban quản lý khu Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao Phú Yên đã thực hiện dự án: “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số loại rau có giá trị tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên và các vùng phụ cận” nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất một số loại dưa, rau ăn lá trong nhà màng tự động bán tự động; hiệu quả kinh kế tăng tối thiểu 50% so với sản xuất đại trà, chất lượng tốt đảm bảo tiêu chuẩn ATTP. Chuyển giao thành công công nghệ sản xuất một số loại dưa, rau ăn lá trong nhà màng tự động, bán tự động tại khu Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao tỉnh Phú Yên và vùng phụ cận.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài thu được một số kết quả như sau:
- Dự án triển khai đã xây dựng 6 quy trình công nghệ sản xuất: Cải bó xôi, dưa leo, dưa lưới... trong nhà màng tự động và bán tự động (03 quy trình gieo ươm, 03 quy trình trồng); hiệu quả kinh kế tăng cao so với sản xuất đại trà, chất lượng tốt đảm bảo tiêu chuẩn ATTP. Chuyển giao thành công công nghệ sản xuất một số loại dưa, rau ăn lá trong nhà màng tự động, bán tự động tại khu NN UDCNC Phú Yên và vùng phụ cận.
- Đã được chứng nhận Vietgap (số chứng chỉ: TQC.26.595 hiệu lực từ ngày 09/7/2019 đến 08/7/2022) cho các sản phẩm dưa leo, dưa lưới, rau ăn lá, được Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận sơ sở sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (số cấp: 04/2019/TTBVTV-PY hiệu lực đến ngày 6/7/2022)
- Sản xuất thử nghiệm được 2,07 ha dưa lưới, 1,5 ha dưa chuột, 1,5 ha rau cải bó xôi. Năng suất: dưa lưới 25-27 tấn/ha/vụ, độ Brix đạt 13-14; dưa chuột 65 23 tấn/ha/vụ, rau cải bó xôi 28 tấn/ha/vụ; sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP; hiệu quả kinh tế tăng hơn 50% so với sản xuất đại trà.
- Sản xuất cây giống: 10.032.000 cây, trong đó: Cải bó xôi: 9.529.000 cây; dưa leo: 248.500 cây; dưa lưới: 254.500 cây.
- Đào tạo tập huấn cho 200 lượt người trong và ngoài vùng dự án; 75 lượt người là cán bộ kỹ thuật quản lý trực tiếp sản xuất các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài vùng dự án. Chuyển giao cho 2 doanh nghiệp quy trình sản xuất cây giống, quy trình canh tác một số loại dưa, rau ăn lá quy mô công nghiệp.
- Hình thành 02 chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm dưa, rau ăn lá ATTP: Công ty TNHH MTV TMDV Sài Gòn Coo.op - Phú Yên; Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ BB.
Đề tài mong muốn được chuyển giao quy trình kỹ thuật đã hoàn thiện tại tỉnh Phú Yên và Vùng phụ cận.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20061/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.