Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 16-08-2024

Hiệu quả kinh tế từ ứng dụng phương pháp sạ cụm trên lúa

Sạ cụm bằng máy là phương pháp gieo sạ mà hạt giống được gieo xuống từng cụm, trong đó số lượng hạt cố định theo mức điều chỉnh mỗi cụm có 1 đến 20 hạt/cụm giúp tất cả cụm gieo đều có mật độ như nhau. Khoảng cách hàng cố định (thông thường 20cm) và khoảng cách cụm có thể điều chỉnh 13 cm hoặc 20 cm. Hiện nay, ngoài việc sạ lúa giàn sạ cụm còn có thể kết hợp vùi phân bón lót; kết hợp phun Tuy nhiên, sạ cụm bằng máy là phương pháp còn khá mới ở Bình Thuận.

Tỉnh Bình Thuận đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ ổn định diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao hơn 17.000 ha, đồng thời ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây lúa, nâng cao công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện các mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương để thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân, tạo sự dịch chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới có áp dụng khoa học công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã mang lại nhiều thành tựu cho ngành nông nghiệp do đó trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận sẽ đưa vào áp dụng cho chương trình sản xuất lúa chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu từ vụ mùa năm 2024...Vụ hè thu năm nay, trung tâm triển khai sạ cụm với diện tích 20,79 ha tại Ma Lâm. Việc áp dụng sạ cụm thay công cấy, có lợi thế chủ động trong thời vụ, giảm lượng giống gieo sạ trên một đơn vị diện tích. Hơn nữa, dù cuối vụ hè thu trên địa bàn huyện có xảy ra mưa lớn, lốc gây đổ ngã một số diện tích lúa giai đoạn chín, nhưng năng suất đạt hơn so với năm 2023.

Tại hội thảo khoa học về “Kết quả nghiên cứu lai tạo giống lúa mới, gắn với hiệu quả kinh tế áp dụng sạ cụm, hướng đến chuyển giao giống, cơ giới hóa đồng bộ và sản xuất giảm phát thải các-bon” diễn ra mới đây, Ths. Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh thông tin, trung tâm đã theo dõi mô hình sạ cụm từ vụ Đông Xuân năm ngoái tại Tánh Linh.

Từ đầu năm 2024, trung tâm ký kết với Công ty TNHH Đại Nông Cơ Giới để thực hiện mô hình. Các mô hình lúa chất lượng cao theo định hướng “1 phải 5 giảm”, nhất là giảm lượng giống, thông qua sạ cụm. Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận theo dõi, ghi chép, và cập nhật hình ảnh, kết quả mô hình sạ cụm tại Trại lúa giống Ma Lâm để có thể đánh giá đúng sức sinh trưởng, phát triển.

Cũng tại hội thảo này, các đại biểu và nông dân đều đánh giá, dù lượng giống gieo sạ chỉ 80 kg/ha, nhưng năng suất đạt 8,6 - 8,7 tấn/ha lúa tươi (tương đương khoảng 7,3 tấn/ha lúa khô). Với giá 8.200 đồng/kg tại thời điểm hội thảo, lợi nhuận bình quân sạ cụm 32 triệu đồng/ha, cao hơn sạ lan 15,7 triệu đồng/ha. So với các ruộng lúa sạ lan bên cạnh, thì năng suất mô hình vượt trội, hiện tượng đổ ngã không đáng kể, hiệu quả kinh tế so sánh cao gấp đôi với ruộng sạ lan. Mật độ sạ cụm tốt nhất trên chân đất của Trại giống Ma Lâm là 80 kg/ha. Nếu so sánh với phương pháp cấy trước đây thì sạ cụm giảm chi phí lao động đáng kể khâu cấy (giảm hơn 3,5 triệu/ha) và giảm chi phí khâu làm mạ.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển vùng lúa chất lượng cao, Trung tâm Khuyến nông sẽ triển khai hơn 200 ha lúa mô hình, trên 5 huyện trọng điểm trồng lúa là Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong. Ngoài ra, trung tâm cơ cấu khoảng 11 loại giống lúa chất lượng cao, tất cả các mô hình đều tiến hành sạ cụm theo hướng “1 phải 5 giảm”.

Hiện nay nguồn ngân sách của Nhà nước hỗ trợ chỉ một phần, do đó Trung tâm Khuyến nông luôn kêu gọi các hệ thống hợp tác xã, doanh nghiệp cộng đồng, bà con ở các vùng lúa tiếp tục đầu tư chi phí mua máy sạ cụm, hay drone phun xịt thuốc tự động kết hợp hoạt động cung ứng dịch vụ rộng rãi. Từ đó, mạnh mẽ đồng bộ trong việc ứng dụng cơ giới hóa trên cây lúa. Ngoài ra, sạ cụm với máy móc hiện đại còn kết hợp được vùi phân bón lót, và giảm việc trôi hạt, dồn hạt giống khi gặp mưa nhờ việc tạo các bờ bao nhỏ quanh cụm hạt… Đây là tiền đề để giảm lượng nước tưới hợp lý cho cây lúa, giúp giảm phát thải khí nhà kính so với ruộng lúa bị ngập nước thường xuyên, hướng đến phát thải âm và tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa nhờ bán tín chỉ cac - bon trong thời gian tới. Việc giảm lượng giống hợp lý sẽ kéo theo giảm lượng phân bón hóa học, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường. Khoảng cách từng cụm lúa rõ ràng và đều nhau giúp ruộng lúa phát huy được ưu thế của giải pháp canh tác lúa hiệu ứng hàng biên vì vậy ruộng lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, rễ ăn sâu chống đổ ngã nhất là trong mùa mưa giúp cây lúa cho năng suất cao và chất lượng hạt lúa tốt hơn.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 154
Tổng lượt truy cập: 3.493.598
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!