Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 16-08-2024

Nghiên cứu sử dụng nguyên liệu hữu cơ, phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất một số loại rau, quả ở các tỉnh phía Bắc

Rau quả là thực phẩm thiết yếu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của con người. Khi đời sống kinh tế xã hội ngày càng tăng, nhu cầu về rau quả cũng ngày càng tăng cả về lượng lẫn về chất. Tuy nhiên một thực trạng đáng lo ngại cho nền sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất rau nói riêng ở nước ta hiện nay là việc lạm dụng quá mức hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm rau quả, gây tâm lý bất an và ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa đến tính mạng của người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc phát triển sản xuất rau quả an toàn bền vững với việc tăng cường sử dụng nguyên liệu và phân bón hữu cơ trong canh tác nhằm bảo đảm an toàn sinh học và bảo vệ môi trường mà vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản đang là yêu cầu của tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam. Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu và ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý chất hữu cơ và phân bón hữu cơ được đẩy mạnh để thay thế dần phân bón và thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học đã được hầu hết các nước quan tâm và khuyến khích vì nó có nhiều ưu điểm vượt trội như: không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường, giúp cân bằng hệ sinh thái (vi sinh vật, dinh dưỡng…).

 

Sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ thường có giá trị thương mại cao. Trong quá trình xử lý phụ phẩm nông nghiệp, vi sinh vật khởi động có vai trò trong rút ngắn thời gian ủ, hạn chế tối đa các ảnh hưởng không có lợi của quá trình chế biến phân ủ đến môi trường cũng như làm giàu dinh dưỡng phân ủ đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi tại Ấn Độ, Philipin, Mỹ, Nam Phi, Canada, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaiisia, Philipin, Thái Lan, Inđônêxia. Các kết quả nghiên cứu cho thấy khi bổ sung VSV có khả năng phân giải xenlulo, lignin, tinh bột, phốt phát hữu cơ, vi sinh vật gây bệnh… giúp rút ngắn thời gian ủ, giảm mùi hôi, tiêu diệt VSV gây hại. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một nghiên cứu tổng thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng ứng dụng các chất hữu cơ và phân hữu cơ vào sản xuất rau quả an toàn ở miền Bắc nước ta.

Nhằm xác định được hạn chế, nghiên cứu đề xuất được các giải pháp tăng cường sử dụng nguyên liệu hữu cơ, phân bón hữu cơ trong sản xuất một số loại rau và cam, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm ô nhiễm môi trường ở các tỉnh phía Bắc, GS. TS. Phạm Văn Cường, cùng các cộng sự tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sửng dụng nguyên liệu hữu cơ, phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất một số loại rau quả ở các tỉnh phía Bắc”.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài thu được các kết quả như sau:

- Trung bình tổng sản lượng phụ phẩm trồng trọt của một tỉnh khoảng 1,4-1,5 triệu tấn/năm trong đó phụ phẩm từ lúa là chủ yếu (~550 ngàn tấn), phụ phẩm từ cây rau 71,5 ngàn tấn/năm. Trung bình lượng chất thải rắn từ trâu/bò của một tỉnh là 0,7 triệu tấn/năm, từ lợn là 0,6 triệu tấn/năm, từ gia cầm là 0,9 triệu tấn/tỉnh/năm. Hiện có một số chế phẩm được xử lý chất thải chăn nuôi với mục đích để đảm bảo môi trường, nhưng ít chế phẩm xử lý với mục đích làm phân bón cho cây trồng.

- Loại phân chuồng sử dụng cho sản xuất rau được ủ từ hỗn hợp phụ phẩm trồng trọt chủ yếu là rơm rạ, phụ phẩm trồng rau và chất thải chăn nuôi lợn/gà tại Hà Nam, Hà Nội và Hưng Yên. Trung bình lượng phân chuồng bón cho 3 vụ rau an toàn/năm cao nhất tại Hà Nam (10-12 tấn/năm) và thấp nhất tại Hà Nội (3-5 tấn/năm), với rau hữu cơ 11-15 tấn/ha/vụ. Lượng phân chuồng tự ủ sử dụng cho cam cao nhất Nghệ An (5-7 tấn/ha), tại Hòa Bình (3-5 tấn/ha) và thấp nhất là Hà Giang (1-3 tấn), nhiều hộ sản xuất cam chỉ sử dụng phân vô cơ mà không sử dụng phân hữu cơ.

- Chế phẩm mới xử lý phụ phẩm trồng trọt Compost maker -Bio 02 có dạng bột gồm 04 chủng VSV có khả năng phân giải phốt phát khó tan, xenluo, lignin và lên men khử mùi với mật độ đều lớn hơn ≥108 CFU/g, thời gian xử lý 27 - 33 ngày cho nguyên liệu đủ tiêu chuẩn làm cơ chất trong sản xuất phân hữu cơ, hiệu lực vượt trội so với chế phẩm EMINA hoặc Sagibio (rút ngắn thời gian xử lý 5 ngày). Tiêu chuẩn cơ sở đã được Viện thổ nhưỡng Nông hóa và Chi cục đo lường chất lượng Hà Nội công bố.

