Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 05-04-2023

Vĩnh Linh: Hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Xác định việc sản xuất theo định hướng, quy hoạch là tiền đề cho phát triển nông nghiệp bền vững. Thời gian qua, dựa vào đặc điểm, lợi thế tự nhiên của từng vùng miền, huyện vĩnh Linh đã tiến hành quy hoạch, xây dựng một số vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp được xem là chủ lực của địa phương.

Hồ tiêu là loại cây trồng chủ lực và nổi tiếng của huyện Vĩnh Linh. Sản phẩm hạt tiêu có đặc trưng bởi vị cay và thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng và được công nhận là đặc sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá thu mua Hồ Tiêu trên thị trường liên tục sụt giảm. Ngoài nguyên nhân được xác định là cung vượt cầu, thì chất lượng sản phẩm đang trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Cây hồ tiêu ở Vĩnh Linh.

Để nâng cao chất lượng, thương hiệu của hạt tiêu Vĩnh Linh, từ đầu năm 2017, UBND huyện đã đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Lắk để học cách trồng hồ tiêu hữu cơ; mời chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn cho người dân trồng hồ tiêu hữu cơ; tổ chức hội thảo khoa học về phát triển nông sản sạch, mời hàng trăm nông dân đến nêu câu hỏi, những thắc mắc về cách trồng hồ tiêu hữu cơ để nhà khoa học giải đáp. Đến  năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phòng NN&PTNT huyện cùng Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh bắt tay thực hiện dự án “Sản xuất tiêu hữu cơ”.

Đồng thời, ở giai đoạn này huyện Vĩnh Linh tiến hành quy hoạch vùng sản xuất tiêu tập trung với diện tích 1.300ha tập trung tại các xã vùng đông của huyện. Việc quy hoạch vùng sản xuất tiêu tạo được vùng chuyên canh nguyên liệu lớn; là cơ hội để người dân có thể hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Cho đến nay, trong số 1.300ha Tiêu của huyện Vĩnh Linh, có 31 ha được chứng nhận vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam; 4,5ha được chứng nhận hồ tiêu quốc tế. Ngoài ra, một số hộ dân ở xã Vĩnh Hòa cũng đã thực hiện liên kết với công ty Ogranics More, TP.Hồ Chí Minh thực hiện mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ với diện tích 10 ha.

Tương tự Hồ Tiêu, Cao Su là loại cây công nghiệp đã được người dân Vĩnh Linh đưa vào sản xuất từ lâu. Sản phẩm mủ cao su được ví như nguồn “vàng trắng” đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, từ năm 2013, Vĩnh Linh phải gánh chịu thiệt hại của hai cơn bão số 10 và 11. Hàng trăm ha cây cao su vùng ven biển hoặc vùng nhỏ lẻ bị gãy đổ, bị hư hại hoàn toàn. Đứng trước những thực trạng trên, bà con nông dân và chính quyền địa phương đã một lần nữa phải xem xét lại vấn đề quy hoạch trồng cao su. Trên cơ sở nghiên cứu và dựa vào đặc điểm, lợi thế của từng vùng miền, hiện nay, huyện Vĩnh Linh đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây Cao su tập trung chủ yếu tại các Vùng phía Tây của huyện với tổng diện tích cây cao su đạt đạt 6.570 ha.

Ngoài 2 vùng chuyên canh trồng tiêu, vùng chuyên canh cao su, hiện nay, huyện Vĩnh Linh đã hình thành được vùng trọng điểm sản xuất lúa, vùng chuyên canh cây ăn quả, và vùng sản xuất nuôi tôm thâm canh tập trung.

Trong đó, đối với vùng trọng điểm lúa (xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh  Thủy) của huyện có quy mô đất đai lớn trên 2.000ha, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững theo quy trình sản xuất Lúa hàng hóa của Sở NN&PTNT. Các khâu sản xuất lúa được cơ giới hóa đồng bộ 100%. Hiện nay, đang từng bước xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô 70ha - 80ha. Tại vùng trọng điểm lúa, Công ty CP tổng Công ty Sông Gianh sản xuất theo hướng hữu cơ 144 ha và liên kết tiêu thụ 196ha lúa tại các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Long,... Mô hình đã tạo ra tính bền vững, ổn định trong trồng lúa hữu cơ và lúa thuần chất lượng cao, góp phần rất lớn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo tiền đề phát triển các vùng sản xuất lúa hữu cơ tập trung trên địa bàn huyện. Theo đánh giá, hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ cho lợi nhuận cao hơn so với truyền thống 3 - 4 triệu đồng/ha.

Vùng trồng cây ăn quả tập trung chủ yếu ở các xã Trung Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thủy và Thị trấn Bến Quan. Các loại cây được người dân đưa vào sản xuất chủ yếu là những giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao như: Thanh Long, Bưởi Da Xanh, Bưởi Diễn, Bơ 034, Chanh Leo, Vải Thiều... Hiện nay, diện tích trồng cây ăn quả toàn huyện đạt 124,6ha. Trong đó, có 7ha được chứng nhận hữu cơ; 5ha Diện tích sản xuất được cấp Mã số vùng trồng, các sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; 10ha diện tích cây ăn quả có hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ; 20ha được áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm cây ăn quả. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn và kinh nghiệm trồng của người dân, việc phát triển cây ăn quả bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương.

Đối với vùng sản xuất nuôi tôm thâm canh tập trung, huyện đã quy hoạch được vùng nuôi với tổng diện tích 315ha thuộc các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Thái, Vĩnh Lâm. Đối tượng nuôi chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, sản lượng nuôi ước đạt 2.200 tấn/năm. Nhiều cơ sở nuôi trồng mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao như nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, nuôi tôm theo công nghệ Biofloc, nuôi tôm trong nhà kính. Thực tế cho thấy, nuôi tôm trở thành nghề mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên để nghề nuôi tôm thực sự phát triển ổn định thì các hộ gia đình cần tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn từ lựa chọn nguồn giống, xử lý môi trường, kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho con tôm. Từ đó mở ra hướng đi mới trong quy trình nuôi tôm, đảm bảo sản xuất theo hướng bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Những mô hình tích tụ ruộng đất quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất bước đầu đã có được những thành quả trong xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Nnhững năm gần đây, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành nông - lâm nghiệp và thuỷ sản ở huyện Vĩnh Linh (theo giá cố định 2010) đạt 4,46%/KH 5-6%, tuy chưa đạt kế hoạch đề ra, song đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh thời gian qua ngành Nông nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển, thiên tai, dịch bệnh.

Để ngành nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng sản xuất tập trung có quy mô lớn, huyện Vĩnh Linh tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để gia tăng thu nhập trên đơn vị canh tác; tăng cường thu hút doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu hàng hóa; thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Qua đó bảo đảm cho nông dân yên tâm sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững và hiện đại.

https://vinhlinh.quangtri.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 1112
Tổng lượt truy cập: 4.057.333
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!