Giá trị của định lượng tín hiệu MRI 3.0T trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) là bệnh hay gặp ở nam giới, xếp hàng thứ 2 về tỉ lệ tử vong sau ung thư phổi. Mặc dù, có tỷ lệ mắc cao nhưng phương thức sàng lọc phát hiện UTTTL hay hướng dẫn điều trị vẫn còn chưa được cụ thể. Chẩn đoán UTTTL thường dựa trên xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) và sinh thiết tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, xét nghiệm PSA có độ đặc hiệu thấp, một số tình trạng lành tính như viêm, sau sinh thiết tuyến tiền liệt (TTL) cũng gây tăng PSA. Mặt khác, sinh thiết tuyến tiền liệt là một thủ thuật xâm lấn có nguy cơ chảy máu hay nhiễm trùng.
Cộng hưởng từ 3.0 tesla (MRI 3.0T) với các chuỗi xung đa dạng và độ phân giải cao có khả năng phát hiện các bất thường của tuyến tiền liệt. Các nghiên cứu trước đây đã so sánh khả năng chẩn đoán của MRI 3.0T và 1.5T trong việc xác định giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt. Mặc dù sự khác biệt là không có ý nghĩa thống kê, nhưng MRI 3.0T có hiệu suất chẩn đoán tốt hơn so với MRI 1.5T. Ngoài ra, kỹ thuật định lượng MRI như bản đồ T2W và ADC cho thấy khả năng cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán UTTTL.Do vậy, nhằm đánh giá vai trò của định lượng tín hiệu MRI 3.0 trong chẩn đoán UTTTL, nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị cho người bện, Nguyễn Đình Minh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng với Vũ Ngọc Dương tại Trường Đại học Y Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu đánh giá “Giá trị của định lượng tín hiệu MRI 3.0T trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt”.
Các số liệu thu thập được là khách quan. Quy trình nghiên cứu không gây ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Đề cương nghiên cứu được thông qua Hội đồng xét duyệt đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở tại Bệnh viện Việt Đức
Nghiên cứu đã mô tả cắt ngang dựa trên định lượng tín hiệu cộng hưởng từ 3 tesla (MRI 3.0T) để phân biệt ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) và và các tổn thương lành tính. Nghiên cứu trên 84 bệnh nhân có PSA tăng > 4 ng/ml được chụp MRI 3.0 và sinh thiết tuyền tiền liệt qua siêu âm trực tràng có kết quả giải phẫu bệnh, từ tháng 1/2023 - 10/2023 tại Bệnh viện Việt Đức. Kết quả giải phẩu bệnh được xác định là UTTTL khi Gleason ≥ 6 điểm. Vị trí ung thư tuyến tiền liệt được xác định theo phân vùng giải phẫu tương ứng với 2 khu vực trên MRI 3.0T (gồm ngoại vi và vùng trung tâm). Kết quả nghiên cứu cho thấy tuổi trung bình bệnh nhân là 70,1 ± 7,65 tuổi (41 đến 82 tuổi), nhóm ung thư tuyến tiền liệt là 72,6 ± 6,6 tuổi và không ung thư tuyến tiền liệt là 67,7 ± 8,2 tuổi (p < 0,01). Xem xét tổn thương ở cả vùng ngoại vi và vùng trung tâm, các chỉ số tín hiệu tổn thương của ung thư tuyến tiền liệt là luôn thấp hơn nhóm lành tính trên T2W (T2W mean), ADC (ADCmean và ADCmin), trong khi chỉ số trên DWI (DWImean và DWImax) là cao hơn (p < 0,01). Mặt khác, đường cong ROC thể hiện khả năng chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt cho thấy chỉ số ADCmean là chính xác nhất với diện tích dưới đường cong (AUC) là 0,948, độ nhạy (Sn) 92,3% và độ đặc hiệu (Sp) 86,7% ở vùng ngoại vi và AUC 0,991 ở vùng trung tâm với Sn 97,4% và Sn 86,7%. Bên cạnh đó, các chỉ số ADCmin, T2mean, DWImean, DWImax cũng có giá trị cao trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.
Bên cạnh những kết quả thu được, nhóm nghiên cứu nhận thấy còn có một số hạn chế đó là kết quả giải phẫu bệnh chỉ dựa vào các trường hợp được sinh thiết tuyến tiền liệt nên có thể bỏ sót tổn thương ác tính trong trường hợp kết quả sinh thiết là âm tính giả; xác định vị trí đo đạc tín hiệu còn phụ thuộc vào chủ quan của người đọc nên có thể nhầm với các tổn thương lành tính.