Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 16-09-2024

Hỗ trợ chẩn đoán ung thư gan dựa vào các chỉ dấu sinh học

Ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh lý gan mật ác tính thường gặp nhất của ung thư gan và có tỷ lệ tử vong cao. Đây là loại ung thư đứng đầu tại Việt Nam. Ung thư gan tiến triển thầm lặng nên đa số người bệnh được phát hiện muộn, giai đoạn sớm thường không có triệu chứng cụ thể. Do vậy, việc tìm ra các chỉ dấu sinh học giúp phát hiện sớm ung thư, trước khi xuất hiện khối u để chẩn đoán sớm là rất cần thiết để đưa ra hướng điều trị hiệu quả cho người bệnh.

Xét nghiệm chuyên môn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về các chỉ dấu sinh học để tầm soát ung thư gan. Vì thế, nhóm nghiên cứu của PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Bắc tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành xét nghiệm các chỉ dấu sinh học đặc trưng và cả các chỉ dấu sinh học mới nhằm hỗ trợ chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan trên lâm sàng.

Kết quả cho thấy, xét nghiệm các chỉ dấu AFP, AFP-L3 và DCP (còn gọi là PIVKA-II) có độ nhạy, độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán ung thư gan, nhất là khi kết hợp nhiều chỉ điểm cùng một lúc. Vì vậy, những xét nghiệm này thường được đưa vào các quy trình khám sức khỏe, kết hợp với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác để nâng cao hiệu quả chẩn đoán sớm và theo dõi định kỳ trên những người bệnh có yếu tố nguy cơ cao.

Khi thực hiện 3 xét nghiệm tầm soát ung thư gan phổ biến nói trên, nếu kết quả bất thường, bác sĩ thường chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm đánh giá chức năng khác để chẩn đoán bệnh chính xác. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 1.500 người bệnh được thực hiện các xét nghiệm tầm soát bệnh ung thư tế bào gan kiểu này.

Ngoài các chỉ dấu sinh hóa quen thuộc trên thì nhóm các chỉ dấu ung thư mới, bao gồm các DNA và mRNA tách ra từ khối u hiện diện trong huyết thanh, ngày càng đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, sử dụng phương pháp real-time RT-PCR để định lượng hTERT mRNA trong máu được đánh giá là một phương pháp rất nhạy để phát hiện ung thư gan ở bệnh nhân có lượng AFP thấp.

Các xét nghiệm chỉ dấu hTERT mRNA có thể chuyển giao cho các công ty sản xuất sinh phẩm sinh học phân tử để tạo các bộ kit xét nghiệm thương mại có giá thành rẻ, góp phần giảm nhập khẩu các sinh phẩm đắt tiền mà vẫn đảm bảo chất lượng tầm soát ung thư tế bào gan, giúp tiết kiệm ngân sách và chi tiêu y tế của người dân.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 753
Tổng lượt truy cập: 3.492.750
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!