Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 11-07-2023

Chính sách tài chính để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng, có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nên kinh tế, phát triển bền vững.

Việc nghiên cứu, rà soát và đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết để hiện thực hóa chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, góp phần tăng năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính do ThS. Nguyễn Thu Trang dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Chính sách tài chính để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam” từ năm 2019 đến năm 2020.

Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau:

- Làm rõ cơ sở lý luận của CNHT, chính sách tài chính đối với phát triển CNHT. Đánh giá thực trạng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, xác định những điểm hạn chế trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hiện nay.

- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách tài chính để thúc đẩy ngành CNHT của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tập trung các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Đánh giá ưu nhược điểm và khuyến nghị cho Việt Nam.

- Đề xuất các giải pháp để hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính nhằm thúc đẩy phát triển ngành CNHT ở Việt Nam gồm giải pháp về vốn, ngân sách, thuế, tín dụng, đất đai, chính sách tài chính phát triển nguồn nhân lực CNHT, trong đó tập trung đề xuất giải pháp ở cấp độ Chính phủ và Bộ Tài chính.

Đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:

- Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia trên thế giới đã có ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong đó có chính sách tài chính nhằm phát triển ngành CNHT. Mỗi nước đều có các giải pháp, chính sách riêng tùy thuộc vào điều kiện, thế mạnh của mình gồm các chính sách về nghiên cứu, phát triển thị trường, chính sách tài chính, chính sách tiêu thụ sản phẩm, chính sách về khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp về tổ chức, quản lý... Về chính sách tài chính, các nước chú trọng đến các chính sách ưu đãi về thuế (thuế xuất, nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp...), chính sách hỗ trợ về nguồn vốn (bố trí vốn từ ngân sách và từ các nguồn khác), chính sách về tín dụng (vay lãi suất thấp, bảo lãnh tín dụng...), chính sách về tiền thuê đất, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển sản phẩm... Đây chính là những hàm ý chính sách quan trọng cho Việt Nam với tư cách là nước đi sau để học hỏi, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của nước mình.

- Trên cơ sở rà soát, đánh giá chính sách tài chính hiện hành, đối chiếu, so sánh kinh nghiệm tại các quốc gia, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi cho ngành CNHT trong giai đoạn tới là cần thiết. Trong khuôn khổ có hạn của Đề tài, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số chính sách tài chính như chính sách thuế, chính sách tín dụng, đất đai, hỗ trợ nguồn vốn, chính sách tài chính hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNHT... Tuy nhiên, để thúc đẩy ngành CNHT phát triển hơn nữa thì ngoài các chính sách về tài chính còn cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu dùng, chính sách về nghiên cứu khoa học, chính sách về đầu tư, chính sách về phát triển nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNHT...

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18632/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 46
Hôm nay: 794
Tổng lượt truy cập: 3.277.876
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.