- Chế phẩm mới xử lý chất thải chăn nuôi VNUA-MiosV gồm 08 chủng vi sinh vật chính gồm vi khuẩn và nấm men có khả năng phân giải celulose, tinh bột, protein và lên men khử mùi, ngoài ra nấm mốc có khả năng phân giải tinh bột, protein và kháng sinh với mật độ các chủng đều > 108 CFU/g. Hiệu lực của chế phẩm VNUAMiosV trong phân giải chất thải chăn nuôi hơn so với EMUNIV và BioMT (rút ngắn thời gian xử lý) và tăng hàm lượng C/N. Tiêu chuẩn cơ sở sản xuất chế phẩm VNUA-MiosV được Học viện Nông nghiệp Việt Nam ban hành và được Cục chăn nuôi công bố chất lượng.

- Sử dụng phân hữu cơ vi sinh (HCVS) và phân chuồng ủ (PCU) thay phân vô cơ trong sản xuất rau an toàn làm tăng năng suất tất cả các loại rau trong cơ cấu 3 vụ rau/năm (cà chua-rau muống- cải bắp; dưa chuột-mồng tơi- củ cải), trong đó mức thay thế tốt nhất khi sử dụng phân HCVS là 25% phân vô cơ đối với cà chua và dưa chuột, 25%-50% với rau muống, mồng tơi và cải bắp, mức 25%-75% đối với củ cải, sử dụng phân chuồng ủ thay thế 50% phân vô cơ làm tăng năng suất và chất lượng rau (hàm lượng vitamin C, carotenoid tổng số, protein, đường tổng số và carbonhydrate, giảm hàng lượng nitrate và không có vi sinh vật tồn dư) đồng thời làm tăng chất lượng đất 32 (duy trì và ổn định độ pH, tăng độ tơi xốp, tỷ lệ tạo mùn cao, thay đổi N,P và K khó tiêu thành dễ tiêu và tăng Magie di động) và tăng hiệu quả kinh tế đối với cơ cấu rau cà chua- rau muống-cải bắp tăng trung bình 38,6%, đối với cơ cấu rau dưa chuộtmồng tơi-củ cải tăng 28,1% với canh tác rau sử dụng 100% phân vô cơ, sử dụng.

- Bón phân chuồng ủ từ phụ phẩm trồng trọt (rơm rạ và phụ phẩm trồng rau) bằng chế phẩm Compost marker-Bio 02 tại Sóc Sơn và phân chuồng ủ từ nguyên liệu chính là chất thải chăn nuôi lợn bằng chế phẩm VNUA-MiosV tại Lương Sơn với lượng 14 tấn/ha/vụ cho cơ cấu 3 vụ rau hữu cơ/năm làm tăng năng suất và chất lượng rau đồng thời làm tăng chất lượng đất, tăng hiệu quả hiệu quả kinh tế cơ cấu 3 vụ rau/năm tại Sóc Sơn tăng 54,9% và tại Lương Sơn tăng 17,9% so với sản xuất rau hữu cơ bón bằng phân ủ với chế phẩm thông dụng.

- Sử dụng phân hữu cơ vi sinh (HCVS) thay thế 25% phân vô cơ và sử dụng phân chuồng ủ thay thế 50% phân vô cơ làm tăng năng suất cam trung bình lần lượt 15% và 19,9 %, trong khi sử dụng phân HCVS thay thế 50% -75% phân vô cơ không làm thay đổi năng suất so với bón 100% phân vô cơ, đồng thời làm tăng chất lượng cam, chất lượng đất. Sử dụng phân HCVS thay thế 25% và sử dụng phân chuồng ủ thay thế 50% phân vô cơ làm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất cam trung bình lần lượt là 14,1% và 13,6%.

Nhóm đề tài kiến nghị sử dụng chế phẩm Compost maker-Bio 02 để xử lý các loại phụ phẩm trồng trọt và chế phẩm VNUA-MiosV để xử chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ. Áp dụng quy trình sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay thế 25-50% phân vô cơ cho rau, thay 25% phân vô cơ cho cam hoặc sử dụng phân chuồng ủ thay thế 50% phân vô cơ cho cả rau và cam. Cần có chính sách tuyên truyền và nâng cao giá cam canh tác bằng sử dụng phân hữu cơ để năng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cam sử dụng nguyên liệu hữu cơ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20066 /2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 751
Tổng lượt truy cập: 3.492.748
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!